Trường nữ sinh Hoa Bình thuộc thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nổi tiếng không chỉ là trường trung học công lập đầu tiên dành cho nữ sinh không thu học phí mà còn nhờ tỷ lệ đỗ vào đại học cao.
Và điều này sẽ không thể có nếu không có bà Trương Quế Mai - người phụ nữ năm nay đã 63 tuổi với vóc người nhỏ nhắn và nét mặt nghiêm nghị. Bà đã dành cả cuộc đời mình để chiến đấu với sự bất bình đẳng và định kiến mà các cô gái trẻ ở vùng đất này phải đối mặt trong một thời gian dài.
Là giáo viên từ năm 1990, sau một số biến cố gia đình bà quyết định chuyển từ thành phố Đại Lý sang Lệ Giang để định hướng lại cuộc đời mình. Khi đến thành phố mới, bà nhận ra sự đối xử bất công giữa con trai và con gái trong những gia đình nơi đây. Đó là việc những cậu con trai được đầu tư ăn học tử tế, còn những cô gái trẻ sẽ thường phải bỏ học để lấy chồng sớm, bởi bố mẹ họ cho rằng đầu tư học hành cho con gái là vô cùng lãng phí.
Không thể chấp nhận sự bất công này, bà đã quyết tâm mở trường dành cho nữ sinh nơi đây để giúp họ có được tri thức, tiếp cận một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Vào năm 2003, bà đến Côn Minh, Vân Nam để kêu gọi gây quỹ mở trường nữ sinh. Bà hỏi mọi người rằng: "Bạn có thể vui lòng hỗ trợ tôi 5 hoặc 10 nhân dân tệ không? (tương đương 17.000-33.000 đồng). Thậm chí là 2 nhân dân tệ (tương đương 6.000 đồng) cũng được".
Tuy nhiên, nhiều người khi đó gọi việc mở trường là một "giấc mơ không thực tế" và đáp lại những nỗ lực gây quỹ của bà là sự nghi ngờ, lăng mạ.
Không từ bỏ quyết tâm, bà tiếp tục dành toàn bộ kỳ nghỉ hè và nghỉ đông trong 4 năm tiếp theo để quyên góp tiền xây trường, nhưng bà cũng chỉ thu về được vẻn vẹn 10.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 33 triệu đồng). Đây là một số tiền quá nhỏ cho ước mơ xây trường dành cho nữ sinh của bà.
Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến khi bà được bầu làm Đại biểu Quốc hội nhờ sự cống hiến cho giáo dục ở nông thôn Trung Quốc. Ước mơ xây trường của bà được nhiều trang báo đưa tin, điều đó đã gây ra tiếng vang lớn khiến cho chính quyền tỉnh Vân Nam hứa đầu tư 60 triệu nhân dân tệ (tương đương 200 tỉ đồng) để xây trường nữ sinh Hoa Bình theo mong mỏi của bà.
Sang năm 2008, trường học được khánh thành và đón 90 em nữ sinh đầu tiên từ quận Hoa Bình và các địa phương lân cận. Để thúc đẩy việc gia đình đồng ý cho nữ sinh đi học, ngôi trường này đã miễn toàn bộ học phí cho mọi học sinh theo học tại đây.
Nhưng khó khăn không dừng lại ở vấn đề tiền bạc, bởi chất lượng học sinh của trường quá kém, các em mất kiến thức cơ bản trầm trọng, động lực học tập không có. Điều này dẫn đến số lượng giáo viên ban đầu có 18 người đã chỉ còn lại 8 thầy cô do quá chán nản với tình trạng của học sinh.
Vừa không có nhiều giáo viên, số lượng học sinh trong trường cũng rơi rụng dần vì không có quyết tâm học tập khiến ngôi trường này đứng trước nguy cơ giải thể. Nhưng với quyết tâm của mình, bà Trương cùng các đồng nghiệp đã quyết định đưa ra thiết quân luật trong trường, nhằm mục tiêu đưa các em học sinh tiến đến trình độ giáo dục cao nhất, có thể bước chân vào các trường đại học nổi tiếng.
Từ 5h20, bà Trương đánh thức học sinh bằng một chiếc loa. Các em được ăn trưa trong khoảng 10 phút và có chút ít thời gian để ngủ trước khi vào buổi học chiều. Mỗi tuần, các em được ra ngoài không quá 3 tiếng và nghiêm cấm để tóc quá dài.
Người phụ nữ 63 tuổi này không chỉ là hiệu trưởng, bà còn là người ăn, ngủ, học tập cùng các em học sinh. Đồng thời đây cũng là "bà mẹ sắt" với tính cách nghiêm nghị, luôn đưa ra những kế hoạch mạnh mẽ để giúp các em nữ sinh không chểnh mảng khỏi mục tiêu ban đầu.
Năm 2019 vừa qua, trường Hoa Bình đã đạt thành tích 109/119 học sinh đỗ vào các trường đại học trên cả nước, nhưng bà Trương vẫn chưa hài lòng và luôn muốn cố gắng đẩy chất lượng giáo dục lên cao nhất. Khi trả lời phỏng vấn về lý do cho sự cố gắng của mình, bà đáp vỏn vẹn: "Khi một cô gái được giáo dục tử tế, cô ấy có thể thay đổi cuộc đời của 3 thế hệ cùng lúc".
Cũng vì hết lòng cống hiến cho giáo dục mà sức khỏe của bà cũng không còn tốt, bà được chuẩn đoán mắc nhiều bệnh như viêm khớp, viêm phế quản và tăng huyết áp. Thế nhưng đối với bà, chỉ cần các em học sinh được nhận sự giáo dục tốt nhất thì tâm nguyện cả cuộc đời bà đã hoàn thành. Dù có là "bà mẹ sắt" đi chăng nữa, bà cũng sẽ mỉm cười mà đón lấy.