Gần đây, có một bài viết về người mẹ chồng ngoài tuổi 50 nói về việc đón Tết cùng con trai và con dâu thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người. Theo đó, bài viết được một chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình Vi Thành Vi Tâm đăng lại trên trang QQ và người này cũng đưa ra những quan điểm về việc cùng nhau quây quần vào ngày Tết là như thế nào. 

Trước đó, Vi Thành Vi Tâm đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Vợ à, nếu em không về quê đón Tết thì ly hôn”, “Được thôi, nghĩ đến cảnh phải phục vụ 14 người ở nhà anh mà tôi phát ốm”. Nhân vật chính trong bài đăng này là một người đàn ông muốn cùng vợ về quê đón Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, người vợ một mực nhất định không muốn về nhà chồng, chỉ muốn về nhà bố mẹ đẻ để đón năm mới. Kết quả, người đàn ông này đã dọa ly hôn. 

Chuyện về người mẹ chồng không muốn ăn Tết cùng con dâu và nỗi lòng đằng sau không phải ai cũng hiểu ngay cả con trai ruột - Ảnh 1.

Đứng trước tình hình này, người vợ nói rằng năm nào cô cũng về nhà chồng và phục vụ hơn 10 người trong gia đình họ hàng. Cô cảm thấy rất mệt mỏi và vất vả. Vì thế, năm nay cô thà ly hôn chứ nhất định không về nhà chồng. 

Sau khi bài viết này được đăng tải đã gây ra các cuộc thảo luận giữa các cư dân trên mạng. Một số người đã đồng cảm với người phụ nữ này, nhưng cũng có không ít người cho rằng một năm chỉ có một dịp Tết, khó khăn mấy rồi cũng sẽ trôi qua. Điều đáng nói nhất là mọi người đều phẫn nộ trước thái độ của người chồng kia khi không tôn trọng cuộc sống của vợ, gia đình chồng không hiểu con dâu, dẫn đến việc "tức nước vỡ bờ". 

Chuyện về người mẹ chồng không muốn ăn Tết cùng con dâu và nỗi lòng đằng sau không phải ai cũng hiểu ngay cả con trai ruột - Ảnh 2.

Vi Thành Vi Tâm cho rằng, trong cuộc sống này, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không phải gia đình nhà chồng nào cũng thế. Chuyên gia tư vấn đã chia sẻ một câu chuyện của người mẹ chồng họ Lưu, tuổi ngoài 50 với những lo toan về bữa cơm Tết cùng con trai và con dâu.

Bà Lưu có 3 đứa con, 1 đứa con gái, 2 đứa con trai. Đứa con gái út đã kết hôn. Năm mới Tết đến, con gái ở xa phải về nhà chồng nên họ ít gặp nhau. Hai con trai còn lại đã lập gia đình, con trai cả kết hôn nhưng ở xa, cách nhà 50 - 60km. Con trai thứ hai thì cưới vợ nước ngoài, nên có phong cách sống khác. Mỗi năm Tết đến, anh đưa vợ về nhà nhưng lại không giao tiếp được gì vì bất đồng ngôn ngữ, cả hai vợ chồng đều cảm thấy lạc lõng trong gia đình. Bà Lưu nói rằng, tưởng đâu mình được tận hưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc vui vẻ nhất xóm nhưng hóa ra không phải. 

Chuyện về người mẹ chồng không muốn ăn Tết cùng con dâu và nỗi lòng đằng sau không phải ai cũng hiểu ngay cả con trai ruột - Ảnh 3.

Trước đây, khi những đứa trẻ chưa kết hôn, gia đình đã quây quần bên nhau rất vui vẻ. Nhưng bây giờ, khi chúng lớn lên và có gia đình riêng, mỗi lần đến dịp Tết Nguyên Đán, chúng lại quay về quê với bố mẹ được một hai ngày. Dù thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để phát sinh nhiều vấn đề không biết giải quyết như thế nào. Bà cũng không biết tại sao, chỉ biết rằng cảm thấy rất mệt, cả tinh thần lẫn thể xác.

Thông thường gia đình chỉ có hai vợ chồng ở nhà, ăn uống rất đơn giản, mọi việc cũng không quá cầu kỳ. Nhưng sau khi con trai, con dâu cùng cháu nội về nhà, gia đình cũng trở nên náo nhiệt hơn. Tuy nhiên, việc khiến bà Lưu cảm thấy mệt mỏi nhất chính là vấn đề làm cơm, đặc biệt là cơm sáng. Các con đều sống ở thành thị nên nếp sống sinh hoạt cũng khác, còn ở quê, mọi người thường có thói quen dậy sớm để làm cơm sáng. 

Bà Lưu mỗi ngày đều dậy như thường lệ, bắt đầu nấu nước làm cơm, nhưng khi các con về nhà, cô làm gì cũng đều lo lắng. Có lúc, bà sợ làm không đúng khẩu vị với các con thì chúng sẽ không ăn. Hay làm cơm xong, mà chúng vẫn chưa dậy nên phải gọi nhiều lần. Đến khi tất cả đều dậy thì cơm canh đã nguội lạnh. Người cuối cùng ăn xong thì cũng gần 11 giờ. Bữa sáng vừa kết thúc thì bữa trưa đã tới. Ngày cứ thế trôi qua, bà nói rằng không sợ phải vất vả nhưng sợ vì không thể phục vụ tốt, sợ các con không hài lòng. 

Chuyện về người mẹ chồng không muốn ăn Tết cùng con dâu và nỗi lòng đằng sau không phải ai cũng hiểu ngay cả con trai ruột - Ảnh 4.

Hai cô con dâu, một cô thì ở nước ngoài, không hiểu được tập tục quê quán, không biết phải làm gì và mặc định đó là điều hiển nhiên. Cứ mỗi năm trở về nhà chồng, con dâu lại không làm gì, không cần giao tiếp với mọi người. Người trong gia đình đã quen với việc cô ấy là người nước ngoài, lại còn trẻ, con trai cưới được con dâu cũng không dễ gì, nên mẹ chồng cũng chẳng dám yêu cầu gì hơn. 

Tuy nhiên, người con dâu lớn lại là người Trung Quốc sẽ phải có hành xử khác. Trong suốt khoảng thời gian dài, cô nhìn thấy con dâu thứ không phải làm gì nên trong lòng cũng có chút bất bình, cảm thấy mẹ chồng đối xử bất công nên cũng quyết định không làm gì cả. 

Là một người mẹ chồng, có đôi khi bà Lưu không dám nói lên nỗi lòng của mình, cũng không dám nhờ ai giúp đỡ, và quan trọng là sợ làm mích lòng người khác. Vì vậy, bà Lưu cứ âm thầm làm hết mọi thứ trong nhà, con trai có lúc phụ nhưng rồi phải ra ngoài nên cũng đâu vào đấy. Đôi lúc các con thường xuyên cãi nhau, không ai nhường nhịn ai chỉ vì một vấn đề nhỏ, khiến gia đình không mấy vui vẻ. Ngày Tết không nhiều nhưng sẽ gặp những vấn đề như thế.

Với tư cách là một người mẹ chồng, bà Lưu nói rằng mình không cảm thấy thoải mái khi các con về nhà ăn Tết. Có lúc bà đã khóc thầm và cảm thấy có gì đó rất sai. Rõ ràng là rất muốn các con về nhà đoàn tụ, nếu không về thì sẽ cảm thấy buồn, nhưng khi chúng về rồi, bà lại cảm thấy không chăm sóc tốt cho chúng. Chỉ có các cháu là niềm an ủi của bà, bà Lưu không biết mình muốn làm gì?

Chuyện về người mẹ chồng không muốn ăn Tết cùng con dâu và nỗi lòng đằng sau không phải ai cũng hiểu ngay cả con trai ruột - Ảnh 5.

Chính vì vậy, năm nay, bà Lưu đã quyết định làm khác đi. Bà nghe nói hiện nay có rất nhiều con dâu không muốn về quê chồng ăn Tết, bà cũng đánh liều gọi điện thoại cho con trai và nói rằng bà không muốn con dâu về nhà, con dâu cứ việc về nhà mẹ ruột. 

Đến khi bà gọi cho con trai thứ 2 và nói rằng đừng để con dâu về quê mừng Tết, thì anh đã âm thầm chia sẻ: “Mẹ ơi, chúng con ly hôn rồi”. Câu nói này làm bà vô cùng ngạc nhiên, cảm xúc trở thành một mớ hỗn độn. Tự bà cảm thấy mình trở nên nhỏ nhen trong mối quan hệ gia đình như thế này. 

Vi Thành Vi Tâm nói rằng, quả thật, cuộc sống này không hề dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ. Bất kể là đón năm mới ở đâu, quan trọng là phải hạnh phúc. Mọi người đều là gia đình, càng đối xử với nhau tốt hơn thì sẽ càng gần nhau hơn. Nếu cả hai bên đều muốn tận hưởng nhưng không muốn cho đi thì họ sẽ mệt mỏi và từ từ sẽ buông bỏ. 

Mặc dù người ta thường nói rằng không ai phục vụ cho ai, nhưng theo đức tính truyền thống của người Á Đông, những ngày ở nhà đón Tết, con cái nên chủ động làm nhiều việc cho gia đình, dù là đàn ông hay phụ nữ, hãy cố gắng hết sức để bố mẹ được thoải mái hạnh phúc đón Tết. Cho nhiều tiền không bằng ở bên cạnh, nói nhiều lời hoa mỹ chi bằng ngồi cùng nhau ăn cơm một cách đầm ấm. 

(Nguồn: QQ)

Chuyện về người mẹ chồng không muốn ăn Tết cùng con dâu và nỗi lòng đằng sau không phải ai cũng hiểu ngay cả con trai ruột - Ảnh 6.