Chị Lê Thị Tươi - người phụ nữ 30 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội là 1 trong số đó. Sau 1 lần gặp gỡ, ấn tượng của tôi với chị Tươi không chỉ bởi những sản phẩm đậm chất nghệ thuật được làm từ mây - tre - cói - bèo mà còn bởi nguồn năng lượng tích cực, những giá trị đậm chất cộng đồng mà chị chia sẻ.
Nhân viên văn phòng hóa "cô đồng nát" thời 4.0
Cơ duyên khiến chị Tươi trở thành 1 bà chủ shop "Mắt Híp Decor" chuyên bán các sản phẩm thủ công từ mây - tre - cói - bèo có lẽ đã xuất hiện từ khi chị còn bé xíu. Xuất thân từ 1 vùng quê, nơi bà con làm nghề đan lát, thêu thùa rất nhiều lại có dịp học hỏi từ mẹ mình, chị Tươi sớm bén duyên với nghề thủ công.
"Sinh ra trong 1 gia đình nông nghiệp thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ngay từ 6 tuổi, mình đã theo mẹ rong ruổi trên các con đường để lấy cói về đan đệm ghế. Nghĩ lại thời đó thấy cực quá, đạp xe xa xôi, 9-10 cây số tính ra ngày công chỉ được 3-4 nghìn đồng.
Mình học hỏi từ mẹ khi mới 6 tuổi nên rất yêu thích nghề này mặc dù nó vất vả và giá trị kinh tế không cao. Quê mình bà con làm đan lát thêu thùa nhiều lắm, nên có lẽ vì thế mà thành ra cái duyên với nghề" - bà chủ 30 tuổi tâm sự.
Lớn lên với mây, tre, cói, bèo, chị Tươi không chỉ được rèn giũa các kỹ năng mà còn thỏa sức sáng tạo làm nên các thành phẩm của riêng mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Tươi trở thành nhân viên văn phòng như bao người khác. Dù thu nhập ổn định, môi trường thân thiện, cấp trên tốt tính, chị Tươi dường như vẫn đau đáu niềm đam mê với nghề thủ công.
Biến cố lớn nhất trong cuộc sống của chị Tươi có lẽ là khoảng thời gian bố mắc bệnh hiểm nghèo. Tới khi bầu 8 tháng, sắp sinh, chị Tươi phải đón nhận nỗi đau, sự mất mát lớn lao từ sự ra đi của bố.
Nỗi đau tinh thần đè nặng, chị Tươi còn phải đối mặt với khó khăn về kinh tế vì thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Áp lực tài chính đè nặng lên đôi vai, người phụ nữ 30 tuổi phải tự tìm ra "lối thoát" trong cuộc sống.
Đầu tháng 4 năm 2020, người phụ nữ 30 tuổi quyết định bắt đầu bán hàng online mây - tre- cói - bèo vì niềm đam mê nghề thủ công lại trỗi dậy. Chị Tươi cũng quyết định nghỉ làm nhân viên văn phòng, theo đuổi niềm đam mê thuở nhỏ. Có gần 23 năm lớn lên cùng mây, tre, chị Tươi hào hứng trong con đường khởi nghiệp, quyết tâm theo đuổi nghề thủ công này tới cùng.
Chị Tươi tự nhận mình là "cô đồng nát" vì bên cạnh lúc nào cũng toàn là mây, tre… Từ nhân viên văn phòng dám bỏ hẳn công việc và theo đuổi đam mê, giữ gìn nét đẹp của nghề thủ công truyền thống, chị Tươi chưa bao giờ hối hận.
Khởi nghiệp với 5 triệu đồng
Bắt đầu khởi nghiệp, 2 vợ chồng chị Tươi vay mượn để bán hàng với số vốn là 5 triệu đồng. Đây cũng là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, cách ly toàn xã hội, chị đã tập tành học bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, học thêm về chụp ảnh sản phẩm, cách trang trí sản phẩm và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng lúc đó.
Khi mới bắt đầu, vì định hướng sai tệp khách hàng nên bà chủ shop "fail toàn tập". Lô hàng chị đặt riêng để bán đã không tiêu thụ được ở thị trường thời điểm đó. Điều này trở thành bài học để chị Tươi tìm tòi, học hỏi nhiều hơn về cách định vị khách hàng, cách bán hàng hiệu quả.
Những ngày đầu mày mò bán hàng, có khách tìm tới qua bài đăng Facebook, chị Tươi vừa làm vừa tranh thủ đi ship. Khi mới bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử, chị loay hoay vì không biết đăng thế nào cho đúng. Dần dà, mỗi ngày nỗ lực thêm 1 chút, chị làm quen với từng kênh bán hàng và trở nên thuần thục.
Hiện chị Tươi không chỉ bán hàng tại shop mà còn hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Sau 3 năm khởi nghiệp, hiện tại bà chủ 30 tuổi không chỉ phục vụ khách hàng Việt Nam yêu mến các sản phẩm thủ công mà còn tiếp cận thị trường nước ngoài. Chia sẻ về việc này, chị Tươi cho hay: "Mình đăng các bài bán hàng trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo. Người nước ngoài khi đó cũng sử dụng Facebook nhiều lắm nên lượt tiếp cận cao hơn".
Hiện tại, xưởng sản xuất của chị chỉ gồm 5 nhân sự cố định, đa số mọi người nhận hàng về nhà làm, làm xong sẽ mang qua xưởng để kiểm tra lại sản phẩm. Sau 3 năm, bà chủ shop mây - tre - cói - bèo đã tạo điều kiện cho 1 số bà con có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Chia sẻ về ý tưởng decor để đồ thủ công trở nên bắt mắt, phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ, chị Tươi tâm sự: "Mình tham khảo rất nhiều từ thời trang, màu sắc trend mỗi năm, mỗi mùa. Bên cạnh đó, mình tham khảo tone màu sắc, hoạ tiết của nước ngoài để áp dụng vào các sản phẩm của mình theo những phụ liệu, phụ kiện có sẵn".
Bằng sự sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc, các sản phẩm của chị Tươi tiếp cận cả đối tượng khách hàng là các cô, các bác lẫn giới trẻ. Sáng tạo các sản phẩm phù hợp với nhiều độ tuổi là cách chị Tươi gặt hái thành tựu trên con đường khởi nghiệp.
Thu nhập không cố định, có khi lên tới 150 triệu đồng/tháng nhưng vẫn là… thứ yếu
Bỏ công việc văn phòng về kinh doanh, làm chủ nhưng chị Tươi còn… vất vả hơn xưa. Chị không ngủ đủ 8 tiếng/ngày, mỗi ngày làm việc 17, 18 tiếng, có khi làm tới 20 tiếng mới nghỉ ngơi.
Thế nhưng dẫu vất vả, chị Tươi vẫn hài lòng với những gì mình đang có và con đường đang đi. Chia sẻ về thu nhập có được từ công việc kinh doanh, chị Tươi tự hào: "Mục đích mình kinh doanh không phải vì kiếm nhiều tiền. Thu nhập mỗi mùa khác nhau, có tháng 10 triệu, có tháng 30, 50, 60 triệu, tháng lại lên tới 150 triệu nếu mình ký được hợp đồng xuất khẩu.
Mình không đặt nặng vấn đề về thu nhập, có nhiều thì mình vui, mình chia sẻ được với nhân viên, với bà con. Có ít thì cũng không sao, miễn đủ nuôi con ăn học là vui rồi".
Thẳm sâu trong suy tư của bà chủ 30 tuổi không phải là thu nhập. Chị miệt mài kinh doanh bởi đam mê trỗi dậy, ngày nào cũng nuôi dưỡng và gìn giữ niềm yêu thích đồ thủ công. Không chỉ vậy, được cùng bà con, các nhân viên làm đồ thủ công là niềm vui mỗi ngày của chị.
Bà chủ shop tìm ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người dùng, mong muốn sẽ khắc phục được các hạn chế của đồ thủ công mây - tre - cói - bèo: "Trong tương lai, mình sẽ phát triển thêm một số sản phẩm mới kết hợp giữa đồ gỗ và mây tre với nhau, sản xuất ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao cũng như thích hợp với thời tiết mùa nồm ẩm của Miền Bắc nhiều hơn so với cói bèo".
Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, chị Lê Thị Tươi luôn mong muốn lan tỏa động lực, năng lượng tích cực đến với người xung quanh. Giá trị thực sự chị mang đến cho cộng đồng không chỉ ở sản phẩm thủ công xinh xắn chứa đầy tâm huyết mà còn nằm ở bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi đam mê.
Mỗi ngày, chị Tươi đều sống trọn đam mê của bản thân và mong muốn lan tỏa nguồn động lực, cảm hứng ấy tới cộng đồng. "Kinh doanh không hề dễ dàng như mọi người nghĩ, có khi còn không có thời gian dành cho con cái gia đình nhiều như đi làm công việc khác. Nhưng đổi lại, mình vui vẻ hơn, hạnh phúc khi được làm công việc có ý nghĩa cho cộng đồng".
Ảnh: NVCC