Có lẽ điều Ngọc Hân công chúa để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng hậu thế chính là làm vợ của vua Quang Trung. Là nàng công chúa thuộc hàng cuối cùng của nhà Lê, đi vào lịch sử bằng mối tình đẹp với người anh hùng áo vải tài ba, Ngọc Hân công chúa còn để lại cho nền văn học Việt Nam áng văn khóc chồng thống thiết, lâm li đầy chân tình.
Bắc cung Hoàng hậu tuổi 19
Từ nàng công chúa nhà Hậu Lê sau trở thành Thứ hậu nhà Tây Sơn với tư cách vợ của vua Quang Trung - một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc. Ngọc Hân công chúa trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII. Chuyện tình yêu của bà để lại bao nỗi day dứt khiến hậu thế cũng phải ngậm ngùi.
Công chúa Ngọc Hân tên thật là Lê Ngọc Hân, sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần 1770 (Niên hiệu: Cảnh Hưng thứ 31), tại kinh thành Thăng Long. Ngọc Hân công chúa là con gái của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền quê ở làng Phù Ninh (nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội).
Tháng 5 năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc với ý định "phù Lê diệt Trịnh", sau khi thành toàn, Nguyễn Huệ yết kiến vua Lê Hiển Tông. Qua sự mai mối của một tướng sĩ là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân công chúa bén duyên cùng Nguyễn Huệ khi mới 16 tuổi. Khi ấy, Nguyễn Huệ đã 33 tuổi và cũng đã có chính phi là Phạm Thị Liên.
Sau khi Lê Hiển Tông băng hà, Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền góa bụa ở tuổi 33. Khi kết thúc thời gian chịu tang, bà Huyền về quê lập dinh Thiết Lâm 100 gian ở xế cửa chùa Pháp Vân để tiện sang chùa lễ Phật.
Ít lâu sau, Ngọc Hân cũng theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa. Hai năm sau (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Trước khi hành quân ra Bắc diệt quân Thanh, Ngọc Hân công chúa được phong làm Hữu cung Hoàng hậu. Đến năm 1789, sau khi đại phá thành công 20 vạn quân Thanh, vua Quang Trung phong bà làm Bắc cung Hoàng hậu.
Góa phụ tuổi 22
Vừa lên ngôi Bắc cung, Ngọc Hân sinh công chúa Bảo Ngọc năm 1790 và một năm sau, hoàng tử Văn Đức ra đời. Hạnh phúc đang nồng thắm, ân ái chưa đầy một thập kỷ, năm 1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà. Từ vị Bắc cung hoàng hậu được sủng ái, Ngọc Hân công chúa cũng mất đi quyền lực.
Hai bài văn khóc chồng khiến bà muốn chết cùng người chồng tài ba yểu mệnh như câu thơ trong Ai tư vãn thống thiết:
"Con trứng nước thương vì đôi chút
Chữ tình thâm chưa thoát được đi
Vậy nên nấn ná đòi khi
Hình tuy còn ở phách thì đã theo".
Quá đỗi đau thương nhưng thấy hai con mới chập chững vài tuổi đứng trước linh sàng cha:
"Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm
Đầu mũ mao, mình tấm áo gai
U ơ ra trước hương đài
Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào".
Chua xót bao nhiêu, nhìn cảnh ấy, Ngọc Hân nén lại, tạm sống để nuôi con.
Theo nghiên cứu Danh nhân Lê Ngọc Hân của PGS. Chu Quang Trứ, sau khi vua băng hà, Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền, cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Vậy là người con gái đất Bắc đã trở thành góa phụ khi mới 22 tuổi.
Hai bài văn khóc chồng là Tế vua Quang Trung và Ai tư vãn là nỗi lòng xé gan đứt ruột của bà, khi đang ở tuổi xuân xanh đã chịu cảnh âm dương cách biệt.
"Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui
Nào hay sông cạn bể vùi
Lòng trời tráo trở vận người biệt ly"
Lay lắt gượng sống, 7 năm sau bà hóa kiếp theo chồng. Ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi 1799, Ngọc Hân công chúa qua đời. Khi ấy, bà mới 29 tuổi.
Chết vẫn chưa hết khổ
Dù đã ra đi, Ngọc Hân vẫn không thể yên giấc ngàn thu. Bà còn bị mang tiếng giết chồng. Có tài liệu nghiên cứu cho rằng, có lần vua Quang Trung cầu hôn công chúa nhà Thanh (Trung Quốc) và được vua Càn Long hứa gả con gái cho. Chính vì vậy, trong phút bồng bột, Ngọc Hân đã đầu độc rượu cho vua Quang Trung uống.
Tuy nhiên, sau lật lại trong các tài liệu sử, các sử gia cũng bác bỏ điều này. Án oan giết người đầu ấp tay gối đè trên vai, bà còn phải chịu thiệt thòi khi hài cốt cũng bị đào xới, ném trôi sông...
Theo nhiều giai thoại, vì thương xót con gái cùng hai cháu ngoại chết yểu nơi xa xôi, bà Chiêu nghi đã cho người vào Phú Xuân đưa hài cốt ba mẹ con về dinh của bà. Bà cho an táng ba mẹ con tại bãi Cây Đại ở đầu làng Nành, xã Phù Ninh, nay thuộc xã Long Biên, Hà Nội.
Trong Đại Nam thực lục có nói: "Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích".
Tài liệu Mấy vấn đề về vua Gia Long của GS. Trần Quốc Vượng cũng đề cập đến việc trong gia phả họ Nguyễn ở làng Nành có đoạn chép rằng bà cụ Nguyễn Thị Huyền - qua con gái là bà Ngọc Bình có làm đơn xin cải táng mộ bà Ngọc Hân và hai con bà về Bắc, về quê bà. Vua Gia Long đồng ý. Tiểu sành đựng xương cốt bà Ngọc Hân được chở bằng thuyền về làng Nành và được xây mộ đàng hoàng.
Khi Gia Long lên ngôi đã hành quyết vua tôi Cảnh Thịnh, truy lùng hành tích Tây Sơn, thì dân làng Nành đón được hài cốt mẹ con Ngọc Hân về yên nghỉ, sau không được thờ chính thức, người dân bí mật thờ phụng bà dưới dạng "cô hồn".
Đến thời Thiệu Trị (trị vì 1840-1847) có tên cường hào ở làng Nành có thù riêng với dòng họ Nguyễn nên vu cáo họ Nguyễn đã "lợi dụng" gì đó về ngôi "mả ngụy" Ngọc Hân, cấp trên quan liêu nên phê vào đơn cho phép đào mả Ngọc Hân quẳng xuống sông Nhị Hồng...
Tương truyền rằng, bên sông Hồng có ngôi đền án ngữ, nơi thời công chúa Ngọc Hân, phía trước có một ghềnh nước xoáy, bởi vậy ngôi đền được đặt tên là đền Ghềnh. Hiện nay, ngôi đền Ghềnh ở Long Biên, Hà Nội vẫn là chốn thiêng với giai thoại lưu truyền về nơi hài cốt Ngọc Hân công chúa dạt vào, và được người dân vớt lên mai táng.
***
Ngắn ngủi nhưng mặn nồng là những gì người đời sau nhớ về mối tình của Ngọc Hân công chúa và vua Quang Trung. Trong cuốn 36 Hoàng hậu, Hoàng phi Thăng Long - Hà Nội, tác giả Nguyễn Bích Ngọc cũng đề cập rằng "Khi chưa kết hôn, Ngọc Hân là người tài sắc vẹn toàn. Bà cũng là một vị hoàng hậu xứng đáng. Đặc biệt bà có tài văn chương xuất sắc. Nhà vua mất, bà có hai bài văn khóc chồng đạt trình độ nội dung và nghệ thuật rất cao, viết bằng quốc âm".
Dù cuộc đời chịu nhiều thảm cảnh lẫn hàm oan, nhưng hậu nhân vẫn nhớ đến một tấm lòng son, một tấm chân tình gửi gắm nhiều hẹn ước về mối lương duyên ngắn ngủi của nàng công chúa đất Bắc:
"Kiếp này chưa trọn chữ duyên
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương".