Đám cưới là ngày trọng đại, ngày vui nhất của cuộc đời nên bất kỳ ai trên thế giới này cũng muốn có sự hiện diện của những người thân yêu nhất trong gia đình. Nhưng với cô gái này, sự xuất hiện của chị gái sẽ là nỗi lo lắng và cô muốn loại trừ hoàn toàn chị gái mình ra khỏi cuộc vui.
Lý do là gì?
"Chị ta luôn chiếm spotlight của tôi"
Sự ganh đua, ghen tị hay tị nạnh giữa anh chị em trong một gia đình dẫn tới cãi vã là chuyện không còn xa lạ ở bất kỳ đâu, mức độ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào cách dạy dỗ của người lớn.
Và khi nói đến mối quan hệ giữa các anh chị em ruột, các nhà tâm lý cho biết sự ghen tị thường nảy sinh trong những gia đình có 1 trong các con mắc bệnh mãn tính hoặc khiếm khuyết vì khi đó, đứa trẻ kém may mắn thường được chú ý nhiều hơn.
Đó là tình huống mà cô dâu trong câu chuyện này gặp phải với Anna, người chị mắc bệnh mãn tính của mình, người liên tục chiếm lấy sự chú ý trong gia đình họ. Cô dâu đã chia sẻ câu chuyện của mình và chị gái lên diễn đàn Reddit để xin ý kiến cư dân mạng và tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi.
Theo lời kể của cô dâu, Anna phải ra vào bệnh viện liên tục sau khi mắc bệnh ung thư khi còn là một thiếu niên. Thời gian đầu, khi mọi sự quan tâm trong gia đình đổ dồn vào Anna, sự oán giận của cô dâu đối với chị gái có vẻ bị xem là nhỏ nhặt, ích kỷ, trẻ con và thậm chí là "không thể tha thứ được".
Nhưng như đã tiết lộ trong bài đăng trên Reddit của mình, cô thực sự có rất nhiều lý do để nghĩ rằng Anna thực sự sẽ chiếm hết mọi sự chú ý, và điều đó khiến nhiều người tự hỏi liệu có nhiều điều khác đang diễn ra ngoài cuộc chiến đấu về sức khỏe Anna không.
Cứ đến cột mốc quan trọng trong đời mình là chị gái lại "ốm"
"Kể từ khi chị gái tôi bị ung thư, mọi chuyện diễn ra rất khó hiểu", cô dâu viết. "Và bất cứ khi nào có sự kiện lớn, chúng tôi đều lo lắng về việc bệnh ung thư sẽ quay trở lại với chị ấy".
Mặc dù điều đó tất nhiên là điều đáng sợ đối với cả gia đình, nhưng thời điểm của những "lần bệnh tình tái phát" lại trở nên đáng ngờ.
"Lúc đầu, tôi nghĩ đó chỉ là do trùng hợp nhất thời, chọn sai thời điểm nhưng điều đó đã xảy ra rất nhiều lần khi tôi đạt đến những cột mốc quan trọng", cô dâu giãi bày. "Lễ tốt nghiệp của tôi, sinh nhật của tôi và ngay cả bữa tiệc đính hôn gần đây của tôi cũng bị phá hỏng khi Anna thông báo rằng chị ấy cần quay lại bệnh viện".
"Bất cứ khi nào chị ấy thông báo cần quay lại bệnh viện, cả gia đình tôi sẽ đổ xô đến bên chị ấy", cô dâu viết.
Cô khẳng định chắc nịch: "Và chắc chắn, đúng lúc đám cưới của tôi diễn ra, chuyện đó lại xảy ra. "Hôm nay tôi được mẹ thông báo rằng chị gái phải ngồi trên xe lăn. Chị ấy sẽ cần phải mang cả xe lăn đi dự đám cưới".
Với mong muốn tránh được những chuyện đã xảy ra nhiều lần trước đây, cô dâu nhờ bố mẹ báo cho người thân về tình trạng của Anna nhưng bị từ chối vì họ không muốn mọi người lo lắng. Vì vậy, cô dâu nói với bố mẹ rằng cô "đã nhận đủ phiền phức rồi" và không muốn Anna dự đám cưới của mình nữa.
Nhiều người thắc mắc liệu Anna có mắc chứng rối loạn giả tạo hay còn gọi là Hội chứng Munchausen hay không?
Tất nhiên, những khó khăn về sức khỏe của Anna là rất thực tế và nỗi lo lắng khi mắc bệnh ung thư ở tuổi còn quá trẻ cũng vậy.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy những người đánh bại được căn bệnh ung thư ở tuổi vị thành niên có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn đáng kinh ngạc là 57%, nguy cơ mắc chứng lo âu cao hơn 29% và khả năng mắc chứng rối loạn tâm thần cao hơn 56%.
Nhưng thật khó để không chú ý đến sự bất thường của Anna. Như một người bình luận: "Hoàn cảnh của cô ấy thật đáng buồn, nhưng rõ ràng là cô ấy đã lợi dụng nó và tiếp tục thao túng mọi người".
Loại thao túng này là một phần đặc trưng của rối loạn giả tạo về tình trạng sức khỏe tâm thần, thường được gọi là Hội chứng Munchausen (một dạng rối loạn tâm lý mà người mắc liên tục và cố tình hành động như mình bị bệnh về thể chất hoặc tinh thần mặc dù họ không thực sự bị bệnh).
Mặc dù rối loạn giả tạo thường đi kèm với rối loạn nhân cách, nhưng nó thường dựa trên sự thôi thúc đơn giản là tìm kiếm sự chú ý. Tuy nhiên, chứng rối loạn giả tạo vẫn rất hiếm.
Căn bệnh đe dọa tính mạng của Anna xảy ra trong thời thơ ấu, thật dễ hiểu tại sao cô lại rất cần sự quan tâm của gia đình đến vậy. Hoàn cảnh của cô có lẽ chỉ đơn giản như vậy.
Sau khi đọc bài viết, các thành viên diễn đàn Reddit đưa ra lời khuyên cho cô dâu rằng cô nên quyết định cho gia đình biết những cảm nhận của mình về tình trạng của Anna và yêu cầu họ luôn nghĩ đến cô khi đám cưới đến gần.
"Hy vọng rằng điều đó sẽ giúp cô có một đám cưới tập trung vào cô và chồng sắp cưới. Tất cả mọi người, dù xuất thân từ hoàn cảnh gia đình nào, đều xứng đáng được hưởng phút giây hạnh phúc vào ngày cưới", một người viết.
Nguồn: Yourtango