"Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi…"
Trong một khu vườn xanh mát, một bầu trời có mây trắng, một con ngõ nhỏ đợi người thơ đi về. Đêm qua (17/4), từng cơn mưa phùn thi thoảng giăng xuống trời đất, vậy là, bảy-mươi-mốt của đời thơ Lưu Quang Vũ cứ thế thấm thoát trôi qua. Ngày hôm đó, như một cuốn nhật ký lần đầu tiên được công bố, cứ se sẽ, thật nhẹ nhàng, để vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh không vội đi mất.
Công chúng biết đến Lưu Quang Vũ với tư cách là một nhà viết kịch với những tác phẩm dữ dội nhất của sân khấu Việt Nam vào thập niên 80. Nhưng trước đó, anh đã là một nhà thơ. Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đợi nhau trong định số sau lần tan vỡ thứ nhất. Họ bên nhau cho đến tận cùng của cái chết và sự sống.
Tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của đôi nghệ sĩ tài hoa đang ở đỉnh cao cống hiến cho văn học nghệ thuật, để lại cho đời muôn vàn tiếc thương và một câu chuyện tình đầy lãng mạn, đậm chất ngôn tình. Không chỉ trong văn học mà ngoài cuộc sống, từ bao lâu nay, chuyện tình của họ đã trở thành một biểu tượng cho tình yêu đầy ngọt ngào, thơ mộng. Như một định mệnh, Xuân Quỳnh từng viết "Chỉ còn em và anh/ Cùng tình yêu ở lại".
Bức ảnh ngày trẻ của 2 cố nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Họ bên nhau cho đến tận cùng của cái chết và sự sống.
Họ bên nhau cho đến tận cùng của cái chết và sự sống.
"Se sẽ chứ không cánh buồm đi mất"
"Se sẽ chứ không cánh buồm đi mất" là tên của đêm thơ tưởng nhớ 71 năm ngày sinh nhà thơ Lưu Quang Vũ. Nguyễn Hoàng Điệp - nữ đạo diễn "Đập cánh giữa không trung" là người đứng ra tổ chức không gian thơ, tái hiện lại những gì gắn bó với cuộc đời của Lưu Quang Vũ. Đó là một đêm kỷ niệm đặc biệt, nhắc nhớ về những bài thơ không năm tháng của anh Vũ. Ở đó, 71 người bạn thơ, người tình thơ, người yêu thơ của Lưu Quang Vũ đã cùng nhau lắng đọng, ngân nga và cùng nghe lại những câu thơ rất xanh xưa của vợ chồng thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.
Bạn thơ của Vũ-Quỳnh kéo đến chật kín cả khu vườn, già có, trẻ có. Có những người vì muốn giữ chỗ, đã đến từ 4h30 chiều, ngồi bình yên giữa không gian thơ Lưu Quang Vũ, dù 7h tối mới chính thức đón khách. Đông quá, đông vượt ngoài sự tưởng tượng của ban tổ chức. Thiếu ghế ngồi, một số khác đứng thành hàng ngay ngắn, số còn lại nép mình khẽ khẽ từ bên ngoài nhìn vào. Dòng người nối dài con ngõ, ai nấy đều chung một tâm thế: bồi hồi và xúc động, trước khi đêm thơ về nhà thơ họ Lưu bắt đầu.
Mở đầu đêm thơ, đèn điện vụt tắt, mọi người cùng hướng lên màn hình chiếu bé nhỏ. Một bộ phim ngắn về cuộc đời của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh với phần lớn là hình ảnh tĩnh, đen trắng được phát cùng thứ âm thanh, giọng đọc mang âm hưởng của ngày xưa. Đau đớn thay, những thước phim động về anh Vũ, lại chính là khoảnh khắc sinh tử chẳng ai muốn nghĩ tới.
Không gian chật cứng của đêm thơ tưởng nhớ ngày sinh của nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Mọi người đủ lứa tuổi, ngồi chật cứng từ trong nhà ra ngoài sân.
Từng cung bậc cảm xúc trong đêm thơ Lưu Quang Vũ.
Số đông không thể vào trong nán lại bên ngoài, kín cả con ngõ nhỏ.
Có tiếng nấc nghẹn xen giữa những khoảng lặng. Cũng có ai đó, hình như là chị Điệp, cúi mặt cố che những giọt nước mắt. Còn nhớ năm 1988, khi gia đình anh Vũ gặp nạn, cả Hà Nội khóc ròng, người đi đưa tang dài hàng cây số. Đến giờ, 31 năm sau, lòng thương tiếc anh chị chỉ có tăng lên chứ không giảm.
Phim tư liệu kết thúc, ánh sáng được bật lên, trên những gương mặt còn đang đượm buồn quên mình trong bóng tối, họ vội lấy tay lau mặt. Chẳng ai kiềm chế nổi cảm xúc khi hình ảnh của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh cùng xuất hiện trên màn hình.
Ngồi ở khu vườn, dù bất kể đâu, dưới gốc ngọc lan thơm ngan ngát hay bên cạnh những bình ly trắng muốt, bạn thơ nhắm mắt, mở mắt, rơi nước mắt, rồi mỉm cười, im lặng. Trong không gian ấy, người ta đối đãi với nhau bằng thơ. Chỉ có thơ, mới đủ sức mạnh kết nối những tâm hồn đồng điệu, để vào một đêm mưa như này, bất kể ai cũng chấp nhận lắng nghe trong một tâm thế an yên và giàu xúc cảm.
"Mây trắng" cũng là tên một tập thơ của Lưu Quang Vũ.
Vợ chồng nghệ sĩ NSND Lan Hương – Đỗ Kỷ hoá thân thành Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, đọc lại những bức thư tình của ngày xưa.
Giọng đọc sâu lắng của 2 nghệ sĩ khiến bao người rưng rưng xúc động.
Lần lượt những bài thơ, nhật ký, thư tình của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh được người ở lại thay nhau đọc, hát và ngâm nga, dạt dào và đầy thương nhớ.
"Những ngày này nhớ và thương Quỳnh nhiều lắm, không nên bực bội về Sài Gòn và người Sài Gòn làm gì. Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Về với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết thư, sợ gì em nhỉ" - Lưu Quang Vũ.
"Cuộc sống ngắn ngủi, con người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất, vĩnh viễn. Sống với nhau 12 năm mà ngắn quá dù có vài chục năm nữa ở bên nhau cũng chẳng là dài. Em và anh ngày càng già đi, càng buồn nhiều khi trông thấy những người thân mình ra đi" - Xuân Quỳnh.
"Anh thì mãi mãi vẫn thế: vẫn là anh của em với tất cả những nhược điểm và ưu điểm mà anh có, nhưng sẽ mãi mãi yêu thương em, hơn những ngày qua cộng lại" - Lưu Quang Vũ.
"Cả đời em, em chỉ muốn cố gắng sao cho cuộc đời anh đỡ nhọc nhằn. Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh, không phải về tình yêu mà về trí tuệ" - Xuân Quỳnh.
Một trong những bài thơ viết tay của Lưu Quang Vũ: "Anh chẳng còn gì nữa".
Không gian xanh mượt trong đêm thơ sinh nhật Lưu Quang Vũ.
Khắp mọi góc, người đến xem dành sự tôn kính cho cố nhà thơ.
Căn phòng 6m2 của nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Tại đêm thơ "Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất", đạo diễn Hoàng Điệp dành toàn bộ không gian tầng 2 để làm phòng trưng bày những kỷ vật có thể nói là lần đầu được tiết lộ, về nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, tái hiện căn phòng 6m2 ở 96A phố Huế nơi 2 người từng sinh sống. Đó là một gia đình có đầy đủ "con anh, con tôi, con chúng ta", luôn đầy ắp tiếng cười và tràn ngập tình yêu thương.
Để có thể làm "sống dậy" căn phòng ngày xưa của Vũ-Quỳnh, đạo diễn Hoàng Điệp đã cố gắng liên hệ với người nhà Lưu Quang Vũ, để được tận mắt đến thăm căn phòng nhỏ. Đó như một bảo tàng thu nhỏ, bám bụi thời gian, thiếu ánh sáng, nhưng đúng là "Nhà chật" rồi.
"Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.
Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình".
(Trích bài thơ "Nhà chật" - Lưu Quang Vũ).
Từng trang nhật ký, bản thảo, thư tình, những bức ảnh mà Lưu Quang Vũ từng mô tả là ngập tràn cả căn phòng, những mẩu ký hoạ, phác thảo bìa sách,... tất cả đều như vừa mới hôm qua.
Căn phòng 6m2 nơi Vũ-Quỳnh cùng sinh sống. Ảnh: Nguyễn Hoàng Điệp.
Căn phòng vẫn giữ được gần như nguyên trạng sau ngần ấy thời gian. Thứ quý giá nhất là những cuốn sách, tập thơ của anh Vũ chị Quỳnh. Ảnh: Nguyễn Hoàng Điệp.
"Phòng của anh chị, ngoài 2 vách tường sách và bàn thờ thì còn có gác xép. 1 cái gác xép mà chúng tôi không chắc dám trèo hẳn lên. Căn nhà đã cắt điện, cắt nước. Phía trên kín và tối như một cái hộp với phần nắp rất…thấp! Những tư liệu, bằng khen, bức tranh của anh Vũ, hình ảnh của chị Quỳnh, em Mí, ảnh ông bà Lưu Quang Thuận, những đồ vật nhỏ xíu xiu…tất cả đều có thể được làm sạch và sắp xếp lại. Cái cửa sổ không mở được, một bức tường của hàng xóm đã chặn luôn nó rồi.
Đã thế, bạn lại còn phát hiện ra rằng… cả Mây Trắng, cả Thuyền, cả Biển, cả Đêm Sâu hay cả những Ban Mai đều từ trong chiếc hộp 6 mét vuông kín bưng – mà ra cả!" - chị Hoàng Điệp chia sẻ.
Cả căn phòng có cái thảm cói, khi ăn cơm 2 anh chị trải báo lên. Còn có một cái bàn làm việc nhưng rất nhỏ, thường là anh Vũ sẽ ngồi viết, và chị Quỳnh ngồi dưới đất, kê giấy lên đùi để sáng tác…thơ! Là thế đấy, mỗi đêm, anh Vũ viết thơ ru chị Quỳnh ngủ trong căn phòng rộng 6m2.
Ở khuôn viên nơi diễn ra bữa tiệc sinh nhật ấm cúng của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, những người bạn thơ có cơ hội được chiêm ngưỡng căn phòng 6 mét vuông được phục dựng gần như hoàn hảo. Mỗi lần vào tham quan BTC yêu cầu chỉ được khoảng 5 người, để tránh ảnh hưởng tới toàn bộ căn phòng, cũng như hiện vật mà các thành viên đã cố gắng giữ gìn.
Tại không gian tầng 2 của khu vườn, những người bạn thơ dành riêng để tái hiện căn phòng 6m2.
Mọi cuốn sách, tập thơ của 2 nhà thơ đều được tập hợp về đây, giữa một không khí trang nghiêm nhất.
Bài thơ "Nhà chật" Lưu Quang Vũ sáng tác về nơi 2 vợ chồng sinh sống.
Từng góc trong căn phòng đều được chăm chút sao cho tái hiện được trọn vẹn căn phòng của 2 nhà thơ.
"Có phải lúc nào bạn cũng giữ được bình tĩnh trước những nhà thơ đâu. Nhất là khi, bạn đối diện với họ qua nén hương lơ đãng khói. Bạn sẽ phải thốt lên "se sẽ chứ...", như chạm phải sương mỏng, như chạm phải... thơ.
Sau khi khấn vái, tôi mời anh chị và Mí sẽ qua dự sinh nhật. Tôi gọi lễ sinh nhật cho chàng thơ là "Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất". Chắc chắn là anh chị với Mí sẽ rất vui!" - nữ đạo diễn tâm sự.
Đã qua rồi 31 năm ngày mất của 2 cố nhà thơ kiệt xuất, sau cùng, trải qua bao gian lao và nhọc nhằn, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh ruốt cuộc mãi mãi được ở bên nhau. Ở đâu đó, anh lại viết thơ ru chị ngủ, cũng có thể là trong căn phòng vẫn chỉ vỏn vẹn 6m2, nhiều sách, nhiều thơ cùng bao niềm vui thường nhật.
Ơ kìa, vẫn còn cả một không gian và những con người "mây trắng" đến thế!
"Ngủ nhé Quỳnh ơi, mọi việc để anh làm
Anh rửa bát, dọn nhà, xếp lại những trang thơ Quỳnh viết dở
Cái tẩu, lọ hoa, mặt bàn tàn thuốc lá
Ngủ ngon Quỳnh ơi, gian phòng nhỏ như thuyền…".
(Trích bài thơ "Thơ ru Quỳnh ngủ" - Lưu Quang Vũ).
Lưu Quang Vũ, gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi.
Dành bó hoa trắng tặng riêng cho anh Vũ và chị Quỳnh.