Theo quy định mới của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), tại kỳ họp này, Quốc hội (QH) lần đầu thông qua kế hoạch ngân sách tài chính 5 năm, trong đó xác định rõ mức thu, tỷ lệ thu và cơ cấu chi NSNN lớn, đặc biệt là cân đối thu chi (giới hạn về bội chi, nợ công), ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính trao đổi một số vấn đề về kế hoạch ngân sách tài chính 5 năm.
Vì sao thu ngân sách trung ương lại giảm trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Võ Thành Hưng: Dù hàng năm thu ngân sách vượt dự toán nhưng thu TƯ khó khăn hơn. Thu Trung ương có 3 cấu phần (dầu thô, cân đối xuất nhập khẩu), những nguồn này xu hướng giảm và giảm rất nhanh. Giai đoạn từ 2006-2010, tỷ trọng hai khoản thu này chiếm 40% tổng thu ngân sách nhưng đến 2015 lại dưới 25% (chưa đầy 1/4 tổng ngân sách). Đến 2020 chỉ còn khoảng 14-15% tổng thu.
Một trong những lý do giảm nhanh là tốc độ không tăng nhanh. Trong đó, thu dầu thô giảm do sản lượng giảm. Dự toán ban đầu là 14 triệu tấn năm 2016, nhưng cuối năm thấy có thể khai thác thêm, PVN điều chỉnh lên 15 triệu tấn. Nhưng 2017 sản lượng dự toán chỉ còn 12 triệu tấn.
Khó khăn tới là cân đối ngân sách TƯ. Thời gian tới không thể bội chi lên cao được nữa, theo nghị quyết không quá 4% GDP nhưng giới hạn trần nợ công 65%, như năm 2017 Chính phủ trình QH bội chi chỉ 3,5% GDP.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính.
- Vậy làm sao thu nội địa trám được tác động giảm của thu dầu thô, xuất nhập khẩu, tăng thu nội địa?
- Cần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển DN, đây là giải pháp căn cơ nhất. Hiện có 500-600 nghìn doanh nghiệp, nếu phấn đấu tăng lên 1-2 triệu doanh nghiệp đây sẽ là nguồn lực để nhà nước có thể thu thuế, phí.
Việc chi ngân sách cũng phải lưu ý. Tái cơ cấu theo hướng tăng dần chi phát triển. Năm 2017 dự toán chi phát triển lên 27% tổng ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, cần yêu cầu các đơn vị sự nghiệp tăng tính tự chủ, điều chỉnh giá phí sự nghiệp công theo lộ trình. Với bộ, ngành phải giảm chi khoảng 1.000 tỷ (trong đó có cả y tế, giáo dục, đào tạo).
Chính phủ cũng tiếp tục yêu cầu Bộ, ngành tiết kiệm chi thường xuyên. Dù yêu cầu điều chỉnh tiền lương từ 1/7 nhưng các Bộ đã tự sắp xép theo dự toán được giao. Đây là năm thứ hai liên tiếp các Bộ phải tự sắp xếp để điều chỉnh tiền lương. Quỹ lương tăng lên nhưng không được bổ sung thêm mà phải tiết kiệm từ các nguồn khác.
Về tiết kiệm chi phí xe công, một số địa phương cũng cân nhắc khoán xe công nhưng thực tế mới Bộ Tài chính làm. Trong cách bố trí dự toán, năm nay và năm sau không bố trí tiền cho các bộ mua xe cho cấp Thứ trưởng trở xuống.
- Một điều nhiều người quan tâm, đó là vì sao GDP 2016 ban đầu đặt kế hoạch 5,1 triệu tỷ và rồi lại 4,6 triệu tỷ làm bội chi ngân sách vọt lên và các thứ khác sẽ biến dạng?
Đây không phải con số Bộ Tài chính tính toán mà là trách nhiệm của Bộ KH-ĐT. Để Chính phủ thông qua thì có hỏi ý kiến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương,...
Theo tôi hiểu, 5,1 triệu tỷ thời điểm ấy xác định trên cơ sở ước thực hiện 2015, trượt giá 2016 nhưng khi GDP năm 2014, 2015 rồi 2016 không đạt sẽ ảnh hưởng lớn. Đây là lý do khiến bội chi và nợ công thời gian qua tăng rất cao.
Con số GDP 4,6 triệu tỷ là ước thực hiện đến nay và chúng tôi cũng nhận định ngay cả con số này cũng khó đạt được.
- Cơ sở nào để Bộ Tài chính và các địa phương cắt giảm tỷ lệ % ngân sách để lại, như tại TP.HCM. Việc này gây tranh luận rất nhiều chiều?
Năm 2017 là năm đầu tiên xác định lại thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước mới. Đó là thời kỳ mà tỷ lệ điều tiết, số bổ sung phân đối cho các địa phương cơ bản ổn định. Dự kiến thời kỳ này kéo dài từ 2017-2020.
Tỷ lệ điều tiết xác định trên cơ sở, khả năng thu và nhu cầu chi. Nếu khả năng thu thấp hơn nhu cầu chi thì địa phương được nhận bổ sung cân đối. Khả năng thu lớn hơn thì điều tiết về Trung ương.
Giai đoạn trước 50 địa phương nhận cân đối; 13 địa phương điều tiết về Trung ương. Ngân sách Việt Nam địa giới hành chính tuy nhỏ nhưng chia 63 địa phương lại có khác biệt rất lớn. Ví dụ: TP.HCM, Hà Nội chiếm 50% số thu. Nếu cộng cả các trọng điểm thu (trên 10 địa phương) thì chiếm 80% số thu.
Còn thu ngân sách Bắc Kạn ít nhất cả nước, chưa được 600 tỷ một năm, chưa bằng 1 ngày thu của TP.HCM. Nhưng cũng có đủ 1 bộ máy từ cấp huyện đến cấp xã, phải chi mấy nghìn tỷ.
Thu năm 2016 tăng 1,6 lần so với 2011 nhưng số thu tuyệt đối lại chỉ tăng 160-170 tỷ, chia cho 6 năm thì chỉ tăng 30 tỷ một năm. Nếu dành 50% chi lương thì phần còn lại chi phát triển, an ninh,... hàng năm chỉ tăng 15 tỷ.
Giai đoạn 2011-2016 ổn định ngân sách, khi thu tăng, các địa phương cũng được tăng chi. Các địa phương có tỷ lệ điều tiết về Trung ương tăng thu tương đối cao, nếu giữ tỷ lệ điều tiết như cũ, chỉ sau 5 năm, quy mô thu của họ tăng gấp đôi giai đoạn đầu.
Trong khi ấy các địa phương nhỏ lại khó khăn. Nhiều địa phương thu ngân sách 2016 gần như không tăng so với 2011.
- Năm tới sẽ tính thuế tài sản. Tốc độ tăng thu nội địa 2 năm tới 20%; năm trước là 15% - con số mà Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho là cao. Nhìn vào con số này có cảm giác ngân sách đang tận thu?
Thuế tài sản là thuế mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Ví dụ có 2-3 nhà thì nhà thứ 2 sẽ bị đánh thuế.
Như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nói, tổng thu nội địa là vậy nhưng các khoản thu từ hoạt động sản xuất khoảng 18-20%. Thu nội địa còn nhiều khoản khác nữa. Tăng như vậy thì là mức tương đối cao so với giai đoạn vừa qua nhưng trên cơ sở cũng đang là dự kiến tăng trưởng kinh tế khá hơn.
Một trong những nguồn tăng thu lớn là dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nếu khu vực nông nghiệp thu hẹp về 10-15%, công nghiệp và dịch vụ tăng tương ứng thì có thể thu thêm được từ chỗ đó.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Vietnamnet