Một đêm đầu hạ năm Bính Tý 1516, vị vua vốn nổi tiếng hoang tàn, bạo dâm có hỗn danh là "vua Lợn" bị quân nổi loạn giết chết và thiêu xác ở trước quán Bắc Sứ (nay thuộc khu vực phố Quán Sứ, Hà Nội). Nghe tin dữ ấy mà hoàng hậu đã nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh chết theo chồng, đó là Khâm Đức hoàng hậu. 

Vị hoàng hậu thà chết theo chồng mà không khuất phục ấy là người thế nào? Vì đâu mà một người vợ cam tâm tuẫn tiết theo chồng dù người ấy nổi tiếng ăn chơi truỵ lạc, hoang dâm vô độ? Tất cả những câu hỏi này đã vẽ nên một bức tranh hiện thực ở giai đoạn suy vong cuối thời Lê sơ, chuyện về những bà hoàng bạc mệnh.

Lê Tương Dực: Từ vị vua siêng năng đến biệt danh "vua Lợn"

Lê Tương Dực (1495 - 1516) tên huý là Lê Oanh, lên ngôi năm 1509, là vị vua thứ 9 của triều Lê sơ nước Đại Việt. Dưới thời Lê Hiến Tông, ông được phong là Giản Tu công. Ở ngôi vua tổng cộng 7 năm cho tới khi bị giết hại. Với niên hiệu Hồng Thuận, Lê Tương Dực ban đầu tỏ ra là vị vua siêng năng, có lòng cải cách, canh tân vực dậy chính trị nước nhà đang trên đà suy thoái dưới thời Lê Uy Mục trước đó.

Những năm đầu làm vua, với mong muốn chấn hưng lại vương triều, Lê Tương Dực cũng đưa ra nhiều chính sách an dân. Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Vua khi mới lên ngôi, ban hành giáo hoá, cẩn thận hình phạt, cũng đáng gọi là có làm". Chẳng hạn như vua đã nghe theo 14 điều trị bình do quần thần dâng lên, đến năm 1511 ban Trị bình bảo phạm gồm 50 điều nhằm hoà lòng dân và nhà nước được trị yên lâu dài.

Không chỉ vậy, vua còn làm thơ Bảo thiên thanh hạ, Quang thiên thanh hạ để mở rộng gương sáng xưa nay về trị đạo, đến nhà Thái học hỏi trị đạo, ra nơi điện đình thăm học trò, sai quan sửa Quốc Tử Giám và làm mới nhà bia. Vua thấy khoa thi hai năm chưa dựng bia thì sai người khắc bia làm ký để dựng, qua đó cũng thấy được nhà vua cũng khuyến khích giáo dục và tỏ ra chu đáo trong việc coi trọng người tài.

Lúc mới lên ngôi, khi Lê Uy Mục uống thuốc độc tự tử, Giản Tu công cho là vua trước khi chết giết hại cha mẹ và anh em mình. Cơn giận chưa nguôi, bèn sai người lấy súng lớn để xác vào miệng súng, súng nổ tan hết hài cốt, chỉ lấy tro tàn đem về chôn tại An Lăng ở quê mẹ ở làng Phù Chẩn. Chưa hết, giáng Lê Uy Mục xuống Mẫn Lệ công.

Chuyện về vị hoàng hậu nhảy vào lửa chết theo... "vua Lợn" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Adérlard/Pinterest

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép, năm 1513, nước Minh sai chính sứ Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thủy và phó sứ Hình khoa hữu cấp sự trung Phạm Hy Tăng sang phong cho vua làm An Nam quốc vương. Khi Hy Tăng trông thấy vua có bảo Nhược Thủy rằng: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu". Câu nhận xét này, phần nào mô tả biệt danh "vua Lợn" tai tiếng.

Lúc mới lên ngôi tích cực đổi mới là thế, nhưng "vua Lợn" dần tha hóa trong con đường ăn chơi trụy lạc. Tháng 5 năm 1514, Lê Tương Dực nghe theo lời tâu vu cáo của Hiệu uy Hữu Vĩnh mà giết hết anh em họ hàng, toàn bộ 15 vương công đều mất mạng. Không dừng lại ở đó, "vua Lợn" còn cho gọi các cung nhân của Vua Uy Mục (Mẫn Lệ công) và triều trước vào để gian dâm. 

Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1516, vua lệnh cho đắp mấy nghìn pho tượng bao vây điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa chắn ngang sông Tô Lịch, rồi làm cả điện hơn trăm nóc, đóng thuyền chiến vân vân, chỉ để... cho vui. "Vua Lợn" lấy làm thích thú, nhưng dân đen khóc ròng.

Đến mùa hạ năm Bính Tý 1516, Trịnh Duy Sản trước đây nhiều lần can ngăn trái ý vua bị đánh, đã giết vua ở nhà Thái học, giáng phong làm Linh Ẩn vương. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có lời bàn rằng: "Linh Ẩn gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít ngày, mượn tên của anh để cướp nước, xa hoa dâm dục quá độ; hình phạt thuế khoá nặng nề, giết hết các thân vương, giặc cướp nổi dậy khắp nơi, đương thì gọi là vua lợn, điềm nguy vong đã hiện ra vậy".

Khi Lê Tương Dực bị giết, Khâm Đức hoàng hậu cũng tự mình nhảy vào lửa chết theo hôn quân khét tiếng ấy.

Khâm Đức hoàng hậu - Tấm gương tiết liệt

Khâm Đức hoàng hậu, nguyên là họ Nguyễn, huý là Đạo. Trong chính sử ghi chép về bà rất sơ lược. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết rằng khi vua bị Trịnh Duy Sản giết, "Khâm Đức hoàng hậu cũng tự nhảy vào lửa chết", đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng ngắn gọn một dòng: "Khâm Đức hoàng hậu cũng tự nhảy vào đống lửa để chết".

Đến Đại Việt thông sử, thân thế cuộc đời của hoàng hậu Nguyễn thị rõ ràng hơn một chút: "Khâm Đức hoàng hậu họ Nguyễn, huý là Đạo, người huyện Văn Giang, là con gái viên quản lĩnh họ Nguyễn. Bà là người có đức hạnh. Khoảng năm Hồng Thuận (1509-1516) được lập làm hoàng hậu. Sinh ra ba hoàng nữ, con cả tên là Thọ Túc, phong Bảo Phúc công chúa; con thứ hai là Thọ Nguyên, con thứ ba là Thọ Kính, đều chưa kịp phong".

Chuyện về vị hoàng hậu nhảy vào lửa chết theo... "vua Lợn" - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ Khâm Đức hoàng hậu.

Có lẽ chừng ấy thông tin ít ỏi chưa đủ để người đời hiểu sâu hơn về công trạng hay cuộc đời của hoàng hậu. Trong cuốn 36 Hoàng Hậu Hoàng Phi Thăng Long - Hà Nội, tác giả Nguyễn Bích Ngọc có viết về khoảng thời gian Nguyễn thị nhập cung, dù câu chữ có thêm phần lãng mạn hoạ chăng cũng để làm rõ thêm đoạn đường sóng vai cùng nhau của Khâm Đức hoàng hậu và Lê Tương Dực.

Khi ấy trong mắt vua, bà "thật nhu mì, hiền thục, thật dễ thương. Vẻ trong trắng, ngây thơ của nàng khiến lòng nhà vua dịu lại". Nhà vua tuy thấy bà không thật đẹp lộng lẫy nhưng vẻ đoan trang, dịu hiền thật quyến rũ. "Tương Dực hỏi mấy câu, Nguyễn thị đều trả lời trôi chảy, khúc triết, khiến nhà vua hài lòng. Thế là từ đó nhà vua giữ nàng ở bên mình".

Khi nhà vua bị giết, đem thiêu ở quán Bắc Sứ, Khâm Đức hoàng hậu "phải xử sự sao cho trọn tình, trọn nghĩa", gọi thị nữ vào trang điểm đẹp, rồi bèn nhảy vào lửa ở điện Mục Thanh mà mất. Sử cũ chép rằng quan quân đem hai quan tài vua và hoàng hậu về táng ở Nguyên Lãng, thuộc xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên. Về sau truy tôn tên thuỵ là Khâm Đức Thuận Liệt Đôn Tiết hoàng hậu. Triều đình cho lập điện Quang Hiếu (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình) làm nơi thờ cúng.

Dù Lê Tương Dực có là một vị vua tàn bạo, một hôn quân khét tiếng bị quần thần phản bội giết chết cũng đáng. Còn người vợ liều chết theo chồng mặc cho người chồng ấy là người thế nào thì điều đó cũng cho thấy bà là một tấm gương tiết liệt, bạc mệnh nhưng cũng rất đáng kính.