Thời gian gần đây, câu chuyện mua bảo hiểm của một cặp vợ chồng ở Hà Nội đã khiến nhiều người quan tâm. Cụ thể, gia đình anh Khoa và chị Liên có 2 con nhỏ, tổng thu nhập của hai vợ chồng là 20 triệu đồng/tháng, tham gia hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với tổng phí bảo hiểm hàng năm là 39 triệu đồng, tương đương 16% tổng thu nhập của hai vợ chồng/năm.
Tuy nhiên, đến năm thứ 5, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người vợ thất nghiệp 5 tháng, đến khi tìm được công việc mới thì lương chỉ còn 7 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập hai vợ chồng giảm còn 16 triệu đồng/tháng, khiến cho khoản tiền 39 triệu đồng đóng bảo hiểm nhân thọ trở thành gánh nặng. Cặp vợ chồng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vì bỏ hợp đồng sau 5 năm tham gia để lấy tiền về thì lỗ nhiều quá, còn theo tiếp thì áp lực và vô cùng mệt mỏi.
Bàn về vấn đề này, chúng tôi xin chia sẻ góc nhìn và giải pháp từ ông Phan Lê Thanh Toàn. Ông Toàn là người đã có 20 năm làm trong ngành bảo hiểm, kiêm qua rất nhiều vị trí quản lý như Trưởng phòng phát triển kinh doanh cao cấp tại Prudential Việt Nam, Giám đốc điều hành kinh doanh AIA Exchange Nha Trang, Phó chủ tịch Chubb Limited Việt Nam, Giám đốc tổng đại lý tại Dai-ichi Life Việt Nam.
Làm sao để giữ hợp đồng mà không áp lực tài chính?
Ông Phan Lê Thanh Toàn cho biết trước năm 2005, thị trường Việt Nam chỉ có các sản phẩm truyền thống. Theo đó, khách hàng phải đều đặn đóng phí hằng năm và khi nào gặp khó khăn về tài chính thì họ thường tính đến phương án bỏ ngang hợp đồng.
“Việc bỏ hợp đồng sau 5 năm đóng phí tương đương 200 triệu là điều đáng tiếc bởi khách hàng không biết những quyền của mình. Nhà tư vấn nên chia sẻ cho khách hàng về những quyền này. Nếu nhà tư vấn không giỏi nghiệp vụ, khách hàng có thể đến các trung tâm phục vụ khách hàng và nhân viên tại các trung tâm này có thể giúp họ hiểu rõ về quyền của mình để được đảm bảo quyền lợi cao nhất”, ông Toàn nhận định.
Ông Phan Lê Thanh Toàn - người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm.
Hiện nay các công ty bảo hiểm thường có nhiều cách để giúp khách hàng giữ gìn hợp đồng lúc khó khăn về tài chính, đặc biệt là khi rủi ro còn tăng cao do bệnh dịch. Khi đến kỳ phí, nếu không thể đủ tiền để đóng phí, bạn cần làm theo tuần tự các bước sau:
Trường hợp 1: Thiếu phí
Khách hàng có thể tính toán phương án này 30 ngày trước khi đến kỳ đóng phí thường niên.
1. Thay đổi định kỳ đóng phí: chuyển từ đóng phí năm sang 1/2 năm hoặc đóng theo quý để phù hợp với số tiền bạn có thể có để đóng phí.
2. Nếu sau khi đổi sang định kỳ đóng quý, bạn vẫn không có đủ tiền đóng phí, công ty vẫn gia hạn cho bạn 60 ngày để lo liệu.
3. Sau 60 ngày, bạn vẫn không lo được việc đóng phí theo quý, công ty sẽ cho bạn vay giá trị hoàn lại để đóng phí và bạn chỉ trả lãi trên khoản tiền bạn vay. Khoản vay giá trị hoàn lại để đóng phí hiện này chỉ khoảng 0,8%/ tháng. Lãi không cao nhưng bạn vẫn được bảo vệ đầy đủ quyền lợi khi bệnh dịch xảy đến.
4. Với khoản vay này, bạn có thể chia nhỏ từng lần trả, có tiền ít thì trả ít, có tiền nhiều thì trả lại nhiều. Sau này, các công ty quy định mỗi lần trả lại tối thiểu 300.000, 500.000 hay 1.000.000 đồng/lần trả.
Lưu ý: Bạn vẫn được bảo vệ đầy đủ với 4 cách trên và có thể kéo dài được 2 đến 3 năm ngừng đóng phí, đóng bằng vay giá trị hoàn lại để tiếp tục được bảo vệ.
Trường hợp 2: Thiếu tiền
Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh thiếu tiền do mất việc hay công việc giảm sút, bạn lại càng cần được bảo vệ tài chính. Nếu cần tiền giải quyết khó khăn trong cuộc sống, bạn vẫn có thể vay giá trị hoàn lại để tạm sử dụng qua cơ bĩ cực và sau đó trả lại theo từng khoản tương tự như trường hợp 1, có tiền ít thì trả lại ít, có tiền nhiều thì trả lại nhiều.
Trường hợp 3: Suy giảm năng lực tài chính
Nếu thấy việc đóng 40 triệu/năm là gánh nặng tài chính, bạn có thể giảm số tiền bảo hiểm sản phẩm chính, giảm bớt vài quyền lợi bổ sung xuống còn 30 hay 20 triệu đồng/năm hay thấp hơn nữa, để phù hợp với tình hình tài chính suy giảm. Sau này tình hình tài chính cải thiện, bạn có thể mua thêm quyền lợi bổ sung hoặc lại nâng số tiền bảo hiểm lên khi thu nhập của bạn tăng lại. Đây là quyền của khách hàng nếu có tham gia sản phẩm UL hay IL.
Trường hợp 4: Mất khả năng tạo dựng thu nhập
Có một nghiệp vụ tại các công ty bảo hiểm mà chị Liên - nhân vật chính được nhân viên mới tư vấn: trong trường hợp bạn thấy bảo hiểm là cần thiết, bản thân muốn giữ nhưng không còn năng lực đóng phí thì bạn có thể yêu cầu thực hiện quyền duy trì hợp đồng bảo hiểm với số tiền bảo hiểm giảm. Với nghiệp vụ này, công ty bảo hiểm sẽ tính toán lại, bạn sẽ được bảo hiểm sản phẩm chính với số tiền bảo hiểm giảm mới và từ đó trở đi bạn không cần phải đóng phí bảo hiểm hàng năm nữa.
Trường hợp 5: Nếu khách hàng tham gia sản phẩm UL hay IL
Sản phẩm UL (liên kết đơn vị) và sản phẩm IL (liên kết đầu tư/đơn vị). Theo đó, các công ty bảo hiểm có quy định khách hàng phải đóng đủ 2 hoặc 4, hoặc 5 năm đầu tiên, sau đó:
- Nếu có ít tiền thì đóng ít (tức đóng chậm lại, kéo dài thời gian đóng phí)
- Nếu có nhiều tiền thì đóng nhiều (rút ngắn thời gian đóng phí)
- Khi nào có tiền thì đóng phí khi đó (kéo dài hơn 60 ngày)
- Không có thì không đóng phí (không vay nên không trả lãi gì cả, chỉ giảm lợi nhuận một chút).
Điều quan trọng là khách hàng vẫn được bảo vệ. Dẫu vậy, tùy vào quy định của mỗi công ty mà quyền lợi của bạn có thể được bảo vệ đầy đủ hoặc sẽ phải bỏ hết quyền lợi sản phẩm bổ sung.
Với hai loại sản phẩm trên, khi thiếu tiền mặt, khách hàng chỉ cần rút từ tài khoản hợp đồng hay bán đơn vị quỹ của sản phẩm đầu tư để rút tiền mặt. Tất nhiên, rút tiền thì không trả lãi nhưng có trả phí, tùy vào từng năm. Khi nào khách hàng có tiền thì đầu tư thêm bằng cách đóng lại nhiều hơn. Nếu không đóng lại cũng không sao.
Trong tình huống hợp đồng sau nhiều năm không đóng phí, hợp đồng sẽ mất hiệu lực, khách hàng có thể dùng 2 kỹ thuật sau nếu việc mất hiệu lực chưa quá 24 tháng:
- Thứ nhất, khôi phục hiệu lực hợp đồng và đóng lại toàn bộ phí chưa đóng và những quyền lợi trước đó vẫn bảo toàn.
- Thứ hai, khôi phục lại hiệu lực hợp đồng và tiếp tục hành trình đóng phí tiếp theo và cũng bảo toàn quyền lợi trước đó.
Lựa chọn trên cũng tuỳ vào từng công ty và từng thời điểm công ty đó áp dụng. Trong cả 2 cách, khách hàng đều cần được chỉ định khai thẩm định sức khỏe để kiểm tra y tế lại (nếu có).
Ông Phan Lê Thanh Toàn lưu ý thêm: “Với sản phẩm truyền thống, để vay giá trị hoàn lại đóng phí thì phải có trả lãi. Lãi này phải có để công bằng hơn với người không vay vì cả hai đều được bảo toàn quyền lợi như nhau. Khoản lãi thường không cao và tuân thủ luật vay của nhà nước Việt Nam, thường áp dụng mức lãi suất của Vietcombank.
Sản phẩm UL và IL thì không có chuyện tính lãi như vậy, công ty trích từ tài khoản hay quỹ ra đóng cho khách hàng. Tuy nhiên, với sản phẩm UL và IL có thời gian đóng phí cố định ngắn (2-3 năm), việc ngưng đóng phí có thể khiến các quyền lợi bổ sung phải tạm ngưng và chỉ bảo vệ sản phẩm chính: bảo vệ tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Còn với hợp đồng có thời hạn đóng phí dài hơn 4 hay 5 năm thì vẫn bảo toàn các quyền lợi của khách hàng gồm sản phẩm chính và sản phẩm bổ sung để bảo vệ cả những quyền lợi của khách hàng. Tất nhiên phương pháp này sẽ làm tài khoản giảm nhanh hơn nhưng quan trọng là thời điểm này bạn cần bảo vệ cao.
Thêm nữa, UL và IL không cho vay khi tài khoản còn có thể rút và thường rút thì có tính phí trong 10 năm đầu. Từ năm thứ 10 sẽ không còn tính phí. Khách hàng cần hiểu rõ phần các loại phí sẽ có lợi cho bản thân và gia đình".
Cũng cần lưu ý: Tất cả những khoản vay, khách hàng nên trả khi có tiền, đừng để quá lâu vì sẽ bị ảnh hưởng của lãi kép làm giá trị hoàn lại hao mòn nhanh và để lâu quá có thể mất hiệu lực. Nên trả vào và khi nào thiếu tiền thì vay lại từ công ty bảo hiểm. Cách này chủ động hơn so với đi mượn người thân, bạn bè hay vay mượn, thế chấp.
Chuyện vay ở các công ty bảo hiểm nhanh hơn cả ngân hàng vì chỉ cần bên mua bảo hiểm/chủ hợp đồng mang CMND/CCCD đến tất cả các trung tâm phục vụ đều có thể vay ngay trong buổi làm việc.
Đừng mua bảo hiểm vì ủng hộ
Dành nhiều năm liền làm việc trực tiếp trong ngành bảo hiểm, ông Phan Lê Thanh Toàn lưu ý vài điểm với những người đã mua hoặc đang có ý định mua bảo hiểm.
“Thứ nhất, các công ty bảo hiểm luôn có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản tại các trung tâm phục vụ khách hàng, nếu hỏi nhà tư vấn những quyền của mình mà không được giải đáp đầy đủ, bạn có thể đến trung tâm phục vụ để được nhân viên tại đây hỗ trợ về nghiệp vụ để có những lời khuyên hợp lý cho tình trạng hợp đồng và hoàn cảnh gia đình.
Thứ hai, khách hàng cũng cần chấm dứt việc mua hợp đồng theo kiểu ủng hộ mà bỏ qua tất cả các quy trình tư vấn và cố vấn. Quy trình này gồm 9 bước và với 9 bước này, khách hàng sẽ nhận biết ai sẽ là nhà tư vấn chuyên nghiệp và tận tụy với khách hàng. Họ cũng phải cần chứng minh bản thân họ đủ năng lực phụng sự khách hàng, bạn mới lựa chọn họ.
Khi xảy ra những việc như vợ chồng chị Liên hay bất cứ chuyện gì liên quan đến sức khoẻ, hợp đồng, hoàn cảnh gia đình, khách hàng cần hợp tác chặt chẽ với nhà tư vấn để được hướng dẫn đầy đủ".
Bên cạnh đó, ở khía cạnh quản lý nhà nước, vị chuyên gia cho biết tại các nước, họ đã áp dụng một số nguyên tắc vào luật như nếu tư vấn sai cho khách hàng, khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện khi bị ảnh hưởng quyền lợi của hợp đồng và bồi thường.
Để đảm bảo việc này, hàng năm bắt buộc các nhà tư vấn phải đi học nâng cấp nghiệp vụ và thi lại hàng năm để lấy chứng chỉ hành nghề. Nhà tư vấn nào thi trượt sẽ tạm ngưng hành nghề cho đến khi nào thi đỗ.
“Với những quy định trên, tôi tin những điều bất cập trên thị trường sẽ dần dần bớt lại và thị trường sẽ lành mạnh hơn khi thanh lọc được những nhà tư vấn có hội, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nhưng thừa thủ đoạn. Tất nhiên khi đó khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhất và những chuyện như vợ chồng chị Liên sẽ bớt lại khi thị trường lành mạnh hơn”, ông Toàn bày tỏ.