Thời cổ đại, những người phụ nữ nhập cung đều hi vọng mình sẽ trở thành Hoàng hậu. Hoàng hậu là mẫu nghi thiên hạ, đứng đầu lục cung. Nhưng trên thực tế, tất cả thể diện và vinh quang của Hoàng hậu đều dựa vào sự sủng ái của Hoàng đế. Một khi sự ưu ái của Hoàng đế mất đi thì xem như Hoàng hậu cũng chẳng còn gì nữa. Trong quá khứ, đã có rất nhiều Hoàng hậu bị phế nhưng người đáng thương nhất là Hiếu Khiết Trần Hoàng hậu thời nhà Minh.
Bà là Hoàng hậu đầu tiên của Hoàng đế Gia Tĩnh (Minh Thế Tông), nhập cung khi chỉ mới 14 tuổi. Mặc dù xuất thân thường dân nhưng bà lại vô cùng xuất chúng, đã học hỏi không ít kiến thức từ phụ thân. Có thể nói vào thời điểm đó, bà là một nữ nhân tài mạo song toàn.
Thái hậu rất yêu thích tính tình dịu dàng và đằm thắm của đứa con dâu này. Chính vì thế, dựa vào sự bảo hộ của Thái hậu, ngay khi vào cung bà đã được lập thành Hoàng hậu. Với thân thể suy nhược và không được Hoàng đế sủng ái, thành hôn đã nhiều năm nhưng Trần Hoàng hậu không thể hạ sinh hoàng tự nào cả.
Mãi đến 7 năm sau khi nhập cung, bà mới mang thai. Tuy nhiên, sau khi mang thai, Trần Hoàng hậu đã thay đổi tính tình, không còn mềm mỏng như xưa. Bà cho rằng, với thân phận Hoàng hậu và đang mang thai người thừa kế hoàng vị, Hoàng đế sẽ xem trọng bà, người thân của Trần Hoàng hậu càng ỷ quyền thế hung hăng hơn.
Bởi vì Trần Hoàng hậu đã mang thai, các phi tần khác bắt đầu hành động để giành lấy ân sủng. Càng gần gũi với những phi tần trẻ đẹp, Hoàng đế càng xa lánh Trần Hoàng hậu.
Năm Gia Tĩnh thứ 7 (năm 1528), Hoàng đế đang dùng bữa cùng hậu cung thì Trương Thuận phi dâng trà, Hoàng đế Gia Tĩnh thuận thế cầm lấy tay nàng. Những hành động này lập tức lọt vào tầm mắt Trần Hoàng hậu. Bà tức giận, đứng dậy định rời đi.
Phản ứng này khiến Hoàng đế nổi cơn thịnh nộ, giơ chân đá Trần Hoàng hậu đang định rời khỏi bữa tiệc. Trần Hoàng hậu vốn yếu ớt lại đang hoảng sợ khi chịu 1 đạp của Hoàng đế, đã dẫn đến sảy thai.
Trần Hoàng hậu sau đó bệnh tình không dứt, không thể bước xuống giường. Cùng năm đó, Trần Hoàng hậu mất do bệnh nặng, thọ 20 tuổi.
Sau khi Trần Hoàng hậu qua đời, Hoàng đế Gia Tĩnh vẫn còn để bụng chuyện cũ. Bà không được chôn cất theo nghi lễ của Hoàng hậu, chỉ được táng vào vùng Thiên Thọ Sơn, là nơi an táng của các vị Hoàng quý phi và Thái tử nhà Minh. Thậm chí, ngay lúc Trần Hoàng hậu đang hấp hối trên giường bệnh, Hoàng đế đã từng có ý phế hậu.
Nhiều năm sau đó, khi đã nguôi ngoai, theo lời khuyên từ quần thần, Hoàng đế Gia Tĩnh cải thụy của Trần Hoàng hậu từ Điệu Linh Hoàng hậu thành Hiếu Khiết Hoàng hậu.
Đến khi Hoàng đế Long Khánh (Minh Mục Tông) đăng cơ đã hợp táng Trần Hoàng hậu ở Vĩnh Lăng.
Nguồn: Toutiao