Giữa lòng Thủ đô, nơi mọi thứ đều vận động và thay đổi chóng mặt, quán phở Nhớ gần 30 năm tuổi, vẫn đều đặn sáng lửa mỗi ngày, đón khách từ lúc trời còn lờ mờ sáng. Nằm khiêm tốn trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội), quán phở Nhớ là nơi gắn bó trọn vẹn thanh xuân của chị Nguyễn Bích Thủy, người phụ nữ nối nghiệp hàng phở gia đình, dành gần như cả đời mình cho những nồi nước dùng phở nghi ngút khói.

Người phụ nữ dành cả thanh xuân cho quán phở của gia đình
Đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng có biết bao nhiêu là quán ăn, giữa muôn vàn lựa chọn, với nhiều người thói quen của họ là ghé phở Nhớ ăn sáng bát phở, hay làm đĩa cơm rang dưa bò để chắc bụng cho bữa trưa. Quán phở Nhớ được mở từ năm 1996 với tên ban đầu là phở bò Nguyên Hồng vì hồi đó bán trên con phố Nguyên Hồng. Cái tên phở Nhớ được đổi sau 3 năm, khi mà quán phở được nhiều khách hàng yêu thích, đi đâu xa là lại nhớ đến món phở ở đây.

Chị Bích Thủy, thế hệ thứ 2 nối nghiệp quán phở Nhớ nổi tiếng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.
Bố mẹ không còn nữa, chị Nguyễn Bích Thủy, sinh năm 1973, tiếp tục kế thừa quán phở của gia đình. Bởi trong mấy người con, chị Thủy là người gắn bó với quán phở từ những ngày đầu. Khi đó, chị Thủy mới 23 tuổi, con gái đầu lòng mới được 3 tuổi, đến giờ quanh quẩn ở quán phở cũng đã gần 30 năm. Bởi vậy, khi được hỏi về thời gian làm cho quán ăn gia đình, chị Thủy cười bảo: "Cả thanh xuân của chị gắn liền với quán phở này đấy!".
Ghé phở Nhớ, chúng tôi bắt gặp ngay chị Thủy đang tất bật vừa nhận order của khách, vừa làm phở, vừa bao quát xung quanh, nhắc nhở nhân viên... Mọi thứ được chị Thủy xử lý một cách nhanh chóng. Thế nhưng có những lúc đông khách, phục vụ không kịp và để khách phải chờ lâu, chị Thủy phải ra từng bàn xin lỗi khách.
Ít ai biết rằng cơ duyên mở hàng phở Nhớ này xuất phát từ việc gia đình làm ăn bị phá sản. Chị Thủy kể: "Mẹ chị là con gái Hà Nội, mẹ chị rất là khéo tay, tất cả những cái món gì khó nhất mà mọi người phải đi học thì mẹ chị đều làm được. Ngày xưa bố chị làm ăn xong gặp sự cố nên bị vỡ nợ, nợ không biết bao nhiêu là tiền. Khi đó, không biết làm gì thì mẹ chị mới bảo thôi đi bán phở. Ban đầu chỉ dám nghĩ bán phở để sống qua ngày, không nghĩ là bán phở trả được nợ, mà còn giúp gia đình có cuộc sống ổn định".

Bát phở có nước dùng trong và thanh.
Không ai ngờ rằng, từ bước đi "liều lĩnh" để mưu sinh, quán phở dần trở thành nguồn sống ổn định và là nơi gắn bó cả cuộc đời của một gia đình. Chị Thủy hàng ngày dậy từ 5 giờ sáng để khoảng 5 rưỡi có thể mở hàng. Làm nghề lâu năm, chị hiểu rõ từng chi tiết trong quy trình, từ ninh xương, luộc thịt, đến cách nêm nếm sao cho nước dùng thanh và trong.

Điều thú vị là trên mỗi bàn chị Thủy sẽ đặt một bát cơm nguội để khách có thể cho cùng ăn với nước phở, như một cách để nhớ về thời bao cấp. Đây cũng là một sáng tạo thú vị của chị Thủy.
Chị Thủy tâm sự: "Phở là món ăn mỗi người một khẩu vị, người bảo thích, người bảo không thích, người bảo mặn, người bảo nhạt, có khách bảo thích phở nhà mình vì nước phở thanh và trong, thế nhưng có người lại bảo chẳng ngon. Hàng phở nào cũng vậy, làm dâu trăm họ, chị thấy rằng mình đứng vững được 30 năm qua, nuôi được con mình đi học nước ngoài bằng nghề phở, đấy là mình hạnh phúc rồi".
Quyết định bán thêm món cơm rang dù bố mẹ phản đối và sự thành công khi được khách hàng ủng hộ
Nhiều quán phở bán lâu năm thường chỉ bán duy nhất phở nước. Nhưng đến với phở Nhớ thì khách hàng còn có thêm lựa chọn là phở xào, cơm rang dưa bò... Chị Thủy tâm sự rằng khi làm thêm cơm rang, bố mẹ chị đều phản đối. Chị kể: "Đầu tiên thì nhà chị làm thêm phở xào, vì cùng một công làm phở thì làm thêm. Khách cũng chấp nhận. Sau khách bảo làm thêm cơm rang, bố mẹ chị bảo không làm, nhưng chị cứ làm. Bởi khách sáng họ ăn phở nước rồi, họ vẫn muốn ăn ở nhà mình buổi trưa thì họ có thể ăn cơm rang, phở xào. Thế là chị mày mò cách làm và cũng may mắn được khách ủng hộ".

Đĩa cơm rang dưa bò thơm ngon và chất lượng.
Giữ gìn nghề cũ đã khó, đưa thêm nét mới vào mà vẫn giữ được tinh thần cốt lõi còn khó hơn. Với chị Thủy, việc mở rộng thực đơn là một hành trình thuyết phục không chỉ khách hàng, mà cả chính gia đình.
Cũng bởi vậy, khi ghé phở Nhớ vào buổi trưa, bạn sẽ thấy nhiều khách lựa chọn món cơm rang dưa bò cho chắc dạ. Phải công nhận, tuy là quán phở, nhưng món cơm rang lại rất ngon. Ngon từ hạt cơm được đảo đều thấm gia vị đậm đà, tới những miếng thịt bò được xào vừa tới trên lửa to nên mềm thơm... Một suất cơm rang 60 nghìn đồng, không rẻ nhưng ăn mới thấy là chất lượng xứng đáng giá tiền.

Chị Thủy chia sẻ rằng mỗi lần nhập gạo về vẫn phải nấu test nhiều lần để đảm bảo hạt cơm ngon.
Vẫn giữ được hương vị truyền thống của bố mẹ suốt bao năm qua, lại không ngừng cải tiến để làm mới cửa hàng, đó có lẽ là lý do phở Nhớ luôn được khách hàng đón nhận. Với chị Thủy, để làm được thế, có lẽ chính là cái tâm của chị với công việc này.

Phở xào cũng là món ăn không thể bỏ qua khi đến đây.
Khi được hỏi rằng chị yêu công việc này không, chị Thủy bảo rằng vất vả nhưng không làm là thấy nhớ. Chị chia sẻ: "Chị bình thường chỉ nghỉ từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, còn lại là lúc nào cũng loanh quanh với cửa hàng. Còn cả năm thì chỉ nghỉ mấy ngày Tết. Nhà chị có thói quen hết ngày 29 Tết là nghỉ, đến Mùng 3 là bán hàng. Quy luật từ mấy chục năm nay, không xem lịch và cũng không báo với khách. Nhưng cứ đến Mùng 3 Tết là cứ mở cửa, khách đã tự kéo ghế ra ngồi.
Mà mấy ngày Tết, chị nghỉ ngày 30 còn vui, còn đi chợ Tết sắm sửa không nghĩ đến cửa hàng. Nhưng đến tối Mùng 1 Tết là thấy buồn rồi, sáng Mùng 2 là chị đã lọ mọ một mình ở cửa hàng, tự ngâm xương, tự luộc thịt một mình. Nó thành như thói quen, có vài ngày mà chị tưởng như là mình nghỉ lâu lắm rồi.
Chị bảo với mọi người là chị làm đến năm 60 tuổi rồi chị nghỉ hưu, lúc đấy ai bán thì bán, chị kệ. Nhưng mà vẫn thích bán em ạ, chắc không bao giờ bỏ được đâu".

Gần 30 năm gắn bó với quán phở, với chị Thủy mọi thứ như một thói quen, nghỉ mấy ngày thôi là cũng thấy nhớ.
Cũng bởi thế mà chị Thủy chẳng ngần ngại khoe chúng tôi nồi nước hầm xương đang được ninh liên tục, chia sẻ về từng chai giấm nhập về là loại ngon xuất khẩu hay tương ớt được người nhà làm suốt bao lâu nay. "Nhân viên nhà chị trưa cũng ăn phở vì không có thời gian nấu cơm. Con trai chị một ngày ăn 2 lần phở. Mình làm không ngon, không nguồn gốc thì người nhà chị chịu đầu tiên" - Chị Thủy trải lòng.
Giữa dòng chảy vội vã của phố phường, vẫn còn những con người âm thầm gìn giữ nghề của gia đình bằng sự tận tụy. Câu chuyện của chị Thủy, người phụ nữ dành cả thanh xuân cho phở, là minh chứng giản dị như vậy.