Chiều 17-2, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (21 tuổi, ở Hà Nam) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, co giật mạnh, chân tay co quắp, nôn nhiều...
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu hồi sức, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch liều cao, lọc máu, kiểm soát co giật.
Bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất Fluoroacetate. Đáng chú ý, đây là loại thuốc diệt chuột đã bị cấm cách đây hàng chục năm.
"Mặc dù đã bị cấm lưu hành trên thị trường nhiều năm nhưng hiện nay người dân có thể mua các loại thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, hay từ các xe bán hàng rong, đến các quầy bán đồ gia dụng, thú y, hay vật dụng làm vườn một cách rất dễ dàng. Việc sử dụng không an toàn, tràn lan, rất dễ gây ra ngộ độc" - bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Loại thuốc diệt chuột bệnh nhân đã uống
Các bác sĩ khuyến cáo khi mua hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc diệt chuột) phải mua ở quầy kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký. Chỉ mua các sản phẩm có đăng ký lưu hành trong nước và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua phải có đầy đủ thông tin rõ ràng về hóa chất.
Sử dụng hóa chất diệt chuột phải xa và cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, xa trẻ em (trẻ em không thể với tới hoặc mở ra được). Gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc lẫn lộn thì không nên để các hóa chất độc trong khuôn viên nhà ở. Không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình...