Tại một góc nhỏ trong con hẻm ở phường Hiệp Thành, Quận 12, TP.HCM, người ta thường thấy một lớp học nhỏ âm thầm hoạt động, cứ đều đặn từ 18h45 đến 20h45 thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Đó chính là lớp học 0 đồng Ngọc Việt, nơi chất chứa tình người.
Lớp học 0 đồng và tấm lòng của anh Khải
Lớp học tình thương Ngọc Việt mở ra lần đầu vào năm 2010, do anh Huỳnh Quang Khải – một hướng dẫn viên du lịch thành lập.
Ròng rã suốt gần 10 năm, lớp học 0 đồng này đã giúp cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đến trường có cơ hội được học tập. Đa phần các em có độ tuổi dao động từ 7 đến 18 tuổi.
"Tôi là trẻ mồ côi, mấy đứa nhỏ ở đây cũng đa phần trẻ mồ côi. Nên tôi biết được là tụi nó thiếu thốn tình thương dữ lắm. Nên cái thứ nhất, tôi thương tụi nó là như vậy, cái thứ 2 là tụi nó không có tiền để đi học. Cũng không biết tại sao mà tôi lại lập cái lớp học cho tới bây giờ nữa", anh Khải cười nói khi được hỏi về việc mở dạy lớp học tình thương Ngọc Việt.
Ở lớp, ngoài những môn như Toán, Tiếng Việt, anh Khải còn dạy một môn nữa đó là môn "Nhân cách sống". Với anh Khải, anh luôn chú trọng về việc làm sao để dạy tụi nhỏ trở thành thành một con người tốt, một người có ích cho xã hội.
Mỗi em khi đến lớp đều phải mặc đồng phục, bé nào học khá, học giỏi sẽ được thưởng giấy khen. Anh cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như cắm trại, trung thu cho các em. Anh Khải muốn tụi nhỏ của mình có được cảm giác giống như đang học ở trường chính quy.
Do tính chất của công việc, có những lúc anh Khải phải đi đến tận 5, 6 ngày. Nhưng để việc học của các em không bị gián đoạn, vợ anh cùng cô Hồ Thị Nho – một giáo viên đã về hưu sẽ thay phiên nhau dạy các em.
Mỗi ngày, anh Khải luôn phải đắn đo, cân nhắc nhiều điều để tụi nhỏ của mình có thể tiếp tục được học mà không phải lo về tiền bạc. Nguồn kinh phí để duy lớp chủ yếu đến từ tiền lương của anh Khải và vợ. Có lúc, hai vợ chồng anh đã phải bán đi số vàng cưới của mình để lấy tiền duy trì lớp học.
"Chỉ mong bố mẹ tụi nhỏ hiểu mà cho chúng được đi học..."
Bên cạnh khó khăn về mặt tài chính, có lẽ khó khăn nhất đối với anh là áp lực đến từ gia đình các em. Các phụ huynh không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc học. Vì vậy anh đã phải luôn thuyết phục họ, có khi lên đến 20 phụ huynh.
Dẫu gặp nhiều khó khăn là vậy, nhưng anh vẫn khẳng định lớp học này sẽ duy trì mãi đến khi nào anh không còn khả năng nữa thì thôi.
"Nhiều phụ huynh họ không hiểu được tầm quan trọng của việc học như thế nào. Họ có cái suy nghĩ rất là tiêu cực là chỉ cho con họ học để biết chữ chứ không có cho con học để lấy bằng cấp.
Cứ đến độ tuổi 13, 14 gì đó thì cho nghỉ học rồi đi làm. Vì cuộc đời của họ sáng mở mắt dậy là đi làm, tối đi về rồi tới tháng lấy lương, họ cứ biết như vậy và con họ cũng sẽ như vậy. Như một cái vòng luẩn quẩn", anh Khải nói.
Mặc dù học sinh ở lớp đều có hoàn cảnh khó khăn, nhưng các em ai cũng có ý thức học tập tốt, đi học đầy đủ và rất biết vâng lời.
Có nhiều em cứ khiến anh nhớ mãi: "Có một đứa mà hiện giờ tôi luôn nhớ tới nó, bé này tên Linh, nó mất rồi, bé là một học sinh khá và ngoan nhất cái thời điểm đó, thời điểm đó là năm 2012. Nó biết tôi thích ăn bánh bò lắm ngày nào nó cũng mua bánh bò mà nó không dám đưa cho tôi, lúc nào cũng nhờ mẹ tôi đưa dùm", nói đến đây giọng anh Khải trầm xuống.
Khi được hỏi về ước mơ, em Tiêu Thị Khánh Ly (13 tuổi) hiện đang học lớp 3 ở lớp học cho biết: "Em mơ ước được làm bác sĩ để trị cho những người nghèo không có tiền. Và em muốn sau này có thể giúp đỡ thầy vì ở đây thầy dạy tụi em và thương yêu tụi em như con của mình. Thầy cho tụi em ăn nhiều đồ ăn ngon mà trước giờ em chưa được ăn, dạy cho tụi em những cái mà tụi em chưa biết".
Tính đến nay, đã gần 10 năm trôi qua, nhiều thế hệ học sinh đã tốt nghiệp, anh vẫn kiên trì giảng dạy chỉ với mong muốn rằng các em sau này sẽ có được một công việc ổn định. Anh chỉ hi vọng lớp học sẽ ngày càng phát triển, để các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có thể biết đến và theo học cái chữ.
Và cứ như vậy, căn phòng nhỏ đơn sơ gần 5m vuông, gần 50 đứa trẻ vẫn đều đặn ê a đọc từng bài giảng của người thầy hiền dịu. Chỉ mong rằng, tất cả tụi nhỏ đều tìm thấy cho mình một ước mơ, trở thành một người tử tế, có ích cho xã hội... như điều thầy Khải hằng mong muốn.