“Không được đứa này thì được đứa khác. Bà có tận 3 cậu con trai thì lo gì chuyện cuối đời ra sao!”, câu nói của bao nhiêu người vẫn luôn văng vẳng và là động lực nuôi dạy con cái lớn khôn của bà Mừng suốt nhiều năm qua. Nhưng rồi chắc vì bà không có phước, nên vẫn chẳng bấu víu được vào anh con trai nào cả. Thành ra hơn 70 tuổi đầu, bà vẫn còm cõi một mình.
Sau ngày ông mất, căn nhà bốn tầng trong ngõ phải bán đi chia đều cho cả bốn mẹ con. Bà nhận một phần tiền, nghĩ là sẽ sống an vui với phần tiền đấy cùng con cháu. Nhưng rồi khi mỗi đứa ở riêng một nơi, ai cũng đùn đẩy trách nhiệm chẳng ai chịu ở cùng bà. Chỉ khi sinh cháu, các anh con trai mới gọi mẹ về trông cháu hộ vài năm cho cứng cáp rồi lại cố tình đẩy mẹ đi.
Nhà anh cả nhận phần tiền bán nhà thì đầu tư vào kinh doanh, rốt cuộc thua lỗ lại phải đi ở nhà thuê. Chống đỡ mãi không nổi, quay về xin bà Mừng một ít tiền sống tạm qua ngày. Cuối cùng không còn cách nào khác lại phải dắt díu nhau sang nhà ngoại ở. Bà tính chuyện ở cùng con trai cả rồi cũng vì thế mà không thành, đành xách vali sang ở nhờ nhà anh thứ hai.
Ở với con thứ, bà lại gặp ngay cô con dâu coi mẹ chồng như ăn bám hay gánh nặng trong gia đình dù bà làm tất tần tật mọi việc từ cơm nước, giặt giũ cho đến đưa đón cháu nội. Đêm bà cũng ngủ cùng với cháu cho cho hai vợ chồng con được thoải mái. Bà cũng có tiền lương hưu để tiêu riêng, vẫn mua sắm đồ ăn, thức uống trong nhà nhưng cô con dâu vẫn chẳng bằng lòng.
Không những thế, cô con dâu này còn đanh đá chua ngoa, đi ra đi vào cũng đóng sầm cái cửa ngay trước mặt bà. Nhiều phen giận lắm nhưng bà không dám nói gì. Bà thương hai đứa cháu, lúc nào cũng tỉ tê chuyện trò mỗi đêm nên luôn nhịn mẹ của chúng. Nhưng đến một bữa khi cô con dâu này hất ngay đĩa đậu phụ vào mặt thằng cháu nội của bà vì nó biếng ăn ngay giữa mâm cơm, thì bà biết bà không ở được đây nữa.
Ảnh minh họa
Bà Mừng cảm thấy đĩa đậu rán ấy như hất vào mặt mình vậy. Bà nghe tiếng cháu nội khóc thì đau xé lòng. Nhìn cảnh hai đứa níu áo không cho bà đi, bà cũng ngậm ngùi chỉ biết khóc. Ba bà cháu khóc, nhớ nhau, không muốn chia xa nhưng mẹ chúng thì ráo hoảnh lôi xềnh xệch hai đứa con vào phòng, răn đe: “Bà muốn đi thì để bà đi, mẹ cấm tụi mày kéo bà ở lại!”.
Đêm ấy, bà ngồi khóc cả đêm. Sáng ra, bà lại dọn áo quần vào vali, xách sang nhà cậu con trai thứ ba. May cho bà, là đến đây thì bà giúp việc vừa xin nghỉ, nên bà có việc để làm, là trông đứa cháu mới được hơn 1 tuổi cho đến khi nó đến tuổi đi học mẫu giáo. Bà lại bầu bạn với đứa cháu út, dù gặp phải cô con dâu còn khó ở hơn cả cô thứ hai nữa, bà vẫn cố chịu.
Bà biết ý con dâu thứ ba không thích nói nhiều, không thích xem tivi, không thích người lạ vào nhà mình, mọi chuyện lúc nào cũng phải sạch sẽ nên bà răm rắp làm theo. Ước chừng đến giờ con dâu về là bà tắt tivi từ trước, cơm nước gọn gàng trên bàn, bếp núc sạch sẽ, nước nóng cũng bật sẵn. Đêm hai bà cháu lui vào phòng riêng, đợi mẹ sang cho ti thì ti một chút. Còn đêm bà dậy pha sữa cho cháu, cứ hai tiếng một lần theo đúng lời mẹ nó dặn.
Bà Mừng nghĩ mình sẽ có thể sống ở đây mãi được. Nào ngờ khi đứa cháu út được 2 tuổi, con dâu báo với bà sẽ cho nó đi nhà trẻ: “Con chọn được trường cho cháu rồi. Nhưng mẹ cứ ở đây cũng được!”. Câu nói nửa vời của con dâu khiến bà Mừng hụt hẫng, cảm giác như thể mình sắp không còn phận sự gì trong nhà nữa. Không khí trong nhà vốn đã nặng nề, những ngày sau đấy còn nặng nề hơn.
Con trai bà vốn đi sớm về khuya, có những hôm còn ngủ lại qua đêm ở khu công nghiệp của xưởng sản xuất vì nhiều việc, nên chẳng biết chuyện mẹ sống ở nhà mình như thế nào. Còn bà đối mặt với con dâu ngày qua ngày. Cô kiệm lời đến mức không thể diễn tả được. Một ngày chỉ nói với bà đúng ba câu: “Chào mẹ con đi làm!”, “Con về rồi!”, “Mời mẹ ăn cơm!”.
Bà Mừng dần cảm thấy mình như người thừa trong nhà. Cuối cùng, khi con dâu về nhà ngoại ở mấy ngày mà cũng không nói với bà nửa lời, bà đã quyết định ra ngoài thuê nhà ở riêng. Vì bà không được chào đón ở trong bất cứ ngôi nhà nào cả. Có ba cậu con trai với ba tổ ấm nhỏ, nhưng bà vẫn phải chấp nhận cảnh phải ở một mình vì không muốn là gánh nặng cho con cái, ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con.
Nhưng điều bà thật sự buồn là khi bà nói ra ý định này cũng chẳng ai ngăn cản bà. Mọi người từ con trai cho đến con dâu là cảm thấy hoàn toàn đúng, cứ bảo: “Vâng, mẹ ở thế cho thoải mái!”. Bà quyết định rồi, nhưng vẫn chạnh lòng. Chỉ có mấy đứa cháu là nheo nhéo chuyện gọi bà về ở cùng. Bà thương và nhớ chúng nó, muốn ở bên chăm sóc mà không được.
Thấm thoắt cũng đã 5 năm trôi qua, bà vẫn ngày ngày cuốc bộ một mình. Dù bà có đến tận 3 anh con trai, đã vất vả cả đời để nuôi lớn thành người…