Con tôi năm nay vừa tròn 4 tuổi, bé rất quậy và đã đi học mẫu giáo. Hiểu áp lực của các cô nên tôi chưa bao giờ đề nghị các cô phải đặc biệt ưu ái con mình. Tôi chỉ cần con đến lớp chơi thật vui với các bạn. Tôi đã gửi trọn niềm tin ở các thầy cô, cho đến khi con tôi khóc ròng trong lúc tắm và nói rằng bé bị đau ở vùng kín, là cô giáo nhéo. Nhìn vết đỏ tấy ở vùng kín của con, tôi rất lo và âm thầm theo dõi. Vài ngày sau, bé tiếp tục kêu đau và nói rằng cô nhéo con đau lắm, tôi đã không thể thờ ơ được.
Khi một đứa trẻ nói với ba mẹ rằng hôm nay đi học bé bị cô đánh rất đau, nhìn thấy vết bầm trên cơ thể con, rất nhiều ba mẹ đã lập tức làm ầm trên mạng xã hội rằng cô A. ở trường B. đã bạo hành con họ như thế nào mà không điều tra cặn kẽ. Tôi không như vậy. Tôi theo dõi vết thương của con, mỗi ngày lại chọn một thời điểm thích hợp để hỏi chuyện con, theo dõi nét mặt của con khi đến lớp và tan học. Tất nhiên, tôi theo dõi camera rất thường xuyên. Nhưng camera không thể ghi hình trong toilet và tôi cũng chẳng có cả ngày rảnh rỗi để dán mắt vào màn hình điện thoại.
Tôi chỉ biết hỏi chuyện con, lặp đi lặp lại những câu hỏi cũ: "Hôm nay cô có nhéo con không? Cô nhéo ở đâu? Cô nhéo như thế nào? Tại sao cô lại nhéo?". Cả trăm lần hỏi con và chỉ có một câu trả lời duy nhất: "Cô nhéo ở bẹn con, "con gà" của con, và ở cổ con. Cô nhéo vì con ói trong bữa ăn. Cô nhéo thế này này" (bé đưa đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái chụm lại minh hoạ) thì tôi chỉ chực khóc, vì thương con, vì cảm thấy có lỗi với con, vì hình như mình đã phát hiện quá muộn.
Ngay lúc ruột gan tôi cào lên như lửa đốt, tôi vẫn phải tự trấn tĩnh mình. Tôi nói chuyện với thầy phụ trách và hẹn thầy sáng mai nói chuyện. Tôi không muốn cô bị dồn tới chân tường, tôi không muốn thầy khó xử, nhưng tôi cũng không thể chấp nhận cách cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nếu những điều con tôi nói hoàn toàn là sự thật. Tôi vẫn muốn chọn cách đối thoại hợp lý nhất. Và cuối cùng, cô thừa nhận, vì một phút nóng nảy mà cô đã không kiểm soát được hành vi của mình. Nhưng đó đâu phải là "một phút"? Mà là rất nhiều lần. Cô làm tổn thương vùng da non và bộ phận nhạy cảm trên cơ thể một đứa trẻ, đó chỉ là hậu quả của "một phút nóng nảy" thôi sao? Hôm nay chỉ là vết đỏ tấy, thì ngày mai sẽ là gì, nếu tôi không kịp thời phát giác?
Tôi hiểu con mình. Bé rất quậy, rất lì và khó ăn. Tôi chưa một lần đề nghị với cô rằng cô phải làm cách nào đó để bé bớt quậy, bớt lì và ăn thật nhiều như những bé khác. Con tôi ăn thế nào cũng được. Con tôi quậy quá, các cô có thể mắng, phạt cảnh cáo, hoặc đánh vào tay bé hoặc mông bé ở mức độ vừa phải. Ở nhà, mỗi lần con quậy quá, tôi cũng mất kiểm soát nhưng cũng chỉ tét vào mông con. Tôi đã trải lòng với thầy cô, nói với thầy cô mong muốn của mình, rằng tôi chỉ cần con đi học thật vui với các bạn. Bé quậy lắm, các cô chịu khó vất vả một chút.
Tôi đã gửi trọn niềm tin ở các thầy cô. Vì tôi nghĩ rằng, điều đầu tiên khi gửi con đến lớp, là tôi phải tin tưởng các thầy cô. Chúng ta phải tin tưởng nhau. Niềm tin bây giờ là điều vô cùng đáng trân quý. Từ ngày gửi con đi học, chưa một lần tôi hỏi con rằng "Hôm nay cô có đánh mắng con không?". Tôi có cảm giác mình xúc phạm thầy cô nếu hỏi con những câu như vậy. Tôi chỉ luôn miệng hỏi con đi học có vui không, con có quậy phá hay đánh bạn không. Nhưng rốt cục tôi nhận lại được điều gì? Ai đã bóp vụn niềm tin ấy? Tôi đâu cần một lời xin lỗi hay một lời giải thích qua loa. Tôi chỉ muốn hỏi cô rằng: Tại sao cô không đánh vào mông mà lại chọn những vùng da nhạy cảm để trừng phạt bé? Cô cũng đã có con, nếu con cô đi học cũng bị cô giáo trừng phạt như vậy, cô sẽ cảm thấy thế nào?
Vì không có nghiệp vụ sư phạm, vì muốn con có bạn, vì muốn con vào nề nếp nên tôi mới quyết định gửi con đến trường. Tôi tin các thầy cô có đầy đủ kĩ năng để chăm sóc và dạy dỗ bọn trẻ, ở một khía cạnh nào đó thậm chí còn tốt hơn cả bố mẹ chúng. Tôi hi vọng thầy cô yêu con, và con cũng yêu thầy cô. Tôi chỉ cần con mình có tinh thần tốt. Nhưng điều tôi nhận lại được là cảm giác sợ hãi lẫn đau đớn của con. Con liên tục nói với tôi: "Cô dữ lắm. Cô không thương con. Cô làm con đau". Tôi đã khóc vì thương con và thương cả công việc của cô nữa. Cô có yêu công việc của mình không? Tại sao cô lại chọn gắn bó với công việc này? Công việc này, ngoài kĩ năng còn cần một trái tim yêu trẻ nữa. Cô có yêu bọn trẻ không?
Tôi chọn cách đối thoại vì muốn cô hãy bình tâm nhìn lại mọi chuyện. Điều tôi cần lúc này không phải là tờ đơn xin nghỉ việc hay quyết định chuyển trường cho con. Tôi mong cô thành thật với chính mình: Liệu rằng, cô có đủ yêu nghề và yêu con trẻ? Tôi không muốn con tôi hay bất cứ đứa trẻ nào khác tiếp tục bị tổn thương. Tôi càng không muốn thấy cô hay bất cứ giáo viên nào cảm thấy bế tắc với nghiệp mình đã chọn. Chúng ta giải quyết ức chế cá nhân bằng cách làm đau một ai khác, chẳng phải là chúng ta đang bế tắc hay sao? Nghề giáo hay bất cứ nghề nào trong xã hội này cũng đều là nghề cao quý, chỉ cần chúng ta không đánh rơi trái tim mình, dù trong giây phút ngắn ngủi.