Từ tiểu học bước sang THCS, nhiều học sinh gặp bỡ ngỡ bởi môi trường hoàn toàn khác, không chỉ trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới mà cách học cũng mới,… Nếu như ở tiểu học, học sinh chỉ có hai bài kiểm tra trong năm thì sang THCS, trẻ sẽ phải làm quen với hình thức đánh giá khác như: Kiểm tra miệng các môn, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra cuối kì,…
Việc bắt đầu với một môi trường hoàn toàn mới như thế khiến học sinh dễ bị hoang mang, nhiều trẻ thu mình lại, không dám xây dựng bài, không dám làm quen với bạn bè và học hỏi thầy cô. Nếu không thay đổi nhận thức học tập thì học sinh rất dễ bị thụt lùi.
Việc học giống như chèo thuyền ngược dòng, không tiến thì sẽ lùi. Điều này đặc biệt đúng với các em học sinh cấp THCS. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng điểm số của con mình luôn ở mức tốt ở bậc tiểu học thì khi lên THCS cũng học tốt.
Thậm chí khi con bộc lộ một số điểm yếu, họ tin rằng con mình có thể lội ngược dòng và bắt kịp. Việc đặt niềm tin vào trẻ là đúng nhưng đồng thời, cha mẹ cũng cần đồng hành, thay đổi cách tiếp cận để đảm bảo trẻ có kết quả học tập tốt.
Cha mẹ cần lưu ý những "quy tắc ẩn" sau đây để con nhanh chóng hòa nhập và đạt những thành tích như mong muốn:
1. Dành nhiều thời gian hơn và đừng "gây hấn" với con
Giai đoạn này, các em cũng bắt đầu có sự thay đổi về tâm lý, với con gái thì các bạn bắt đầu để ý đến ngoại hình hơn, điệu đà hơn; con trai có cái tôi cao hơn, muốn chứng tỏ bản thân nhiều hơn. Những đặc điểm bất định của tuổi thiếu niên cũng lần lượt bộc lộ, chẳng hạn trẻ sẽ dễ xúc động, nhạy cảm, rất quan tâm đến lòng tự trọng, sợ hãi,…
Vì vậy, cha mẹ phải biết hiểu và tôn trọng con, dành nhiều thời gian cho con đủ cảm giác an toàn, thoải mái để ổn định tinh thần, chăm chỉ học tập. Việc này có làm được hay không đều ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn đến cả cuộc sống.
Phụ huynh phải chú ý phát hiện kịp thời những vấn đề về cảm xúc của con và có biện pháp can thiệp. Khi trẻ có tâm trạng thất thường hoặc có vấn đề, cha mẹ nên chú ý an ủi, giao tiếp và giúp đỡ để giúp trẻ ổn định cảm xúc và giải quyết nhanh chóng, tránh để những cảm xúc tiêu cực tiếp tục nảy sinh và kéo dài.
Cha mẹ đừng quên khuyến khích con tham gia phát triển các sở thích như thể thao, khám phá khoa học, thiên nhiên...
2. Việc học hôm nay chớ để ngày mai
Để vừa có thể đồng hành cùng con trong học tập, vừa có thể quản lý được thời gian biểu của con, cha mẹ nên cùng con lên một kế hoạch học tập cụ thể cho từng môn học, từng ngày, từng tuần. Phụ huynh nên nghiên cứu sách giáo khoa mới để nắm tổng quan kiến thức trong chương trình và lên kế hoạch tiếp cận kiến thức sớm.
Học sinh nên dành thời gian buổi tối của ngày hôm đó làm luôn bài tập được giao về nhà, tránh để mấy ngày sau khi có tiết mới học thì lúc này kiến thức đã không còn nhớ được kĩ nữa và thậm chí còn mang tính chất "chống đối".
Học sinh có thể tự học thêm những kiến thức mà mình còn chưa hiểu hay còn yếu tại nhà qua hình thức học online. Ở lứa tuổi này, trẻ tiếp nhận thông tin từ cuộc sống thường ngày nhiều hơn sách vở. Vì vậy, phụ huynh có thể cùng con đọc, xem và trao đổi các vấn đề xã hội thông qua tin tức hàng ngày, tích cực thảo luận để trẻ hình thành tư duy phản biện, mạnh dạn thể hiện quan điểm cá nhân.
Sau khi bước vào bậc THCS, trẻ phải phát triển khả năng tư duy độc lập, giảm sự phụ thuộc vào thầy cô, cha mẹ. Khi gặp vấn đề hãy để trẻ suy nghĩ độc lập thay vì hỏi ngay.
3. Chú ý mối quan hệ với thầy cô, bạn bè
Mức độ yêu thích thầy cô của trẻ cũng ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng học tập của các em. Cha mẹ có thể cùng con phân tích nguyên nhân, để con học cách phát hiện ra ưu điểm của giáo viên. Nếu cần, cha mẹ cũng có thể trao đổi với giáo viên để cùng giải quyết những vấn đề của trẻ.
Điều đáng chú ý là một số phụ huynh quá chiều chuộng con sẽ trực tiếp đổ lỗi cho giáo viên, thậm chí yêu cầu nhà trường thay đổi người đứng lớp. Đây là cách làm không phù hợp, trừ khi giáo viên thực sự gây ra vấn đề khiến hầu hết học sinh chán ghét.
Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, trẻ hiểu mình là ai thông qua việc tổng hợp những đánh giá của bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, hãy chú ý đến mối quan hệ bạn bè của con. Điều này đóng vai trò quyết định trong việc con bạn có vui vẻ và có muốn đến trường hay không. Khi bạn của con gặp khó khăn, hãy dạy con biết cách lắng nghe hoặc giúp đỡ bạn trong khả năng. Điều này cũng giúp con trẻ có được bài học về sự hỗ trợ giữa người với người khi gặp khó khăn.
Trẻ cũng cần học cách hòa đồng, phát huy khả năng của mình, tôn trọng ý kiến của các bạn khác, tận dụng sức mạnh tập thể để đạt kết quả tốt.