Du học Mỹ là lựa chọn của rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam. Với nhiều người, Mỹ là "miền đất hứa" với điều kiện giảng dạy hàng đầu cùng nhiều trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, đi kèm với những ưu điểm đó, mức chi phí học hành, sinh hoạt đắt đỏ cũng là yếu tố khiến nhiều phụ huynh, học sinh "chùn bước".
Theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam (Hà Lan), đồng thời là quản trị viên của Pathfinders - nhóm cung cấp thông tin về học bổng, du học, việc làm thì ngoài các ngành công nghệ và những bạn có tố chất để bám trụ ra (số này rất ít) thì cái giá phải trả ở Mỹ là quá quá cao.
Nhiều bạn vào trường tư xếp hạng cao, được trường giảm giá 50% học phí thì số còn phải trả vẫn "tròm trèm" trên dưới 30 ngàn USD/năm (hơn 700 triệu đồng), cộng thêm chi phí sinh hoạt thì mỗi năm bố mẹ cũng phải gánh 40-50 ngàn USD/năm (Khoảng 900 đến hơn 1 tỷ đồng).
"Mình đã dạy một số bạn trẻ du học Mỹ từ phổ thông và đại học rồi quay về Việt Nam học tiếp đại học quốc tế trong 2 năm dịch Covid-19. Tuy số này không nhiều, nhưng mình quan sát thấy các bạn cũng không vượt trội gì, cả về tư duy, kiến thức và kỹ năng so với em học phổ thông tại Việt Nam. Tất nhiên trong số các bạn du học ở Mỹ từ phổ thông cũng có những bạn rất khá. Nên mình chỉ đưa ra quan sát trên mẫu nhỏ mà mình đã tiếp xúc, chứ không kết luận.
Ở bậc phổ thông và đại học thì học ở trường trung bình thôi cũng được, bản thân vẫn là chính. Những gì mà sinh viên học trên giảng đường chỉ nên chiếm 20-30% những gì bạn cần học thôi. Nếu bạn chỉ trả bài cho qua môn thì bỏ một mớ tiền du học hơi phí. Nếu bố mẹ chỉ nhăm nhăm cày cuốc, trả một mớ học phí quá đắt cho con, mà bản thân bạn trẻ không nỗ lực tận dụng những lợi thế của trường lớp, môi trường xã hội thì cũng bằng thừa", TS Khanh cho biết.
Theo TS, từ trước đến nay, nhiều người quá chú trọng, đổ xô tìm các cơ hội du học ở Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand là các nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa. Với vị thế của ngôn ngữ tiếng Anh, các nước này đã đẩy học phí đại học lên quá cao. Nhiều bạn trẻ Việt Nam ngày nay nai lưng ra học tiếng Anh, lấy GPA cao và cố gắng xây dựng hồ sơ cá nhân để xin học bổng. Nhưng không phải bạn nào cũng có đủ sức xây dựng một hồ sơ long lanh để giành được học bổng, nhất là ở bậc đại học.
Trong khi đó, chị Khanh chia sẻ, học phí toàn phần trung bình ở đại học tại Hà Lan là 8-12 ngàn euro/năm (khoảng hơn 200 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng), chỉ cần hồ sơ khá là đã được nhận, chẳng cần phải có những hoạt động ngoại khóa hay giải thưởng long lanh.
Nói như vậy không có nghĩa là các trường ở châu Âu không đẳng cấp. Chẳng hạn trường Erasmus University Rotterdam có ngành kinh tế, kinh doanh đứng top 10 thế giới; MBA đứng top 15 thế giới; ngành phẫu thuật đứng top 11; ngành bệnh truyền nhiễm đứng top 13; ngành miễn dịch học đứng top 28; ngành khoa học thần kinh và hành vi đứng top 35, và ngành tâm lý, tâm thần đứng top 74 thế giới.
Với ngay cả sinh viên EU thì du học Anh, Mỹ cũng quá đắt, vì vậy Hà Lan là lựa chọn số 1 vì các trường ở đây cũng hầu hết dạy bằng tiếng Anh. Sỹ số sinh viên Hà Lan dao động từ 30-50%, phần còn lại là các bạn đến từ nhiều khu vực khác nhau trên toàn thế giới. "Nhiều khi mình cảm giác trường mình đang làm việc tại Hà Lan còn có môi trường đa văn hóa hơn trường mà mình học thạc sỹ ở Anh cách đây 20 năm và tất nhiên là quốc tế hơn trường mà mình đã làm nghiên cứu sinh ở New Zealand", TS Khanh nói.
Các nước như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Italy học phí tại đại học công lập cho sinh viên quốc tế trung bình là zero hoặc cũng chỉ vài ngàn euro/năm. Bạn nào có sức cày tiếng Đức thì còn được học hầu như miễn phí ở Đức. Lúc này chi phí sinh hoạt lại là khoản lớn hơn học phí.
Bạn trẻ có thể đi làm để gánh một phần sinh hoạt phí. Bạn nào giỏi giang thậm chí có thể tự đi làm và lo được chi phí sinh hoạt cho bản thân, cha mẹ chỉ cần cho 10-12 ngàn euro năm đầu để chứng minh tài chính, và số tiền này để bạn trang trải lúc mới sang, hoặc "dằn túi" phòng thân.
Ở Châu Âu, sau khi tốt nghiệp, cốt là bạn xin được việc, đi làm đóng thuế 5 - 8 năm là có cơ hội định cư, chứ không phải trải qua hành trình gian khổ 10-15 năm, mà nhiều khi phải phụ thuộc vào may rủi như ở Mỹ.
"Nhiều năm qua đã có nhiều bạn trẻ Mỹ sang Châu Âu du học với mức học phí vừa phải, để khỏi phải è cổ ra trả nợ học phí trong mấy mươi năm cuộc đời. Vậy cớ sao gia đình trung lưu Việt Nam phải khổ sở bon chen bằng được sang Mỹ?
Nhà giàu hay các học sinh siêu sao thì tất nhiên nhắm Mỹ là điều dễ hiểu, nhưng gia đình trung lưu cần biết thêm các lựa chọn và nắm bắt cơ hội trong tầm tay. Cơ hội vẫn luôn hiện diện, luôn ở đó, chỉ là bạn và gia đình đã biết cách tìm kiếm và chuẩn bị điều kiện để đón nhận hay chưa mà thôi", TS Khanh cho biết.