Tác phẩm điện ảnh Cô Ba Sài Gòn do đích thân "đả nữ" Ngô Thanh Vân đạo diễn đã ra mắt khán giả cả nước được 3 ngày, hiện vẫn đang nhận được mưa lời khen từ giới chuyên môn, truyền thông cũng như từ người thưởng thức. Người ta biết đến Cô Ba Sài Gòn với thông điệp chủ đạo là gợi nhớ nguồn cội dân tộc dựa trên nhân vật chính là tà Áo dài truyền thống với Như Ý (do Ninh Dương Lan Ngọc) thủ vai là chất xúc tác. Bộ phim thu hút sự chú ý của dư luận, đồng thời nhận được đánh giá tích cực bởi tình cảm gia đình và các giá trị nhân văn, gốc rễ được truyền tải qua những thước phim.
Cô Ba Sài Gòn được công chiếu từ ngày 10/11/2017.
Không thể kể đến đó chính là khía cạnh thời trang phim Cô Ba Sài Gòn. Làm phim giải trí để đạt doanh thu khủng, và kéo dư luận về phía mình thì vô cùng dễ. "Em chưa 18", "Gái Già Lắm Chiêu" hay "Em Là Bà Nội Của Anh" đã làm được điều đó. Nhưng để kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật, thời trang, giải trí lẫn nhân văn với nhau, trên hết là dung hòa chúng để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, vừa vặn, tròn đầy, không "hụt" mà cũng không "lố" là điều không phải ai cũng có thể làm được. Cô Ba Sài Gòn, điểm sáng màn ảnh tháng 11 này, hãnh diện là bộ phim mang tính chất tiên phong.
Áo dài là câu chuyện trung tâm, nhưng bên cạnh đó, sự xuất hiện của thời trang Tây Phương thập niên 60 lẫn hiện đại 2017 cũng là một điểm nhấn thú vị. Bộ phim tái hiện thật sinh động về thế giới thời trang đầy nhộn nhịp. Theo Ngô Thanh Vân, ê-kíp sử dụng đến hơn 200 phục trang, đại diện cho nhiều xu hướng của nhiều thập niên. Trong loạt cảnh ở công ty thời trang của Helen (do Diễm My 9x thủ vai) và sàn runway náo nhiệt, Cô Ba Sài Gòn phô diễn hàng loạt bộ trang phục bắt mắt. Ngoài ra, kịch bản cũng không ngại đưa vào nhiều thuật ngữ về thời trang mỗi khi các nhân vật tranh luận, giới thiệu về trang phục. Giới mộ điệu cũng sẽ gật đầu ưng ý. Mà những người không biết gì về thời trang phim Cô Ba Sài Gòn cũng được dịp bổ sung kiến thức một cách "nhanh-gọn-lẹ" nhất có thể để không đi trật xu hướng.
Cùng nhìn lại những xu hướng thời trang và các cách kết hợp mà ê-kíp Cô Ba Sài Gòn đã cất công đưa vào đứa con tinh thần của mình nhé! Dám chắc rằng hội "chị em bạn dì" có sở thích ăn vận hay làm đẹp sẽ học lỏm được rất nhiều qua những hình ảnh dưới đây:
1. Chiếc đầm suông với những đường kẻ đen và các ô vuông màu nổi bật của những năm 60
Chiếc đầm suông màu cam viền trắng mà Như Ý mặc khi xuất hiện ở ngay khung cảnh đầu tiên của bộ phim.
Còn đây là mốt đầm suông viền đen với những ô màu năng động đã đi vào lịch sử thời trang những năm 60.
Cảnh đầu tiên của phim, Như Ý xuất hiện trong chiếc váy suông sắc cam viền trắng khiến người xem nhớ đến bộ sưu tập có tên "Riant Monde" ra đời năm 1966 của Yves Saint Laurent. Những thiết kế này được lấy cảm hứng từ những bức tranh trừu tượng của họa sĩ Piet Mondrian. Chiếc đầm suông chính là nhân tố đã tạo nên một cơn sốt thời trang suốt một thập kỉ thời ấy. Ê-kíp làm thời trang trong phim Cô Ba Sài Gòn chắc chắn đã bắt kịp danh tiếng của chiếc đầm cá tính này và diện vào Như Ý một cách thật trẻ trung, năng động nhưng cũng không kém phần sang trọng.
2. Họa tiết chấm bi không bao giờ là lỗi mốt
Ít ai ngờ mốt họa tiết chấm bi trẻ trung, thanh lịch đã có mặt hơn 80 năm trong lịch sử thời trang thế giới ấy lại góp mặt trong "bom tấn" của "đả nữ" Ngô Thanh Vân hôm nay.
Họa tiết chấm bi của Tây phương kết hợp với Áo dài trở nên trẻ trung và năng động đến lạ!
Chấm bi chính thức bước vào làng thời trang thế giới từ thế kỉ 20. Và chính nhân vật chuột Minnie của hãng Walt Disney đã mang tới cho các nhà thiết kế một gợi ý thú vị khi xuất hiện với chiếc váy chấm bi xinh xắn vào năm 1928. Cho tới năm 1940, chấm bi trở thành món đồ thời trang được rất nhiều sao danh tiếng lựa chọn như Marilyn Monroe hay Elizabeth Taylor. Đến những năm 50 và những năm 60, họa tiết chấm bi bước vào thời kì hoàng kim của nó. Trong Cô Ba Sài Gòn, sự kết hợp giữa Tây phương và Việt Nam truyền thống trở nên duyên dáng hơn bao giờ hết khi chấm bi là họa tiết chính cho tà Áo dài của các diễn viên.
3. Đi xem phim, nhưng lại tranh thủ được học quá trình lịch sử thời trang của nhà mốt nổi tiếng
Nhờ phân cảnh Helen giảng giải cho Như Ý về các thương hiệu thời trang đang "gây bão" vào năm 2017 mà các tín đồ của môn nghệ thuật này có thể biết được rằng Gucci - cái tên quyền lực của ngành thời trang toàn cầu, xuất phát điểm chính là một thương hiệu chuyên sản xuất phụ kiện, nhưng sau 100 năm, nhà mốt Ý này đã chuyển hướng sang thiết kế quần áo. Chắc hẳn đây cũng là một "bật mí" thú vị mà các tín đồ thời trang nên ghi lại ngay trong sổ tay của mình!
Bên cạnh cái tên các nhà mốt nổi tiếng xuất hiện, xu hướng quấn băng đô turban náo động những năm 1955-1965 cũng có trong Cô Ba Sài Gòn, là phụ kiện không thể thiếu của Như Ý và những tín đồ Âu phục.
4. Mừng cho Helen (Diễm My 9x) vì cố quá nhưng không "quá cố"!
Không hổ danh là bộ phim được đầu tư chỉn chu nhất của Ngô Thanh Vân và ê-kíp từ trước đến giờ, chỉ khâu gọi tên đúng các thương hiệu thời trang sang chảnh nhất như Dolce&Gabbana, Prada, Proenza Schouler hay thương hiệu tiếng Pháp khó đọc nhất Saint Laurent thôi cũng đáng để chúng ta cho Diễm My một tràng vỗ tay thật lớn. Đa số các tín đồ thời trang thường đọc sai tên của nhà mốt này, bởi phát âm tiếng Pháp, nhất là chữ "R" trong từ "Laurent" phải được phát âm thành "G" và thêm độ rung ở thanh quản mới là chuẩn.
Chiếc mũ pillbox, nhân tố "hoành hành" những năm 60 cũng xuất hiện điểm xuyết trong bộ phim với tư cách là phụ kiện của Như Ý, trong phân cảnh cô đang làm nhân viên tại xưởng thời trang của Helen.
Thời trang phim Cô Ba Sài Gòn quả thực có sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, Việt Nam và Âu Mỹ. Điều ấy như một sự điểm xuyết nhẹ nhàng, là một yếu tố tương phản với tà Áo dài để làm nổi bật lên giá trị truyền thống. Chứ không có gì gọi là quá lố hay lấn át yếu tố còn lại.
5. Biết được cách may một tà Áo dài hoàn chỉnh là như thế nào
Ngô Thanh Vân và chiếc áo dài gia truyền đính ngọc bội của nhà may Thanh Nữ nức tiếng Sài Gòn xưa.
Có lẽ điều đáng trân trọng nhất ở Cô Ba Sài Gòn chính là cách bộ phim đưa đến cho khán giả Việt cái nhìn cận cảnh về quy trình làm nên một tà Áo dài truyền thống. Chúng ta vẫn luôn biết tới Áo dài như bộ trang phục chứa đựng linh hồn của một dân tộc và dành nhiều mỹ từ cho nó như "quốc phục" hay "quốc hồn quốc túy". Nhưng lại hiếm ai trong chúng ta, trừ những nghệ nhân làm nghề, có thể hiểu rõ để làm ra được chiếc Áo dài hoàn chỉnh cần trải qua mấy bước, hay những công đoạn nào, gồm những lưu ý điều gì. Thời trang phim Cô Ba Sài Gòn ở đây để tháo gỡ những thiếu sót đó cho phần lớn người Việt ta.
Xu hướng quấn băng đô turban những năm 1955 - 1965 cũng xuất hiện trong Cô Ba Sài Gòn, trở thành phụ kiện không thể thiếu của Như Ý và những người đam mê Âu phục.
"Một chiếc Áo dài hoàn chỉnh phải qua 5 giai đoạn: Đo, cắt, ráp, luồn vải, kết nút và ủi. Khâu nào cũng quan trọng hết, tất cả phải kết hợp nhuần nhuyễn, may ra cái áo dài mới đẹp. Người đo phải tinh ý gia giảm thể trạng người mặc, còn người cắt phải ăn ý với người đo."
"Vải có hoa văn thì phải canh chỉ cho đối xứng tà trước, tà sau."
"Nút muốn kết cho đẹp thì sợi chỉ phải trải đều, không được dồn cục, chiếc áo may ra có thể sắc sảo được."
Kết
Bên cạnh việc truyền tải những giá trị nhân văn sâu sắc của tình cảm gia đình và sự nhớ nhung với cội nguồn dân tộc, thực đơn thời trang phim Cô Ba Sài Gòn thật phong phú, có đầy đủ món Việt, món Âu, món đơn giản và cả những món cầu kì, phức tạp. Ai muốn gì có nấy. Không hơn cũng chẳng kém. Tất cả đều vừa vặn, tròn đầy và hợp lí đến lạ lùng.
Đây có thể là bộ phim Việt Nam đầu tiên làm được điều này: Dung hòa được tính nghệ thuật giữa tính thị trường trong một tác phẩm điện ảnh, mà vẫn đảm bảo được doanh thu cũng như tiếng vang của nó tới khán giả trong nước và quốc tế. Thưởng thức xong Cô Ba Sài Gòn, ai nấy cũng đều nên thở phào nhẹ nhõm và gật gù đồng ý: "Phim Việt nay đã khác rồi!".