Bài viết dưới đây là dòng tâm sự của ông Giang (Nam Ninh, Trung Quốc) đang được nhiều người chia sẻ trên nền tảng Toutiao.

Sinh ra ở làng quê nghèo, sau khi lên thành phố học tập, tôi tìm mọi cách để bám trụ tại đây. May mắn, chỉ sau vài năm đi làm, tôi có được chỗ đứng tại đơn vị. Nhờ thế tình hình tài chính cũng khá hơn nên sớm mua được 1 căn hộ nhỏ trước khi kết hôn.

Không lâu sau đó, tôi lấy vợ và sinh con. Cho đến khi tụi nhỏ đi học, chúng trở thành niềm tự hào của vợ chồng tôi bởi thành tích học tập luôn dẫn đầu. Sau 12 năm học trong nước, cả 2 đứa đều ra nước ngoài du học và định cư tại đấy.

Có được công việc với mức thu nhập cao, hàng tháng, tụi nhỏ đều chu cấp cho bố mẹ 1 khoản tiền lớn. Cùng với tiền lương hưu, vợ chồng tôi không phải lo lắng về mặt tài chính ở những năm tháng tuổi già. Nhìn vào những gì đang có, ai cũng ghen tỵ với vợ chồng tôi.

Song thực tế, mọi thứ không màu hồng như vẻ bề ngoài mọi người nhìn thấy.

4 năm trước, vợ tôi bị đột quỵ rồi qua đời. Khi đó các con ngỏ ý đón tôi sang sống cùng để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, tôi một mực từ chối. Bởi tôi hiểu 2 thế hệ có quan điểm sống khác nhau khó có thể sống hòa thuận dưới 1 mái nhà.

Thời gian đầu sau khi bà xã mất, các con thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi. Nhưng sau đó, các cuộc điện thoại thưa dần. Nhiều khi vì nhớ tụi nhỏ, tôi lại là người chủ động gọi điện. Tuy nhiên, những cuộc điện thoại cũng chỉ kéo dài được vài phút bởi các con nói rằng đang bận công việc nên phải cúp máy.

Có 2 người con thành đạt, cụ ông sống trong căn biệt thự vẫn ngao ngán: "Tôi không cần chúng giàu có đến thế"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đã 4 năm nay, gia đình tôi chưa có được 1 bữa cơm đầy đủ các thành viên. Ngay cả dịp lễ Tết, tụi nhỏ cũng không thể sắp xếp được thời gian để về nhà. Vui vì các con thành đạt nhưng trong lòng tôi vẫn có chút thất vọng.

Căn nhà này không thiếu thứ gì nhưng chẳng còn ấm áp như xưa. Theo thời gian, tôi nhận ra cha mẹ ngày càng khó giao tiếp với con cái và quan điểm sống cũng có sự đối nghịch rất lớn. Chính điều này khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng bị kéo ra xa.

Bỏ qua khoảng cách địa lý, tôi luôn cố gắng duy trì kết nối với các con, cố gắng chia sẻ về sự cô đơn của bản thân và mong muốn được bầu bạn cùng chúng. Nhưng hết lần này đến lần khác, các con đều từ chối với lý do bận công việc.

Ở những năm tháng cuối đời, mong muốn lớn nhất của tôi là gia đình có những bữa cơm bên nhau, chia sẻ khoảnh khắc vui buồn. Nhưng đối với tôi tất cả những thứ đơn giản đó lại vô cùng xa vời.

Nhiều lúc tôi thầm nghĩ thà các con chỉ cần làm các công việc bình thường, không cần quá giàu có. Song chúng luôn gần gũi bên mình vậy là đủ.

Như gia đình ông Lương ở ngay đối diện nhà tôi. Ông cũng có 2 người con trai. Dẫu không quá giàu nhưng 2 đứa luôn quan tâm và gần gũi với ông cụ. Chỉ cần ông nhấc máy gọi điện là tất cả có mặt đông đủ. Dẫu gia đình bên đó có chút khó khăn về tài chính nhưng có được sự quan tâm của các con vẫn tốt hơn cuộc sống của tôi ở thời điểm hiện tại.

Thời gian trôi qua, con cái ngày càng trưởng thành, còn cha mẹ thì ngày càng già đi. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho tụi nhỏ bao la như trời biển. Nhưng chúng dường như ít quan tâm đến cảm xúc của cha mẹ.

Là 1 người làm cha, điều hạnh phúc nhất với tôi là những bữa cơm quây quần, được con cháu hỏi han, chăm sóc chứ không phải số tiền chúng cho mỗi tháng.

Trong suy nghĩ của nhiều người, nếu điều kiện vật chất tốt chắc chắn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc năm cuối đời. Điều này đúng nhưng có lẽ chưa đủ. Bởi ở những ngày tháng tuổi già, niềm hạnh phúc không hoàn toàn được quyết định bởi số tiền trong ví. Điều kiện vật chất đủ đầy không có nghĩa là cuộc sống sẽ hạnh phúc.