Đó là Hiếu Khang Chương Hoàng hậu Đông Giai thị, xuất thân từ một gia tộc thuộc Hán Quân Chính Lam kỳ, về sau dòng họ của bà được nhập Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Có nhiều giai thoại cho rằng, Đông Giai thị là người Hán, nhưng theo nhiều tài liệu lịch sử thì sự thật không phải như thế.
Trong thời gian Hoàng đế Thuận Trị tại vị, Đông Giai thị đã tham gia tuyển tú và bộc lộ hết tài năng khiến Hoàng đế phải chú ý. Nàng chính thức nhập cung năm 13 tuổi. Tuy nhiên, vào thời kỳ đầu của nhà Thanh, nữ nhân hậu cung không hề được phân chia thứ bậc, chính vì thế Đông Giai thị chỉ là một Tiểu Phúc Tấn. Lúc đấy, Hoàng đế Thuận Trị căn bản không hề quan tâm đến nàng.
Khi mới đăng cơ, Hoàng đế Thuận Trị vẫn còn nhỏ tuổi, tất cả chính sự đều do Chiêu Thánh Hoàng thái hậu và Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn xử lý. Đến khi trưởng thành, Hoàng đế mới có thể kiểm soát quyền lợi của bản thân.
Vào thời kỳ đầu triều đại nhà Thanh, vì nguyên nhân củng cố chế độ và mở rộng lãnh thổ, Hoàng hậu và các Quý phi trong hậu cung đều xuất thân từ gia tộc Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị, gia tộc cao quý nhất ở Mông Cổ. Mẫu thân của Hoàng đế Thuận Trị (tức Chiêu Thánh Hoàng thái hậu) cũng tìm cho con trai các nữ nhân xuất thân từ gia tộc trên.
Đáng tiếc, Hoàng đế Thuận Trị không thích bị kiểm soát như thế, vì vậy ông cũng không thích những người phụ nữ do mẫu thân đã chọn. Để tránh khiến Hoàng thái hậu bất mãn khi không sủng hạnh những nữ nhân đấy, Hoàng đế đã tìm một tấm bia đỡ đạn cho mình, đó chính là Đông Giai thị. Do đó, Hoàng đế thường xuyên ngủ qua đêm tại tẩm cung của Đông Giai thị.
Không lâu sau, Đông Giai thị đã mang thai. Lúc mang thai, nàng đã mơ một giấc mơ đặc biệt. Trong mơ xuất hiện một con rồng xanh hùng tráng đi mây về gió. Tuy nhiên, nàng cũng không để tâm đến giấc mơ này lắm.
Sáng hôm sau, Đông Giai Thị vừa thức dậy đã đến thỉnh an Hoàng thái hậu. Sau khi thỉnh an, Đông Giai thị chuẩn bị rời đi thì Hoàng thái hậu phát hiện có một ấn ký rồng xanh ẩn ẩn hiện hiện trên người nàng. Bà cảm thấy đây là dấu hiệu của một chuyện tốt, biểu hiện rằng Đông Giai thị sẽ hạ sinh con trai và đứa bé này chắc chắn sẽ làm nên đại sự.
Vài tháng sau, Đông Giai thị thật sự sinh một Hoàng tử, đặt tên là Huyền Diệp. Bởi vì Đông Giai thị đã sinh con trai cho mình, Hoàng đế miễn cưỡng cho nàng một đãi ngộ cao hơn.
Đông Giai thị cứ nghĩ cuộc sống tương lai sẽ tốt hơn, không ngờ ít lâu sau Đổng Ngạc thị tiến cung, trở thành Hoàng Quý phi và độc chiếm trái tim của Hoàng đế Thuận Trị. Sau khi Đổng Ngạc thị hạ sinh Hoàng tử, Hoàng đế càng sủng ái nàng hơn gấp bội, thậm chí còn muốn đứa con này thừa kế ngôi vị. Nhưng không may, vị Hoàng tử này đã chết yểu khi mới 5 tháng tuổi.
Hoàng đế Thuận Trị sau đó đã truy phong đứa trẻ này làm Hòa Thạc Vinh Thân vương. Cái chết của đứa con 5 tháng tuổi đã giáng một đòn nặng nề lên tâm trí Đổng Ngạc thị, sức khỏe của nàng giảm sút đáng kể rồi qua đời khi chỉ vừa 21 tuổi. Hoàng đế truy phong Đổng Ngạc thị là Hiếu Hiến Đoan Kính Hoàng hậu, đây là điều trái với điển lệ (tục lệ xa xưa) bởi vì Hoàng hậu Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị vẫn còn tại vị.
Theo lệ và tuyên bố, Hoàng Quý phi Đổng Ngạc thị qua đời thì nghỉ thiết triều 5 ngày. Trên thực tế, Hoàng đế đã không xử lý chính sự nhiều tháng sau đó. Chỉ nửa năm sau khi Đổng Ngạc thị mất, Hoàng đế Thuận Trị cũng băng hà khi mới 23 tuổi.
Trước khi mất, Hoàng đế Thuận Trị đã viết một chiếu thư với nội dung lập Huyền Diệp thành Thái tử, đồng thời bổ nhiệm 4 đại thần phụ chính là Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long và Ngao Bái.
Ngày 5/2/1661, Thái tử Huyền Diệp đăng cơ khi chỉ mới 7 tuổi. Năm 1662, chính thức đổi niên hiệu là Khang Hi, sử sách gọi ông là Hoàng đế Khang Hi.
Con trai trở thành Hoàng đế, tất nhiên cuộc sống của Đông Giai thị tốt hơn rất nhiều. Hoàng đế Khang Hi tôn bà là Từ Hòa Hoàng thái hậu. Nhưng bất hạnh đột ngột ập đến, Đông Giai thị mắc bệnh lạ phải nằm liệt giường, sau đó đã qua đời khi gần 24 tuổi.
3 tháng sau, Đông Giai thị được tôn thụy hiệu là Hiếu Khang Từ Hòa Trang Ý Cung Huệ Ôn Mục Đoan Tĩnh Sùng Văn Dục Thánh Chương Hoàng hậu (hay Hiếu Khang Chương Hoàng hậu).
Nguồn: Sohu