Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lợi dụng mê tín dị đoan để lừa gạt người khác

Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: "Bổ cau để đoán số" là hành vi nhảm nhí, mê tín dị đoan nên người phụ nữ này bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự là chuyện dễ hiểu.

Theo TS Đặng Văn Cường, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của mọi công dân. Tuy nhiên, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thì cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về luật tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản pháp luật có liên quan. Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo tuân thủ quy định pháp luật sẽ đảm bảo đời sống văn hóa tâm linh phong phú, sẽ làm cho xã hội văn minh, tiến bộ, hạn chế những nhận thức và suy nghĩ sai lầm về con người và cuộc sống.

"Sống ở đời ai cũng cần phải có niềm tin, gọi là tín. Tuy nhiên, niềm tin vào đâu, vào cái gì, mức độ tin như thế nào, niềm tin đó mang lại giá trị gì trong cuộc sống mới là câu chuyện đáng bàn. Nếu niềm tin đến mức mê muội, hành động và cảm xúc bị dẫn dắt bởi những điều mù quáng, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với quy luật tự nhiên thì đó là niềm tin xấu, là mê tín, có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống", luật sư nhận định.

Cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" Trương Hương đối diện mức án nào? - Ảnh 1.

Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Luật sư Cường phân tích, hành vi tuyên truyền, cổ súy cho niềm tin vào những điều mù quáng, vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không có thật, đi ngược với quy luật tự nhiên, không có căn cứ khoa học và không thể chứng minh được, là hành vi mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe, tiền bạc, thời gian, tính mạng cho cả cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Dưới góc độ pháp lý thì hành vi tuyên truyền cổ suý cho những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật. Những người thực hiện hoạt động bói toán, đồng cốt, cúng bái để kiếm sống là hành nghề mê tín dị đoan. Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan là vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người nào lợi dụng mê tín dị đoan để lừa gạt người khác, chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan, thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", TS Đặng Văn Cường phân tích.

Nhận 180 triệu đồng để cúng bán nhà

Theo tài liệu điều tra, ngày 6/12/2022, anh Trần Thế Xuân cùng mẹ đẻ là bà Vũ Thị Hằng (56 tuổi) đến nhà Hương ở phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) để xem bói, xem phong thủy và tìm hiểu về những khó khăn gia đình đang gặp phải trong cuộc sống.

Tại đây, cô đồng Hương "phán" nhà anh Xuân đang ở bị yểm bùa, trước cửa nhà có ma quỷ quấy phá… gây nên vận hạn của gia đình. Hương nói muốn giải quyết cần phải làm lễ giải tiến hình (tức phải có hình nhân thế mạng) di cung hoán số cho cả nhà và làm lễ để phù hợp hướng nhà, cúng bái bát hương.

Hương gợi ý anh Xuân làm lễ di cung hoán số, cầu bán được nhà, cầu bình an với giá 270 triệu đồng.

Khi anh Xuân trình bày hoàn cảnh gia đình không lo được số tiền đó, cô đồng này giảm giá xuống còn 180 triệu đồng, hứa cho anh Xuân làm chủ đài rồi dặn hôm làm lễ, nếu có ai hỏi phải bảo "đã đóng 300 triệu đồng".

Ngoài ra, cô đồng Trương Hương còn hứa hẹn đến ngày 28/12/2022, gia đình anh Xuân sẽ bán được nhà. Nhưng sau khi cúng lễ, chờ đến hết tháng 12/2022 vẫn không bán được nhà, anh Xuân làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Trương Thị Hương, gửi lên cơ quan công an.

"Như vậy, chưa có cơ sở khoa học nào có thể chứng minh việc cúng lễ sẽ khiến cho người có nhu cầu bán nhà có thể bán được nhà trong thời hạn mong muốn. Cô đồng này đã đưa ra thông tin gian dối về việc bỏ một số tiền ra để cúng lễ trong một thời hạn nhất định có thể bán được nhà để chiếm đoạt số tiền 180.000.000 đồng của nạn nhân. Đây là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản nên cơ quan điều tra khởi tố người phụ nữ này về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 2, Điều 174 bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật".

Cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" Trương Hương đối diện mức án nào? - Ảnh 2.

Trước đó cô đồng Trương Hương cũng từng bị xử phạt hành chính

Có thể đối mặt với mức án 7 năm tù

Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ ngoài nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền 180.000.000 đồng thì còn nạn nhân nào khác bị chiếm đoạt tài sản hay không, tổng giá trị tài sản mà người phụ nữ này đã chiếm đoạt của các nạn nhân trong quá trình thực hiện hoạt động mê tín dị đoan là bao nhiêu tiền để đánh giá tính chất mức độ hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời xác định hành vi của đối tượng này có chuyển sang khung hình phạt khác nặng hơn hay không.

Ngoài ra cơ quan điều tra sẽ làm rõ sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hành nghề mê tín dị đoan thì người phụ nữ này có tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hay không để xử lý về tội hành nghề mê tín dị đoan theo quy định tại điều 320 bộ luật hình sự.

Trường hợp bị kết tội về nhiều tội danh thì hình phạt sẽ là tổng hình phạt của các tội danh theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt mà bộ luật hình sự đã quy định. Còn trường hợp kết quả điều tra chỉ dừng lại ở một người bị hại và số tiền chiếm đoạt chưa đến 200.000.000 đồng thì bị can này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất là 7 năm tù.

Có thể thấy rằng thời gian gần đây hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng diễn ra rất phổ biến. Nhiều đối tượng đã sử dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền về các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người để chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan trên không gian mạng có sức lan tỏa nhanh chóng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, đến công việc, tâm lý, sức khỏe của nhiều người. Bởi vậy việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi mê tín dị đoan trên không gian mạng là cần thiết để đảm bảo văn minh an ninh an toàn mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định pháp luật.

Như vậy, với các đối tượng thực hiện hành vi có tính chất mê tín dị đoan, hành nghề mê tín dị đoan thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Kết quả xử lý đối với cô đồng này sẽ là bài học cho nhiều người khi dễ dàng cả tin vào những hoạt động đồng cốt, bói toán, nhảm nhí. Đồng thời, chế tài xử lý đối với đối tượng gây án sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng lợi dụng hoạt động mê tín tôn giáo tín ngưỡng để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan như một phương thức để kiếm sống gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội", TS Đặng Văn Cường, nhấn mạnh.