"Khi nhịp điệu sôi động của thời trang trên thế giới hòa nhịp cùng chiếc Áo Dài - trang phục truyền thống của Việt Nam, tất cả như cùng hòa hợp trong một bộ phim vượt thời gian, "xuyên không" từ năm 1969 đến năm 2017. Như Ý, một cô gái kiêu ngạo và tự tôn, là con gái của một gia đình có truyền thống 9 đời may Áo Dài, song bản thân cô chỉ vì yêu thích những bộ âu phục đương thời, nên cô rất coi nhẹ chiếc Áo Dài - nguồn cội gia đình mình. Một biến cố bất ngờ đã đưa cô đến với tương lai 48 năm sau đó. Ở đây, cô tìm thấy chính mình trong hình hài già nua, xấu xí và nghiện rượu. Bộ phim Cô Ba Sài Gòn khắc họa được một cách chân thực nhất toàn bộ quá trình thay đổi tâm lí, cũng như hành động của Như Ý, từ việc cảm nhận được không chỉ vẻ đẹp và ý nghĩa của chiếc Áo Dài trong bối cảnh xã hội hiện đại, mà còn là giá trị khi gây dựng lại tên tuổi của một nhà may lâu đời, truyền thống và nhân văn."
Tấm Poster gây tranh cãi từ ê-kíp của "Cô Ba Sài Gòn".
Một bộ phim tái hiện lại cả một thời kì văn hóa lịch sử
Phim Cô Ba Sài Gòn đã đặt khán giả trên những chiếc bánh xe thời gian để quay lại những năm trước 75 của "Hòn Ngọc Viễn Đông" ngày ấy. Tái hiện lại trước mắt người xem là cả một thời kì của lịch sử và văn hóa với những ngôi nhà sơn tường bằng vôi xanh, tỏa ra một chất "retro" của những năm 60 không thể lẫn được vào đâu khác. Trong những căn nhà bình thường và cả các tiệm may Áo dài như nhà Thanh Nữ, người ra kẻ vào tấp nập, vừa năng động, tất bật mà vẫn giữ được nét duyên dáng, sang trọng của con người xưa.
Đường phố Sài Gòn thập niên 60 với những tà áo dài bay rợp phố.
Nhắc đến Sài Gòn những năm trước 75 thì quả là một thiếu sót nếu chúng ta không kể về các phòng trà với những tuyệt phẩm tân nhạc danh bất hư truyền, mà trong phim, Madame Kiều Bảo Hân đã thể hiện rất thành công và đi vào lòng người, làm xao xuyến con tim người nghe một cách nhẹ nhàng và tình cảm.
Đa số các khán giả đến với bộ phim Cô Ba Sài Gòn sẽ trông đợi một không khí ngập tràn sự hoài cổ của Sài Thành ngày trước, nhưng thực chất thời lượng dành cho giai đoạn này trong phim chỉ chiếm khoảng 40%, tuy ít nhưng vẫn đủ để gây thương nhớ cho khán giả. 60% còn lại, bối cảnh của bộ phim xoay quanh thời hiện đại 48 năm sau.
Nếu thế giới có "Coco Before Channel" hay "The Devil Wears Prada", Việt Nam có "Cô Ba Sài Gòn"
Lý do mà cái tên Cô Ba Sài Gòn được đặt bên cạnh hai siêu phẩm Hollywood bởi cả ba bộ phim đều sỡ hữu một điểm chung, ấy là tính thời trang. Có lẽ chưa có một bộ phim Việt Nam nào là phong cách thời trang lại nhất quán và mang dấu ấn lịch sử cũng như đáp ứng được cả yếu tố thẩm mỹ tới vậy.
Tà Áo dài truyền thống duyên dáng và thanh lịch lên sóng màn ảnh rộng.
Đầu năm 2017, khán giả được thưởng thức tác phẩm hài "Gái già lắm chiêu" với gu thời trang ổn định nhất trong những bộ phim Việt đã ra rạp thời gian qua, thì Cô Ba Sài Gòn còn trên cả sự ổn định, nếu không muốn nói là đẹp. Dưới bàn tay của Nhà thiết kế Thủy Nguyễn, nhân vật làm mưa làm gió trên các sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, thời trang Áo dài của Sài Gòn những năm trước 1975 thật nổi bật. Chiếc Áo dài truyền thống của nhà may Thanh Nữ chưa bao giờ ấn tượng và tỉ mỉ đến thế.
Có chiếc thì được may bằng vải nhung từ đầu tới cuối mang đến một cảm giác rất sang trọng và thanh lịch. Nhưng lại có những bộ Áo dài thật năng động, trẻ trung, điển hình là trang phục của Như Ý với họa tiết chấm bi, các số đo ôm sát người tạo nên những đường cong gợi cảm, kết hợp với chiếc băng đô cùng màu. Chưa hết, điểm nhấn của chiếc Áo dài trong phim Cô Ba Sài Gòn chính là ở phụ kiện - những chuỗi vòng ngọc trai xếp tầng hay một chiếc dây chuyền ngọc lục bảo tinh tế.
Thời trang Áo dài truyền thống 1969 là vậy. Nhưng thời trang của 2017, một giai đoạn thời kì khác được truyền tải qua bộ phim cũng ấn tượng không kém bởi tính văn minh, lịch sự và trang nhã của chúng. Từng bộ vest hay chiếc áo choàng hoặc thậm chí là cái mũ rộng vành mang hơi thở của Tây phương đều được đầu tư rất chỉn chu.
Miếng ngọc được đính trên chiếc Áo dài đã khiến cho Như Ý "xuyên không".
Không còn nghi ngờ nghĩa nữa, chỉ xét về phần nhìn thôi, phim Cô Ba Sài Gòn xứng đáng nhận được vô vàn những đánh giá tích cực từ phía khán giả.
Dàn diễn viên trọn vẹn đem tới một cảm xúc trọn vẹn
Nếu chỉ nhìn qua những cái tên xuất hiện trên poster hay trailer phim Cô Ba Sài Gòn, nhiều khán giả sẽ thấy nghi ngờ. Bởi có những gương mặt trẻ như Ninh Dương Lan Ngọc, ST của nhóm 365Band hay thậm chí là có cả MC lấn sân sang diễn viên như Tùng Leo. Nhưng bên cạnh đó, bộ phim lại có sự góp mặt của những diễn viên gạo cội trong ngành sân khấu điện ảnh như NSƯT Hồng Vân, Diễm My 9x hay "đả nữ" Ngô Thanh Vân đã quá quen mặt trong những tác phẩm điện ảnh những năm 2010 trở đi.
Sự trộn lẫn giữa lớp trẻ và những người có kinh nghiệm liệu có khiến cho bộ phim trở nên "lệch tông" và không hòa hợp như đồn đoán hay không? Câu trả lời là không. Bởi phim Cô Ba Sài Gòn đại diện cho quá khứ và tương lai, lấy chủ đề "xuyên không" nên việc có sự khác biệt giữa kinh nghiệm của dàn diễn viên là vô cùng hợp lí.
Chưa hết, phải kể đến diễn xuất của cái tên Ninh Dương Lan Ngọc, chính là điểm sáng mới mẻ cho bộ phim lần này. Gây ấn tượng với khán giả qua "bom tấn" Tấm Cám: Chuyện chưa kể của người chị Ngô Thanh Vân, cặp đôi lần nữa tái hợp tại Cô Ba Sài Gòn để ghi những dấu ấn tiếp theo trong sự nghiệp diễn xuất. Ninh Dương Lan Ngọc trẻ và nhiệt huyết với nghề, diễn xuất mà cô mang đến cho vai diễn Như Ý ra đúng chất của một cô tiểu thư đầy kiêu ngạo và đầy tự tôn. Đấy là chưa kể, ở ngoại hình của Lan Ngọc, khán giả có thể thấy nữ diễn viên trẻ chính xác là hiện thân của con gái Sài Gòn những năm trước 75, bầu bĩnh, đầy đặn nhưng vẫn thanh thoát và trang trọng.
NSUT Hồng Vân (thủ vai Như Ý của 48 năm sau) và Ninh Dương Lan Ngọc (Như Ý) trong một cảnh phim.
Khi sánh đôi với NSƯT Hồng Vân (trong vai Như Ý của 48 năm sau), Lan Ngọc thực sự bung tỏa được tối đa tiềm năng diễn xuất của mình. Hồng Vân xuất hiện ít nhưng đều để lại điểm nhấn, và trên hết, Hồng Vân như là chiếc đòn bẩy giúp Lan Ngọc truyền đạt sức trẻ của mình qua vai diễn. Sự giao thoa giữa gạo cội và non trẻ, người trẻ thỏa sức diễn xuất với nhiệt huyết của mình và kẻ gạo cội thì sử dụng nội lực của nhiều năm kinh nghiệm để làm nên sự điểm xuyết tinh tế.
Đối với Diễm My 9x, nếu ở "Gái già lắm chiêu", Diễm My chuyển mình từ việc "đơ nguyên cây" của chiếc bình hoa di động từ "Kungfu Phở" sang trạng thái dần dần biết biểu cảm và diễn xuất như một diễn viên, thì ở phim Cô Ba Sài Gòn khi vào vai đối trọng với Như Ý, Diễm My 9x gây bất ngờ bởi diễn xuất quá tròn vai. Cũng là một diễn viên trẻ của điện ảnh Việt nên ở Diễm My 9x và Lan Ngọc có một điểm chung, ấy là cả hai đều rất tích cực trong việc trau dồi các kĩ năng để màn hóa thân vào các nhân vật của mình được vừa vặn hơn.
Ninh Dương Lan Ngọc và Diễm My 9x - Hai màu sắc vô cùng thú vị của bom tấn tháng 11.
Tuy có nhiều lời khen cho dàn diễn viên, nhưng cũng có một điểm trừ đó là sự xuất hiện của ST 365. Biểu cảm và cử chỉ hay thần thái thực sự chưa được nổi bật bằng các bạn diễn, nhưng có lẽ chính sự "nhàn nhạt" đó lại có tác dụng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật người đàn ông điềm đạm, bình tĩnh.
Kết
Với hai lần cùng xuất hiện với nhau trên màn ảnh, Ngô Thanh Vân thực sự đang muốn Ninh Dương Lan Ngọc trở thành "truyền nhân" của mình chăng?
Để đánh giá phim Cô Ba Sài Gòn một cách công tâm, tuy còn một số điểm chưa vừa ý như là việc gài gắm chi tiết "xuyên không" chưa được khéo léo, hay cái kết của Diễm My 9x còn quá dễ dàng với những khán giả ưa kịch tính, nhưng ta vẫn không thể phủ nhận thành công của toàn bộ ê-kíp và sức ảnh hưởng của Cô Ba Sài Gòn là có thật. Tác phẩm không chỉ là một sự thử nghiệm với văn hóa, lịch sử dân tộc trên màn ảnh rộng mà còn là thước phim quay ngược thời gian, đưa con người Việt Nam về với nguồn cội văn hóa của chính mình, để từ đó trân quý và gìn giữ các giá trị đó hơn.
Cô Ba Sài Gòn thực sự là bộ phim mà bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng nên xem một lần trong thời, không những bởi tính thời trang, làm đẹp như ngắm trúng tim đen của chị em phụ nữ, mà còn bởi những tuyên ngôn về một nửa còn lại của thế giới mà nó mang lại. Người phụ nữ Việt Nam đẹp không phải mỗi ở ngoại hình, cách ăn vận, mà quan trọng hơn là đẹp ở cốt cách, đẹp ở cách trân trọng các giá trị được coi là nguồn cội và mang tính thời đại lâu dài.