Người Việt thường có thói quen nấu dư thức ăn vì quan niệm để đến bữa sau ăn cũng không sao. Nhiều người chủ động nấu nhiều từ tối hôm trước để mang đi làm vào sáng hôm sau, đến trưa đem ra ăn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, đây là thói quen ăn uống thiếu hụt dinh dưỡng, có thể gây ngộ độc thực phẩm, ung thư, bệnh mãn tính về lâu dài.
BS Lê Tiến Huy cho rằng, ngay cả khi được bảo quản trong tủ lạnh, hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần vẫn khiến bạn nhiễm độc như thường vì thức ăn thừa càng để lâu trong tủ lạnh càng dễ sinh độc tố.
Giới chuyên gia sau đó đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho sức khỏe gia đình, tránh hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần.
Hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần - Thói quen được gia đình Việt ưa chuộng
Có một sự thật trong nhà bếp của người Việt như thế này, mỗi bữa ăn, chị em thường nấu dư ra vì sợ thiếu, hoặc thậm chí chủ động nấu thêm để có đồ ăn đủ mang cơm đi làm, đi học... Thế nên, bữa sau đó, bạn sẽ phải hâm lại thức ăn để bữa ăn nóng ngon đúng vị. Hâm thức ăn một lần thì thôi có thể châm chước bỏ qua. Nhiều chị em có thói quen hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần vì tiếc của, xong rồi có khi lại một mình ngồi cặm cụi ăn đồ thừa từ những bữa trước dù không ngon miệng cho lắm.
Thói quen hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần thực sự chẳng có gì hay ho, riêng về mặt sức khỏe thì còn cực kỳ đáng lên án. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần, cơ thể sẽ nạp nguồn thực phẩm có chất dinh dưỡng bị hao hụt dần qua mỗi lần được hâm lại. Chưa kể, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Thói quen này áp dụng lâu dài có thể tích tụ độc tố, gây bệnh mãn tính trong người vô cùng đáng tiếc.
Chung nhận định, BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược) khuyên chị em nên dừng ngay thói quen hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần nếu như không muốn rước bệnh vào người:
BS Lê Tiến Huy nói lý do không nên hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần.
BS Huy cho biết, việc chúng ta gia nhiệt nhiều lần sẽ làm biến tính các chất dinh dưỡng có trong đồ ăn, đặc biệt là các protein và vitamin. "Giá trị dinh dưỡng giảm rất thấp, thậm chí có thể gây ra những chất độc. Thức ăn đã chế biến nên được dùng hết. Nếu để lưu cữu thì nấm và vi khuẩn sẽ phát triển, gia tăng số lượng. Chúng cũng tạo ra những độc tố nguy hiểm khiến chúng ta ngộ độc nếu ăn phải. Việc bạn có hâm nóng đồ ăn đi chăng nữa cũng không làm mất các độc tố đó", BS Huy khẳng định.
Nhiều người cho rằng chỉ cần bảo quản đồ ăn nấu thừa vào tủ lạnh để dùng cho bữa sau là được. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định, với những thực phẩm đã chế biến, để lâu, thậm chí để tủ lạnh chăng nữa cũng nên vứt đi.
Thói quen bảo quản thịt chín hay đồ ăn chín nói chung trong tủ lạnh nhằm tránh lãng phí có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Quá trình bảo quản này có thể khiến thức ăn bị nhiễm khuẩn, do trong tủ lạnh thường để rất nhiều loại thực phẩm sống - chín, sản phẩm chế biến rồi, sản phẩm sơ chế rất dễ bị nhiễm chéo vi khuẩn. Không sớm bị ngộ độc thực phẩm thì thói quen ăn uống này cũng khiến bạn sớm bị ung thư.
CDC cũng cảnh báo, thức ăn thừa càng để lâu trong tủ lạnh càng tạo nhiều cơ hội cho vi khuẩn phát triển. Nguyên nhân bởi, thức ăn thừa cũng chứa chất bảo quản tương tự như thực phẩm đóng gói để tránh hư hỏng và ô nhiễm, sau khoảng 2 giờ để bên ngoài là nên vứt bỏ chứ không tùy tiện để ăn từ ngày này sang ngày khác.
Làm sao để tránh hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần, ăn uống đảm bảo sức khỏe?
Giới chuyên gia khuyên, để tránh hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần cần:
- Chế biến món ăn với số lượng vừa phải, đừng nấu quá nhiều để đảm bảo bữa ăn nào cũng được ăn đồ tươi ngon, an toàn.
- Khi được bảo quản trong tủ lạnh, thức ăn thừa cũng nên tiêu thụ hết trong ngày, tránh reo rắc mầm bệnh cho mọi người.
- Nên dậy sớm để nấu ăn mang đi thay vì nấu sẵn mọi thứ từ tối hôm trước, chỉ cần đổ vào hộp là xách đi làm. Bạn có thể sơ chế sẵn món ăn, cất vào tủ lạnh rồi sáng hôm sau làm mang đi sẽ rất nhanh.
- Nên bảo quản thức ăn nấu chín trong hộp có chức năng giữ nóng đồ ăn, tránh phải hâm lại thức ăn ở nơi làm việc.