Đối với những gia đình nông thôn nghèo ở Trung Quốc, nếu con cái được vào học ở những trường đại học danh giá thì không chỉ thay đổi số phận của đứa trẻ mà còn có thể thay đổi vận mệnh của cả gia đình.

Song, cuộc đời không phải lúc nào cũng đi theo điều ta muốn. Như trường hợp của Lưu Hán Thanh, người từng được mệnh danh là "thiên tài toán học" hiện nay phải sống trong căn nhà xập xệ, thất nghiệp, không vợ con, với mức trợ cấp 400 tệ (khoảng 1,3 triệu đồng) mỗi tháng.

Cậu bé thần đồng

Lưu Hán Thanh (sinh năm 1964) sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường ở Thái Châu, Giang Tô. Từ bé, cậu đã tỏ ra thông minh khác thường như khả năng tính toán cực nhanh, thuộc lòng tất cả những cuốn sách kinh điển đã đọc nên nổi tiếng với biệt danh thần đồng.

Cố chấp sống bám vào hào quang quá khứ, 'thiên tài toán học' Trung Quốc nhận về bi kịch cuối đời: 60 tuổi cô độc không vợ con, phải dựa vào trợ cấp 1,3 triệu mỗi tháng- Ảnh 1.

Lưu Hán Thanh khi còn trẻ

Dù gia đình không giàu có nhưng cha mẹ cậu rất coi trọng việc học hành của Lưu. Sau khi nhận thấy con mình khác biệt, họ đã đưa anh đi kiểm tra trí thông minh. Đúng như dự đoán, kết quả kiểm tra cho thấy Lưu Hán Thanh có chỉ số IQ vượt trội và cực kỳ tài năng trong toán học.

Năm 1980, khi chỉ mới 16 tuổi, cậu trúng tuyển chuyên ngành xử lý nhiệt, học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân với số điểm gần tuyệt đối 398,5/400. Năm đó, cả Trung Quốc có tổng cộng 3,33 triệu người dự thi đại học nhưng chỉ có 280.000 người trúng tuyển.

Lưu Hán Thanh trở thành niềm tự hào của người dân quê. Ở thời điểm đó, trước khi các trường đại học mở rộng tuyển sinh, việc vào được một trường cao đẳng đã là điều đáng ghen tị chứ đừng nói đến việc vào đại học.

Cha ông mở tiệc mời cả làng. "Không ngờ một con phượng hoàng vàng lại có thể bay ra khỏi thôn nhỏ của chúng ta", trưởng thôn khi đó phát biểu. Cả làng đưa Lưu đón thuyền sang sông đi học đại học trong tiếng cồng chiêng ồn ào. Mọi người đều tin rằng, chàng trai trẻ này sẽ thành đạt trong học tập, có tương lai thịnh vượng, mang lại nhiều vinh quang và đóng góp cho gia đình, quê hương, đất nước. Bản thân Lưu Hán Thanh cũng nghĩ như vậy.

Những biến cố cuộc đời

Lưu là sinh viên nhỏ tuổi nhất trong lớp nhưng với tài năng và sự chăm chỉ, kết quả học tập của anh luôn đạt thứ hạng cao nên các giảng viên trong trường đều rất yêu quý.

Cố chấp sống bám vào hào quang quá khứ, 'thiên tài toán học' Trung Quốc nhận về bi kịch cuối đời: 60 tuổi cô độc không vợ con, phải dựa vào trợ cấp 1,3 triệu mỗi tháng- Ảnh 2.

Ở tuổi 60, Lưu Hán Thanh sống cô độc trong ngôi nhà xập xệ

Mọi thứ cứ thế trôi đi trong yên bình cho đến năm thứ 3 đại học. Một ngày nọ, anh đến thư viện tìm kiếm thông tin như thường lệ và vô tình nhìn thấy bài báo đã thay đổi cuộc đời anh - Giả thuyết Goldbach của nhà toán học nổi tiếng Christian Goldbach.

Giả thuyết Goldbach do nhà toán học người Đức Christian Goldbach (1690-1764) nêu ra vào năm 1742 trong một lá thư gửi tới Leonhard Euler, là một trong những bài toán lâu đời và nổi tiếng còn chưa giải được trong lý thuyết số nói riêng và toán học nói chung.

Vốn được biết đến là "thiên tài toán học", Lưu tất nhiên đã bỏ tất cả các môn học chuyên ngành để ngày đêm nghiên cứu giả thuyết này. Mỗi ngày Lưu chỉ ngủ hai tiếng rồi ở lì trong thư viện. Nhà trường tạo điều kiện cho cậu sinh viên làm việc vặt ở khoa Toán đồng thời yêu cầu các giảng viên quan sát và xem xét kết quả nghiên cứu.

Nhưng các giảng viên Toán nhận thấy phương pháp suy luận của Lưu có vấn đề, không có cơ sở ngay từ đầu. Lưu không quan tâm đến nhận định của các giảng viên, cố chấp với phương pháp riêng.

Thành tích môn chuyên ngành của Lưu cũng tụt sâu. Trưởng khoa và cố vấn nhiều lần giục anh tập trung cho môn chính nhưng không được. Cuối cùng, Lưu không thể tốt nghiệp.

Cố chấp sống bám vào hào quang quá khứ, 'thiên tài toán học' Trung Quốc nhận về bi kịch cuối đời: 60 tuổi cô độc không vợ con, phải dựa vào trợ cấp 1,3 triệu mỗi tháng- Ảnh 3.

"Hán Thanh rất thông minh, thành tích hai năm đầu đại học rất xuất sắc. Nhưng từ khi bị ám ảnh bởi toán học, cậu ấy đã hoàn toàn bỏ qua các môn học chuyên môn", trưởng khoa nói với cha Lưu.

Không đành lòng nhìn viên ngọc sáng tan thành cát bụi, nhà trường đưa ra lời đề nghị giúp Lưu học lại một năm để tốt nghiệp. Tuy nhiên, anh quyết tâm đi theo con đường riêng của mình, nhất quyết đòi bỏ học để về nhà tập trung nghiên cứu toán học. Không còn cách nào khác, nhà trường chỉ có thể gửi điện tín báo cho bố mẹ cậu và đưa cậu về nhà.

Trở lại quê nhà, Lưu không tìm việc làm cũng không ra đồng với cha mẹ mà tiếp tục nghiên cứu. Cha mẹ ban đầu ủng hộ và tin tưởng con trai, nhưng thời gian trôi đi, sức khỏe suy giảm khiến niềm tin của họ lung lay.

30 năm qua, Lưu viết được một bài báo khoa học duy nhất. Một người bạn giúp đăng lên mạng xã hội nước ngoài, nhờ các chuyên gia quốc tế nhận xét. Một tiến sĩ toán học Phần Lan cho biết có quá nhiều sai sót, không xứng là một bài báo khoa học.

Năm 2007, sức khỏe của Lưu ngày càng trở nên tồi tệ, không thể chịu được việc thức cả đêm để nghiên cứu. Năm 2008, một trường trong thị trấn mời Lưu Hán Thanh về làm giáo viên tiểu học nhưng anh từ chối với lý do bị bệnh nặng.

Cố chấp sống bám vào hào quang quá khứ, 'thiên tài toán học' Trung Quốc nhận về bi kịch cuối đời: 60 tuổi cô độc không vợ con, phải dựa vào trợ cấp 1,3 triệu mỗi tháng- Ảnh 4.

Chỉ cần 1 chiếc bánh bao và chai nước là đủ giúp Lưu Hán Thanh yên tâm nghiên cứu mỗi ngày

Lưu sống trong ngôi nhà cũ đổ nát, chỉ còn một ngọn đèn trong bếp, không có đồ đạc gì đáng giá. Ông buộc phải nộp đơn xin trợ cấp sinh hoạt mỗi tháng 400 tệ (khoảng 1,3 triệu đồng). Mỗi ngày, ông ăn bánh bao khi đói, uống nước lạnh khi khát. Tất cả những gì Lưu cần là toán học và nghiên cứu.

Năm 2017, bạn học cũ biết về tình cảnh của Lưu đã kêu gọi bạn bè và mạnh thường quân giúp ông sửa nhà, mua một chiếc điện thoại và đăng ký thuê bao Internet.

Những năm gần đây, khi ở tuổi 60 Lưu Hán Thanh vẫn ở một mình, không vợ con, sống nhờ vào tiền trợ cấp sinh hoạt. Thi thoảng ông làm ruộng để có thu nhập.

Có lần, phóng viên hỏi "Ông có nghĩ mình thành công không? Có bao giờ ông nghĩ đến việc thay đổi thực tại?". Lưu trả lời: "Thành công là gì? Có tiền, có sự nghiệp có nghĩa là thành công? Tôi nghĩ nếu học giỏi toán thì có thể gọi là thành công. Về phần mình, tôi không muốn thay đổi. Tôi không có của cải vật chất nhưng lại có tự do tinh thần", ông nói.

Câu chuyện của Lưu Hán Thanh xuất hiện trên mạng xã hội gần đây gây nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng ông "có vấn đề", nhưng người khác lại tiếc nuối cho sự kiên trì của Lưu, khen ông không quan tâm danh lợi mà tập trung nghiên cứu hàng chục năm, xứng là học giả.

Theo Sohu