Trong số những y, bác sỹ trực tiếp điều trị các ca bệnh do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, có trường hợp nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên phải nén nỗi đau mất mẹ để ở lại bệnh viện cùng thực hiện nhiệm vụ chống Covid-19. Câu chuyện của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên lan toả thông điệp cao cả về sự hy sinh những người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch.

 - Ảnh 1.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên xem những tấm hình về đám tang của mẹ do người thân gửi qua điện thoại.

Ngày 7 trong số 9 bệnh nhân đang điều trị dịch Covid-19 của tỉnh Bình Thuận đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu sau hơn nửa tháng được điều trị, chăm sóc đáng lẽ là một ngày vui của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên, thì tin mẹ chị qua đời như sét đánh ngang tai khiến chị đau khổ cùng cực. Dẫu biết rằng quy luật sinh, lão, bệnh, tử là điều khó tránh, nhất là khi mẹ chị Liên tuổi đã gần 90, lại bị tai biến nằm liệt giường hơn 5 năm, thế nhưng khi hay tin thì chị Liên cũng không khỏi bàng hoàng: 

“Tôi thấy rất là đột ngột. Tại vì trước khi tôi vào Khoa truyền nhiễm để chống dịch thì thấy sức khoẻ bà cũng bình thường, rồi ăn uống cũng bình thường. Nhưng mà trong thời gian 20 ngày nghe tin mẹ mất thì rất là đau, không thể về nhìn thấy mặt mẹ”.

Nỗi đau mất mẹ là khó ngôn từ nào tả hết, nhưng với trường hợp của chị Liên, đau đớn nhất chính là việc không thể về chịu tang mẹ giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành. Ngay trong đêm nhận hung tin, Ban giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cùng các đồng nghiệp gửi lời chia buồn đến chị Nguyễn Thị Liên. Chị như chết lặng trong những giọt nước mắt lăn dài trong nhiều giờ liền. 

Giữa khuya, nữ điều dưỡng quyết định nợ tang mẹ để ở lại cùng 20 đồng nghiệp Khoa truyền nhiễm chống dịch. Đây là việc cần phải làm để ngăn ngừa rủi ro lây lan dịch bệnh vì chị Liên là điều dưỡng trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân.

 - Ảnh 2.

Bác sỹ Dương Thị Lợi, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận (trái) động viên, chia sẻ với chị Liên.

Bác sỹ Dương Thị Lợi, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết thêm: “Sau 20 ngày mà Liên ở lại đây để làm bổn phận, trách nhiệm của người điều dưỡng thì không thể về để chăm sóc mẹ được. Nỗi đau với bản thân Liên rất là lớn. Và nỗi đau đó không những là của một mình Liên mà còn là nỗi đau của cả những anh em trong Khoa”.

Cố nén đau thương, chị Nguyễn Thị Liên bày tỏ quyết tâm cùng các đồng nghiệp chống dịch, không để phát sinh những ca nhiễm mới, cố gắng hết sức điều trị cho những người nhiễm bệnh: “Mong muốn lớn nhất của tôi là bệnh nhân sớm hồi phục để tôi được về mặc áo tang, để thắp nhang cho mẹ”.

Dù không thể về chịu tang mẹ, thế nhưng chị Liên đã được những người bệnh và các đồng nghiệp ghi nhận tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, quên mình để đóng góp vào thành công trong điều trị bệnh dịch. Những câu chuyện như của chị Liên là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ, bác sỹ trong tuyến đầu của cuộc “cuộc chiến” với dịch Covid-19./.

Chuyện về nữ điều dưỡng ở Bình Thuận không về chịu tang mẹ vì chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.