* Dưới đây là những chia sẻ của cô Trần Dật Hiên (1989) đăng tải trên nền tảng Toutiao.

Tôi sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở thành phố Chư Kỵ, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Quê hương của tôi yên bình, không có những tòa nhà chọc trời, nhưng nó được bao phủ bằng núi xanh nước biếc, tiếng vang của chim và hoa lá.

Khi còn nhỏ, tôi sống trong căn nhà có sân nhỏ cùng ông bà. Tôi còn nuôi một chú thỏ và con mèo trong sân, ngày nào chúng cũng chạy ra chào đón mỗi khi tôi đi học về.

Thời điểm đó tôi còn nghĩ khi lớn lên, tôi muốn trở thành giám đốc sở thú hoặc người chăn nuôi, như thế tôi có thể dành thời gian ở bên những con vật khác nhau mỗi ngày. Tuy nhiên khi thời gian qua đi, tôi đã dần trưởng thành và lý tưởng sống cũng luôn thay đổi.

Khi là học sinh tiểu học, tôi không còn thời gian chơi với những con vật của mình. Từ đó, tôi lại chuyển hướng sang muốn trở thành giáo viên hoặc họa sĩ. Lên cấp 2, tôi lại mong ước trở thành luật sư hoặc phiên dịch viên. Và khi đỗ cấp 3, tôi còn muốn trở thành một nghệ sĩ. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, tôi kết hôn với người bạn trai đã yêu đương hơn 10 năm và có một cậu con trai kháu khỉnh. 

Những năm về sau, mọi thứ trong cuộc sống diễn ra theo đúng kế hoạch. Vợ chồng tôi sinh sống và làm việc chăm chỉ ở thành phố lớn. Chúng tôi có nhà và xe hơi, thử sức trong mọi công việc từ việc làm bán thời gian cho đến khởi nghiệp. Thế nhưng đôi lúc ngẫm lại cuộc đời mình, ngoài việc theo đuổi mong ước vật chất không giới hạn, tôi đã quên mất lý tưởng ban đầu của bản thân.

Sau vài năm sinh sống ở thành phố lớn, con trai tôi dần lớn lên. Tôi đã trở thành một người mẹ đi sớm về hôm, cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Áp lực công việc khiến tôi kiệt sức, chuyện học hành của con cũng trở thành nỗi ám ảnh của một người mẹ. Khi đó, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc bản thân có nên giảm bớt khối lượng công việc và dành thêm thời gian cho con cái hay không. Cũng từ đó, vợ chồng tôi bắt đầu đưa con về quê mỗi tháng, để đứa trẻ được ngắm nhìn sông núi, nói chuyện về thiên nhiên, văn học nghệ thuật và cả nhân sinh quan.

Cô gái 31 tuổi bỏ về quê sống và cải tạo ngoạn mục mảnh đất bỏ hoang thành trang trại  - Ảnh 2.

Tháng 5/2019, con gái thứ hai của tôi chào đời. Với hai người con, áp lực cuộc sống và công việc càng đè nặng lên vai, khiến tôi cảm thấy bản thân như bị mắc kẹt. 

Tình cờ một lần tôi đã bị thu hút bởi cuốn sách nói về khu vườn của Tasha Tudor - một họa sĩ vẽ tranh minh họa nổi tiếng người Mỹ. Trên mảnh đất hoang được cải tạo, Tasha Tudor đã xây dựng "khu vườn thần tiên" của riêng mình - nơi bà ấy kéo sợi, dệt vải, tự tay may quần áo và làm đồ thủ công, nuôi thú cưng và tận hưởng cuộc sống thanh bình.

Đọc xong câu chuyện, không biết lấy dũng khí từ đâu, tôi đã nảy sinh một ham muốn táo bạo. Đó là tôi sẽ rời bỏ vòng tròn xã hội bản thân đang sinh sống, tìm đến mảnh đất hoang ở quê, tự tay xây dựng nông trại để có một "khu vườn Tasha" của riêng mình.

Trong mắt bố mẹ, tôi vốn luôn là đứa con ngoan hiền. Họ không hiểu tại sao tôi lại nảy sinh quyết định "bỏ phố về quê", thậm chí còn cho rằng tôi đang bước vào thời kỳ nổi loạn ở tuổi 30. Tuy nhiên, may mắn là bố mẹ không ủng hộ nhưng cũng không phản đối kịch liệt dự định của tôi.

Tất nhiên, nếu muốn bỏ tiền tự xây nông trại của riêng mình, tôi cần sự ủng hộ từ "nửa kia". Khi tôi trình bày ý tưởng với chồng, anh chẳng những không phản đối còn nói với tôi: "Nếu em đã quyết tâm thì cứ làm. Nhưng đã làm thì phải làm cho tốt. Không được phép bỏ cuộc giữa chừng".

Sau khi có được sự đồng thuận từ chồng, tôi đã dành 3 năm để cải tạo từng chút một trang trại của mình. Tôi sơn tường, lát sàn gỗ, thay cửa sổ bằng kính chắn gió, làm giàn hoa bên cửa sổ bằng hoa dạ yến thảo và hoa phong lữ thảo. Ngoài ra, tôi còn làm một khoảng sân rộng ngay trước cửa, nơi gia đình tôi có thể đón không khí mát mẻ vào mùa hè.

Để làm cuộc sống tiện nghi hơn, chúng tôi đã đào giếng sâu, lắp đặt hệ thống ống nước và đào bể phốt. Từ mảnh đất bỏ hoang ban đầu, chúng tôi đã dọn dẹp và san phẳng mặt bằng, trồng thêm nhiều hoa và cây ăn quả, xây hàng rào, làm đồng cỏ, dựng lại lối đi bằng gạch đỏ... Đến mùa xuân năm 2020, lần đầu tiên tôi cảm nhận được sức mạnh của việc làm vườn, chứng kiến cảnh muôn loài hoa đua nhau khoe sắc.

Cô gái 31 tuổi bỏ về quê sống và cải tạo ngoạn mục mảnh đất bỏ hoang thành trang trại  - Ảnh 3.

Từ mảnh đất bỏ hoang ban đầu

Cô Trần Dật Hiên đã cải tạo chúng thành nhà ở và trang trại đáng sống

Trải qua hết 3 năm, tôi tự tay thiết kế, cải tạo nhà ở và trang trại, thuê thợ làm, tiêu tốn hàng triệu NDT nhưng thành quả nhận về vô cùng xứng đáng. Tôi đã hoàn thành việc đào ao, trải thảm cỏ lớn, trồng nhiều vườn cây ăn quả và nuôi những con vật nhỏ cho riêng mình. Theo thời gian, từ vùng đất hoang cũ, tôi đã có được một trang trại tự cung tự cấp cho riêng mình.

Đến tháng 5/2020, trang trại của tôi bỗng nhiên được nhiều người biết đến. Họ dã ngoại, nướng thịt, chụp ảnh checkin và biến nơi đây thành chốn nghỉ dưỡng. Sau khi cân nhắc kỹ, vợ chồng tôi quyết định mở cửa trang trại, thu phí tham quan và một số phí dùng dịch vụ khác. Điều này không chỉ giúp vợ chồng tôi kiểm soát số lượng khách tham quan mà còn tạo nguồn thu nhập cho gia đình.

Trong 4 năm vừa qua, từ một người nghiện công việc, không thể dành thời gian chăm sóc gia đình và con cái, tôi đã trở thành một "bà nội trợ" ở nông thôn, có thể kiếm tiền từ trang trại của chính mình.

Trang trại của cô Trần Dật Hiên đã trở thành điểm dã ngoại được yêu thích

Nhiều người đã nhắn tin hỏi tôi về cuộc sống sau khi bỏ phố về quê, tôi chỉ muốn nói rằng: Nếu bạn thực sự yêu thích, bạn có thể tự nuôi sống bản thân và tìm kiếm công việc ở vùng nông thôn. Mặc dù cơ hội việc làm sau khi chuyển về quê sẽ ít hơn nhưng chi phí để khởi nghiệp và phí sinh hoạt khá thấp. 

Ngoài ra, cuộc sống ở vùng quê tương đối yên tĩnh và thoải mái, bạn sẽ không còn thấy sự hối hả của chốn thành thị. Đây sẽ cách tốt để bạn chữa bệnh lo âu và tìm lại bản thân mình.