Clip: Đường đi của rau "bẩn" gắn mác rau an toàn vào siêu thị
Nguồn gốc của những gói rau được đóng trong bao bì, dán nhãn mác đầy đủ với thương hiệu rau sạch trong siêu thị sẽ khiến không ít bà nội trợ giật mình.
Ngày 20/4, một phóng sự được thực hiện nhằm truy tìm nguồn gốc của những loại rau bẩn được tuồn vào siêu thị đã được phát sóng trong chương trình "Nói không với thực phẩm bẩn" trên VTV1.
Phóng sự về con đường của nhưng gói rau an toàn đến siêu thị - (Nguồn:VTV)
Phóng viên đã có cuộc tìm hiểu tại cơ sở cung cấp rau sạch Nguyễn Thị Tưởng tại Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội để tìm hiểu đường đi của những gói rau được gắn mác an toàn vào siêu thị.
4h chiều chiếc xe tải của cơ sở sơ chế rau an toàn này bắt đầu lăn bánh đi thu gom hàng. Điểm dừng chân là một điểm tập kết rau củ nằm sâu trong thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Nhanh chóng toàn bộ số su hào được 2 thanh niên vận chuyển lên xe. Người gom hàng khẳng định đã cung cấp rau cho bà Tưởng nhiều năm nay, thế nhưng số rau củ này không phải lấy từ vùng rau an toàn.
Những cơ sở tập kết nguồn rau của của bà Tưởng. Người gom rau chia sẻ: "Ở đây không có rau sạch đâu, đây toàn rau lấy từ vùng ngoài vào. Nhà mình cũng không có giấy kinh doanh gì. Xã chỉ chứng nhận mình là người dân ở địa phương chứ không chứng nhận rau của mình là rau an toàn".
Chúng tôi theo chân chiếc xe tới một đầu mối khác, cũng là nơi gom hàng rồi mang đến điểm tập kết cho bà Tưởng, su hào, hành tây xếp la liệt dưới đất.
Người đàn ông thu gom hàng cũng cho biết: "Khu vực này không có ai cấp giấy chứng nhận rau an toàn cả. Khu vực rau an toàn không trồng ra những củ hành tây này".
Ngoài việc lấy hàng ở những điểm tập kết trên, chiếc xe của cơ sở bà Tường thường xuyên lấy rau của những người buôn hàng trên phố và cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở đâu.
Công đoạn đóng gói để biến những loại rau củ không rõ nguồn gốc thành rau an toàn. (Ảnh cắt từ clip)
Sau những chuyến xe gom hàng, những mớ rau theo như nhà cung cấp nói không phải rau sạch thì sẽ trở thành rau an toàn như thế nào? Phải chăng chỉ cần 1 chiếc tui nilon cùng nhãn mác là đã thành rau an toàn sẵn sàng xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình.
Theo biên bản bà Tưởng cung cấp, cơ sở sơ chế của bà chỉ có công suất tối đa là 300 kg/ngày. Thế nhưng trên thực tế, bà Tưởng cho biết có thể đáp ứng gấp hàng chục lần và hiện cũng cung cấp hàng tấn rau củ mỗi ngày cho một đại siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Bà Tưởng cho biết: "Anh đưa 5 tấn tôi cũng có khả năng, tôi chả thiếu loại rau củ gì. Hàng tôi chưa lấy về hết, anh muốn lấy rau gì tôi cung cấp loại ấy. Tôi là xã viên của Hợp tác xã (HTX) và có giấy tờ chứng nhận".
Giấy tờ chứng nhận bà Tưởng là xã viên thuộc HTX sản xuất rau an toàn Thành Công - (Ảnh cắt từ clip)
Trên giấy tờ, bà Tưởng đúng là xã viên của HTX rau an toàn Thành Công nhưng đại diện HTX khẳng định số rau củ mà HTX này cung cấp cho bà Tưởng mỗi ngày không đến cả tấn để bà cung cấp cho siêu thị.
Ông Nguyễn Tiến Công, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Công cho biết: "Số rau an toàn mà HTX cung cấp chỉ khoảng chưa đến 2 tạ, đèo xe máy chỉ tầm ấy hoặc hơn 2 tạ một chút, có những hôm bà ấy không lấy chứ không phải ngày nào cũng lấy".
Ngoài cung cấp rau gắn mác, rau an toàn cho đại siêu thị, cơ sở này cũng tiêu thụ rau tại chợ đầu mối Minh Khai, Hà Nội.
Với người tiêu dùng, con dấu và nhãn mác là yếu tố để phân biệt rau an toàn trong siêu thị với rau không rõ nguồn gốc, thế nhưng sự thật là hàng trong siêu thị và hàng bên ngoài là một. Nó chỉ khác là có thêm công đóng gói nhãn mác, bao bì mà thôi.