Mặc cho nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác đang diễn ra tại thủ đô Washington, D.C., thế nhưng câu chuyện về người phụ nữ làm nô lệ không lương cho tới khi hóa thành tro bụi đã thực sự tạo nên một hiện tượng kinh điển trên các trang mạng xã hội tại Mỹ.
Bài viết về người phụ nữ nô lệ được đăng tải trên tờ The Atlantic.
Câu hỏi: "Bạn đã đọc mẩu chuyện ấy trên trang The Atlantic chưa?" từng xuất hiện rất nhiều vào sáng ngày 16/05 vừa qua sau khi tờ The Atlantic cho đăng tải bài viết 8.000 từ của nhà báo quá cố Alex Tizon.
Nó viết về cuộc hành trình đầy đau khổ, đầy tủi nhục và không khác gì bị xiềng xích từ lúc sống tha hương cầu thực cho tới khi nhắm mắt xuôi tay ở tận nơi đất khách quê người mà Eudocia Tomas Pulido - một nữ nô lệ với nước da nâu màu cafe cùng đôi mắt màu hạt điều phải cam chịu.
Eudocia Tomas Pulido là một phụ nữ đến từ miền quê nghèo ở Philippines và đã được ông ngoại của tác giả "mua" về khi mới 18 tuổi.
Không thể phủ nhận đây là một tác phẩm vô cùng cảm động và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc từ một nhà báo danh tiếng từng đoạt giải Pulitzer, nhưng vấn đề đặt ra là bằng cách nào mà nó lại bùng nổ mạnh mẽ tới như vậy?
Do đâu mà nhiều người, mặc dù phải làm việc nhưng vẫn có thể đọc hết câu chuyện dài hơn 8.000 từ với nội dung không hề đơn giản, thậm chí còn dành nhiều thời gian để chia sẻ cảm xúc của mình lên mạng xã hội nữa.
Theo bà Anna C. Bross, giám đốc truyền thông của tờ The Atlantic, lượng truy cập từ bài báo viết về người phụ nữ làm nô lệ không công suốt 56 năm đã phá vỡ kỉ lục lượng truy cập của tờ The Atlantic với lần lượt là 4.5 và 4.8 triệu lượt người truy cập vào trang trong hai ngày thứ 3 và thứ 4 vừa qua. Do mỗi thiết bị chỉ được tính bằng 1 lượt truy cập duy nhất nên có thể nói hơn 4.5 triệu và 4.8 triệu người truy cập riêng biệt đã click vào trang điện tử Atlantic chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Cũng theo bà Bross, kỷ lục trước đó mà họ đạt được chỉ là 3.3 triệu lượt truy cập vào trang trong cùng một ngày.
Mặc dù lượng truy cập bài báo lớn như vậy nhưng bà Bross cũng khẳng định trung bình mỗi độc giả chỉ dành ra chưa đầy... 5 phút để đọc câu chuyện ấy trước khi rời sang trang khác hoặc tạm thời offline. Nói cách khác, đa phần họ chỉ xem lướt qua từ đầu tới cuối hoặc chú ý kỹ hơn vào vài đoạn nhỏ rồi lập tức chia sẻ chúng lên mạng xã hội.
Ngoài khía cạnh nội dung không thể bàn cãi thì sự tác động từ "tâm lý đám đông" trên các trang mạng xã hội cũng khiến tốc độ lan truyền của câu chuyện trên trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết.
Một thống kê từ ứng dụng Pocket cho thấy rất nhiều người đã lưu trữ nội dung về bài báo đó vào thiết bị di động nhưng lại không đọc ngay. Đa phần phải 6 tiếng sau, hoặc tới tận buổi tối thì họ mới bắt đầu khám phá câu chuyện theo cách thoải mái nhất.
"Thời gian mà người dùng Pocket sử dụng để hoàn thành việc đọc cũng lên tới khoảng 3 tiếng đồng hồ. Họ chưa đọc hết ngay mà thường chia ra làm nhiều phần và chỉ kết thúc việc đọc trước khi đi ngủ", đại diện hãng Pocket nói.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác đã cho thấy 59% số lượng các đường dẫn trên mạng chưa từng được truy cập bởi chính chủ nhân của chúng, nghĩa là họ chỉ chia sẻ các câu chuyện mà chẳng buồn đọc hay lướt qua nội dung. Họ gần như chỉ muốn bắt kịp xu hướng theo dư luận xung quanh chứ chẳng bao giờ đọc kỹ nội dung mà mình vừa chia sẻ.
Theo một số phân tích sâu hơn, nhiều người cũng thường chia sẻ các câu chuyện sau khi mới lướt qua hoặc đọc hết phần đầu của câu chuyện. Và cả 2 trường hợp này, chắc chắn, dù ít dù nhiều cũng đã xảy ra và góp phần tạo nên hiện tượng kinh điển về câu chuyện người phụ nữ làm nô lệ không công suốt 56 năm trên tờ The Atlantic.
Thói quen đọc và chia sẻ trong xã hội hiện đại
Trong xã hội hiện đại, thói quen đọc và chia sẻ của mọi người - đặc biệt là với những tác phẩm dài hoá ra lại chẳng hề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.
Họ thường đọc lướt qua trước rồi lan truyền nó trên mạng xã hội, sau đó mới thực sự chiêm nghiệm hết nội dung vào thời gian rảnh rỗi. Cũng có người chỉ dành khoảng 5 phút một để xem từng đoạn nhỏ trong lúc nghỉ ngơi, nhưng sẽ lập tức bấm nút chia sẻ nếu cảm thấy câu chuyện đó thực sự thú vị.
Vì vậy, nếu tình cờ phát hiện một câu chuyện hay một bài báo hay bất ngờ phủ kín newsfeed của bạn thì hãy cứ yên tâm. Chắc chắn bạn không phải là người duy nhất chưa biết gì về nó đâu!