Chamseddine Marzoug đang vội. Ông tận dụng thời gian nghỉ trưa ít ỏi để đến thăm nghĩa trang, nơi mà ông đã lui tới đây hàng chục năm để lo chuyện chôn cất, mồ mả cho những người châu Phi phải bỏ mạng khi chưa kịp đặt chân lên mảnh đất châu Âu trong hành trình di cư của mình.
Ông Chamseddine, 51 tuổi, dừng lại để thở giữa mảnh đất đầy rác và rải rác các lon bia. Ông chỉ tay về phía trước, băng qua hàng cây ô liu um tùm, cách đó gần 1 cây số chính là nơi ông cần đến. Đó là 1 nghĩa trang đặc biệt, được lấp đầy với những ngôi mộ không có tên tuổi. Vào mùa thu, các thi thể bị gió mạnh thổi trôi dạt vào bờ biển phía nam Tunisia. Còn ở phía đông, người ta thường tìm thấy xác của người di cư đến từ Lybia.
Theo báo cáo năm 2017 của Trung tâm phân tích dữ liệu di cư toàn cầu, có ít nhất 33.761 người di cư chết hoặc mất tích ở khu vực Địa Trung Hải tính từ năm 2000. Những năm trở lại đây, số lượng người đến được châu Âu giảm hẳn, điều này đồng nghĩa với việc con đường di cư ngày càng nguy hiểm và con người mất mạng nhiều hơn. Vào năm 2017, tỉ lệ này là 1/54, nghĩa là cứ mỗi 54 người di cư thì chỉ có 1 người thành công đến được “miền đất hứa”.
Khi đến được nghĩa trang tọa lạc ở xã Zarzis, đông nam Tunisia, ông Chamseddine đi đến 74 ngôi mộ mới nhất giữa bầu không khí lạnh tanh bởi mây mưa kéo đến. Chỉ có duy nhất 1 ngôi mộ có tên, dưới chữ viết tay nguệch ngoạc, người ta đọc được dòng chữ: “Rosa Maria, người Tunisia”.
Rosa Maria là một cô gái khoảng 20 tuổi, được vài người trong số 126 người sống sót trên chuyến tàu di cư định mệnh nhận ra. Thông thường các thi thể không có giấy tờ tùy thân bởi đã bị bọn buôn người tịch thu cùng với đồ đạc của họ.
Bắt đầu từ năm 2017, ông Chamseddine bắt đầu đánh dấu các ngôi mộ bằng con số ghi trên chiếc vòng tay mà nhân viên khám nghiệm tử thi đeo cho họ hoặc số trên túi đựng thi thể. Vào ngày hôm đó, ông đến đây để lau chùi lại các ngôi mộ. Những trận mưa gần đây đã làm lộ ra một phần của chiếc túi đen được dùng để chôn Rose Mary hồi tháng 5. Thi thể của cô gái trẻ không bị ảnh hưởng nhưng chỉ nằm dưới mặt đất khoảng vài cm.
“Tôi thật sự rất lo, nếu như trời cứ tiếp tục mưa thì thi thể của họ sẽ bị lộ ra mất” - ông Chamseddine nói.
Gần đó là không ít ngôi mộ đã bị nước mưa cuốn trôi, bao gồm mộ phần của người đàn ông không đầu vừa được chôn cách đây không lâu. Cái xẻng người ta dùng để đào mộ cho ông vẫn còn được cắm trên phần đất ngay bên cạnh.
Thời điểm đó, các quan chức châu Âu bắt đầu áp dụng những chính sách đàn áp người nhập cư bất hợp pháp, nhất là thông qua khu vực Địa Trung Hải. Vào tháng 8, quân đội nước Ý đã huấn luyện một tuyến phòng vệ ở bờ biển Libya trong nỗ lực chống buôn người của châu Âu. Nhiều tình nguyện viên còn tham gia tổ chức chống buôn người Defend Europe để giảm thiểu số người liều mạng để nhập cư vào châu Âu.
Mùa thu năm đó, rất nhiều nhóm cứu hộ người di cư rút khỏi vùng biển Địa Trung Hải khiến số lượng người chết ngày càng tăng cao. Trong hàng chục năm, ông Chamseddine đã tiến hành chôn cất khoảng 400 nạn nhân xấu số, bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em.
Nghĩa trang này được ông Chamseddine xây dựng trên 1 mảnh đất của mạnh thường quân. Chẳng ai trả công cho ông để làm công việc này và ông xem đó là nhiệm vụ của cá nhân mình.
Lớn lên ở vùng đất phía Bắc Tunisia, ông sau đó chuyển đến sinh sống ở quê nhà bố mẹ ở Zarzis, cùng vợ và 5 con vào năm 1990 và làm nghề ngư dân. Ban đầu, ông làm tình nguyện viên cùng với những người di cư cho 1 trại của Liên hiệp quốc rồi được đưa lên thuyền cứu hộ.
2 năm trước, ông Chamseddine bị té ngã trong lúc vận chuyển hàng cứu trợ đến nỗi bị gãy cổ chân trái. Đó là lúc ông tập trung hơn cho công việc chôn cất ở nghĩa trang cũng như tham gia tổ chức Lưỡi liềm đỏ, điều hành 2 nhà tạm trú dành cho hàng trăm người nhập cư.
Hầu hết những người mà ông Chamseddine chôn cất đến từ các nước châu Phi, khu vực cận sa mạc Sahara: Eritrea, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Somalia và Sudan. Đối với mọi người thì những người này là dân di cư nhưng theo ông Chamseddine, ông cho rằng đó là suy nghĩ phân biệt chủng tộc và luôn quan niệm bản thân mình là 1 thành viên trong gia đình của người nhập cư.
“Tôi cảm giác như mình là thành viên của gia đình dân nhập cư vậy” - ông Chamseddine nói.
Năm ngoái, con trai cả của ông, Firas, đã lên đường trốn sang nước Ý bằng thuyền. Lúc nhận được cuộc gọi của Firas, ông mới biết đến kế hoạch rời bỏ quê hương của con trai. Theo chân anh trai, con trai thứ của ông Chamseddine cũng đi lậu sang Pháp mà không hề nói với bố lời nào. Tại đây, 2 anh em tìm được công việc trong ngành cơ khí.
Những người con gái của ông Chamseddine thì ở lại Tunisia lấy chồng, sinh con. Bản thân ông chưa từng có ý định rời đi bởi khi đó, ông đã quá già để có thể đi đến nơi khác lập nghiệp. làm lại từ đầu tất cả mọi thứ. Nhưng ông Chamseddine hoàn toàn hiểu được quyết định của những người con trai, tất cả đều vì họ thất nghiệp, chấp nhận bước lên những con tàu chết chóc để tìm đường đổi đời.
Trong điện thoại của mình, ông Chamseddine lưu giữ nhiều tấm hình của gia đình cùng ảnh chụp những thi thể ông từng giúp chôn cất.
“Chúng tôi không thể quên được họ. Dù một số thi thể không có đầu nhưng đối với tôi, những bức ảnh ấy vẫn rất đẹp” - ông Chamseddine chia sẻ.
2 năm trước, 1 chiếc thuyền chở đầy người Syria nhập cư bị lật, ông Chamseddine cùng đồng đội của mình tìm được 58 thi thể trên biển. Trước đó, ông từng tìm thấy 1 người phụ nữ với đứa con cột trên ngực. Cả 2 đều chết.
Ông Chamseddine thường xuyên bị tìm đến nhà hoặc nhận được các cuộc gọi điện báo mỗi khi người ta tìm thấy thi thể người nhập cư. Sau đó, ông báo cho chính quyền địa phương rồi mượn chiếc xe của 1 người bạn đưa thi thể đến cơ quan khám nghiệm tử thi để tiến hành làm sạch trước khi đưa đi chôn. Chính quyền địa phương có xe tải để vận chuyển thi thể nhưng ông Chamseddine cho rằng việc này rất vô nhân đạo.
Khi vội vã rời khỏi nghĩa trang vào ngày 12/11/2017 giữa cơn mưa tầm tã, ông Chamseddine tin rằng sắp tới sẽ có rất nhiều thi thể được tìm thấy khi mùa mưa đi qua và những kẻ buôn người tận dụng điều kiện thời tiết phù hợp để tiếp tục hành vi phạm pháp của chúng.
Ông Chamseddine hy vọng trong tương lai, bản thân ông có thể xây dựng một nghĩa trang khang trang hơn, nơi có bia mộ, hàng rào che, xe vận chuyển và tòa nhà nơi các tình nguyện viên có thể vệ sinh thi thể trước khi đem đi chôn. Ông tin rằng một ngày nào đó, ông còn có 1 ngân hàng lưu giữ ADN nhằm xác định danh tính của các người di cư, ước tính chi phí có thể lên đến 35 nghìn USD (hơn 812 triệu đồng).
Không chỉ vậy, ông Chamseddine còn dự định sẽ đến sống cạnh nghĩa trang. Vợ ông hoàn toàn đồng ý với ý định này, bà hiểu được vì sao chồng mình lại muốn ở cạnh những người đã khuất. Ông muốn lúc nào cũng có thể dõi theo và bảo vệ họ.
“Tôi là gia đình của họ. Tôi gắn liền với họ” - ông Chamseddine bộc bạch.
(Nguồn: Los Angeles Times)