Bác sĩ Lâm Bình Diễm, khoa Da Liễu, Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) cho biết thời gian gần qua tuần nào nơi đây cũng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đến khám khi cơ thể tổn thương vì độc của một loài côn trùng.
Khoa Da liễu, Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM).
Mắt sưng, da bị rát vì loài côn trùng có độc mang tên kiến ba khoang
Mới nhất là trường hợp của cô gái tên Trang (26 tuổi, tên đã thay đổi) một công nhân làm việc tại địa phương đến khám với bệnh cảnh tổn thương ở bụng và mí mắt. Cô gái cho biết khi ngủ dậy đã phát hiện tình trạng trên, không hề biết lý do vì sao.
Một phụ nữ bị bỏng rát da vì độc trong kiến ba khoang.
Tiến hành thăm khám, bác sĩ thấy mi mắt dưới bệnh nhân bị sưng, có vạch đỏ dưới thân người. Kiểm tra kỹ hơn, nhân viên y tế xác định nữ cô gái đã bị tổn thương vì độc của loài kiến ba khoang.
Bệnh nhân được cho uống thuốc kháng dị ứng để giảm tình trạng đau rát và thuốc thoa làm dịu da, có kháng sinh và corticoid đi kèm. Vì tình trạng vẫn chưa nặng nên theo bác sĩ, khoảng 3-7 ngày da của cô gái sẽ lành.
Cơ thể của trẻ nhỏ còn nguy cơ hơn người lớn.
Chân dung của loài côn trùng có độc kiến ba khoang
Theo bác sĩ Diễm, thời điểm mùa hè và những ngày bắt đầu mưa ở TP.HCM là lúc một loài côn trùng có độc tên khoa học là Paederus (hay kiến ba khoang) xuất hiện nhiều.
Kiến ba khoang - loài côn trùng chứa chất độc gây hại cho nhiều người lớn, trẻ nhỏ
Paederus có mình dài, kích thước 1,5-20 mm, màu đỏ nâu, hơi giống kiến. Dân gian gọi côn trùng này bằng nhiều tên khác nhau như kiến ba khoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít…
Chúng tiết ra chất pederin, có độc tính gây bỏng, khi tiếp xúc trên da người gây phản ứng viêm da bóng nước.
Những tình huống làm cho bệnh nhân mắc bệnh là khi đang làm việc, ngủ bị côn trùng rơi vào cổ, mặt hay vùng da hở trên thân mình. Bệnh nhân vô ý quẹt tay hoặc đập nát côn trùng gây viên da bóng nước.
Một trường hợp khác là khi côn trùng bám vào khăn mặt, mắt kính, quần áo... bệnh nhân không chú ý nên để da tiếp xúc vào.
Căn bệnh dễ bị nhầm thành giời leo
Biểu hiện của việc da bị nhiễm độc kiến ba khoang là các thương tổn thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay chân.
Ban đầu, bệnh nhân sẽ thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ da nhẹ. Sau 6-12 giờ, vùng da đỏ nhiều, thành vệt hay đường, hơi phù nề và có thế có mụn nước, mụn mủ.
Da có các vệt đỏ, phù nề nhỏ là biểu hiện đầu tiên.
Lúc này, bệnh nhân thường cảm thấy đau, rát, có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch. Nếu thương tổn gần mắt có thể gây sưng cả 2 mắt.
Ngoài ra, việc nhiều người còn lầm tưởng bị giời leo (zona) nên tự đi mua thuốc hoặc đi thầy phán sẽ làm cho vết thương trầm trọng hơn.
Vì thế bác sĩ khuyên khi mắc bệnh, nên tránh làm cho thương tổn lây lan sang vùng da khác và không tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí thích hợp.
Tùy mức độ nặng nhẹ của thương tổn, bệnh nhân có thể điều trị với các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch màu, gel kháng sinh.
Nếu mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sình uống, thuốc gìảm đau hoặc cũng có thể dùng corticosteroid bôi hoặc uống.
Bác sĩ khuyên người dân không nên dùng tay không đập kiến ba khoang.
"Bệnh thường sẽ ổn sau 5-7 ngày. Có những trường hợp nặng, tổn thương da nhiều hơn, nhất là ở nếp tay chân sẽ khiến vết thương lâu lành, gây khó chịu cho bệnh nhân.
Người dân cần hạn chế đập kiến ba khoang, chỉ nên gắp ra và phải đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được xử trí đúng cách" - bác sĩ Diễm đưa ra lời khuyên.
Theo Bộ Y tế để phòng tránh kiến ba khoang bay vào nhà, người dân nên hạn chế mở cửa, làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nơi ở gần cây cối.
Tránh hoạt động dưới bóng đèn sáng vì đây là nơi thu hút kiến ba khoang xuất hiện.
Tập thói quen giũ kỹ khăn mặt, quần áo trước khi dùng.