Từ thiên nga hóa... vịt khi mang bầu do mắc chứng tiền sản giật
Đó là hình ảnh từng gây ám ảnh đối với chị Tuệ Quyên (TP.HCM) khi sinh con đầu lòng ở tuổi 32. Thiên thần khiến chị vượt qua nỗi mặc cảm, sợ hãi đó và quyết tâm chiến đấu với chứng tiền sản giật, cao huyết áp dù có nhiều cảnh báo nguy hiểm là bé Lâm Quang Hy (2,5 tuổi).
Mở đầu câu chuyện về hành trình vượt cạn đầy cảm xúc, trong đó có không ít nỗi đau và nước mắt của mình, chị Tuệ Quyên cho biết con chị sinh non ở tuần thai thứ 32 khi được 31 tuần 5 ngày.
Nhớ lại quãng thời gian mang thai con trai đầu lòng trong diện mạo của mẹ bầu xuống cấp nhan sắc trầm trọng, bà mẹ trẻ tâm sự chị đã chờ đợi 8 tháng để có được tin vui ấy. Thế nhưng ở tuần thai thứ 13 chị bắt đầu thấy dấu hiệu phù nề trên cơ thể và ngày càng có xu hướng trầm trọng.
Lúc này gia đình khuyên chị không nên giữ con nhưng với bản năng người mẹ, chị vẫn kiên quyết lựa chọn bảo vệ con. Đến tuần thứ 31 chị phải nhập viện vì dấu hiệu phù nề đến mức cảnh báo. Khi thai được 31 tuần 5 ngày, bác sĩ chỉ định mổ vì sức khỏe của mẹ không tốt.
"Ngoài nỗi lo lắng về sức khỏe của bé, nỗi sợ có thể mất con bất cứ lúc nào thì bản thân mình còn ám ảnh bởi những lời dị nghị của mọi người. Đến lúc sinh bé sớm 2 tháng so với dự kiến sinh, mình đã tăng 30kg, da bị nám, sưng phù và mụn nổi khắp người".
"Cảm giác nhìn mình trong gương trước và khi mang bầu cứ như 2 người khác nhau. Chính người quen cũng như bản thân mình còn không nhận ra. Những ngày sắp sinh, các bệnh nhân cùng phòng ở bệnh viện còn hỏi chồng mình sao lại lấy cô chồng xấu xí đến thế", chị Quyên kể lại.
Hành trình sinh nở đầy nước mắt đau đớn và hạnh phúc
Sau tuần 13 đầy ám ảnh thì đến tuần 20 chị Quyên lại trải qua một cú sốc tiếp theo. Thời điểm này, huyết áp của chị đột ngột tăng cao khiến thị lực bị giảm.
Chị cho hay: "Cùng với các triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt thì vài ngày sau khi nhập viện mình xuất hiện thêm biểu hiện đau thượng vị, nặng ngực. Bác sĩ chẩn đoán mình bị phù phổi cấp, suy tim.
Lúc này thai nhi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng, thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Khi mình làm thêm các xét nghiệm thì phát hiện chức năng gan giảm với biểu hiện: tiểu cầu giảm, men gan tăng cao, creatinin máu tăng cao".
Có lẽ vì thế mà với chị, kí ức về việc sinh con chính là hành trình giành giật sự sống với tử thần của cả hai mẹ con. Khi chào đời, bé Quang Hy chỉ nặng 1,6kg, phải nằm trong lồng kính 3 tuần. Sau khi được ra viện, em bé được mẹ nuôi dưỡng bằng phương pháp kangaroo thêm 4 tuần.
Nằm viện khoảng 1 tuần nhưng khi xuất viện bà mẹ trẻ vẫn không thể tự mình đi lại, không thể mặc quần vì chân không tự co lại được. 12 ngày sau sinh, chị Quyên sụt 19kg và sữa chỉ đủ đến khi bé được 2,5 tháng.
Về chứng sưng phù trên cơ thể, đặc biệt là trên khuôn mặt thì đến 1 năm sau các phần da của chị mới cơ bản trở lại như hồi con gái.
Nhìn lại hành trình đầy gian nan ấy, như bao bà mẹ khác chị không tránh khỏi cảm giác sợ hãi nhưng vẫn luôn tự hào vì con đã chào đời và ngày càng khỏe mạnh.
Ảnh: NVCC