Tự phân bổ chi tiêu theo thu nhập cá nhân
Phân bổ chi tiêu giúp nắm rõ sự phân bố của dòng tiền, từ đó rút ra được những khoản chi không hợp lý để hình thành kế hoạch tài chính cho tương lai. Bằng cách dựa trên nhu cầu chi tiêu hàng tháng để chia nhỏ các khoản thu cho các khoản chi tiêu khác nhau.
Xây dựng một kế hoạch, đánh giá và làm theo kế hoạch đó để tránh sự chi tiêu quá đà sẽ giúp bạn thoát khỏi những rắc rối về tiền bạc. Đồng thời việc phân bổ chi tiêu một cách hợp lý sẽ cải thiện tình hình tài chính. Và để sử dụng nguồn tài chính một cách hiệu quả, quản lý chi tiêu là một kỹ năng cần thiết giúp thiết lập kế hoạch thu - chi hợp lý và khoa học.
Nhận biết rất rõ điều đó nên Hồng Trương (sinh năm 1994, hiện đang sống tại Bình Thuận) đã dành khá nhiều thời gian để tìm kiếm một phương pháp quản lý tài chính cá nhân phù hợp với bản thân.
"Cũng đã không biết bao nhiêu lần tôi nhận ra tháng này mình đã chi tiền quá lố với những món thật sự không cần thiết.
Và y như rằng cái vòng luẩn quẩn đó nó cứ lặp đi lặp lại không phân biệt tôi có nhiều tiền hay ít tiền.
Tôi đã áp dụng đủ cả những lời khuyên về 6 chiếc hũ tài chính, phương pháp quản lí tài chính thông minh,... nhưng đều chưa thực sự hài lòng. Nên tôi lùi lại một bước quyết định quan sát những khoản thu chi hàng tháng cá nhân trong vòng 3 tháng. Chỉ đơn giản là quan sát và ghi chép lại để có kết quả thật rõ ràng về những khoản chi nào là cố định, chi phí phát sinh, và có cần thiết hay không", Hồng Trương chia sẻ.
Cho tới hiện tại, thu nhập của Hồng Trương sẽ được chia thành các khoản để chi tiêu như sau:
- Khoản tiết kiệm (kế hoạch tự do tài chính dài hạn và nếu được dành một phần để đầu tư)
- Phí sinh hoạt (tiền nhà, điện nước, internet, xăng xe..)
- Tiền ăn uống (nấu ăn tại nhà và ăn ngoài)
- Cà phê (gặp gỡ bạn bè hay hội hè với công ty,...)
- Trau dồi kiến thức (mua sách, tài liệu nghiên cứu hay tham gia các lớp học)
- Đầu tư cho bản thân (món chăm sóc da, đồ dùng cá nhân)
- Cho đi (Biếu mẹ hoặc làm từ thiện)
- Kế hoạch ngắn hạn (mua máy ảnh, đồng hồ, đi du lịch một năm 2 lần)
- Phí phát sinh (khoản không thường xuyên xuất hiện)
Hồng Trương chia thu nhập của mình thành 9 khoản chi tiêu lớn để dễ dàng quản lý. Ảnh: NVCC.
Quan sát và điều chỉnh liên tục để tạo thói quen
Hồng Trương đặc biệt quan sát và điều chỉnh liên tục các khoản chi tiêu này để tìm ra đâu là công thức phù hợp nhất. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng thật khó để kiên trì. Nên đây là cách mà cô dùng để "vượt chướng ngại vật". Hồng Trương dùng app ghi chép chi tiêu trên điện thoại để theo dõi.
"Cố gắng đều đặn nhất có thể ghi chú lại tất cả và tổng kết lại mỗi tháng. Với tôi việc ghi chú không phải là để chi li từng tí một mà là để thức tỉnh bản thân có ý thức hơn trong việc chi tiêu. Từ lúc bắt đầu theo dõi, tôi cân nhắc nhiều hơn trong việc chọn mua một món đồ nào đó. Không mua đồ sale hay những món cảm thấy "giá hời" nhưng không thật sự cần. Đối với những món thích, sau khi đã cân nhắc nhiều lần mà vẫn muốn mua thì sẽ chọn mua nó.
Sau khoảng 3 tháng ghi chú thì tôi lại bắt đầu thấm mệt và việc này cũng bắt đầu thưa thớt dần. Tôi thấy có những khoản cứ lặp lại thì tại sao cứ phải ghi. Lúc này tôi phát hiện ngân hàng cũng có ứng dụng cho phép chia nhỏ những khoản chi theo diện đặt mục tiêu cụ thể. Đây cũng được coi như bước ngoặt, giải phóng tôi khỏi rất nhiều vấn đề nan giải", Hồng Trương chia sẻ.
Lúc này, Hồng Trương bắt đầu hệ thống lại chi tiêu, quy tất cả về một tài khoản ngân hàng. Cô chỉ có một là tiền mặt, hai là tài khoản trong một thẻ.
- Đối với những khoản cố định tháng nào cũng chi Hồng Trương sẽ rút tiền mặt ra từ đầu tháng. Tiền nhà, điện nước, nấu ăn,.. cho vào đó ngay từ đầu mỗi tháng. Tiền xăng xe, sửa xe, liên quan đến xe cộ có một khoản và cho vào một túi bỏ trong cốp xe. Chia nhỏ những khoản cần dùng tiền mặt và có chỗ riêng dành cho chúng.
- Đối với tài khoản thẻ. Quản lý nó thông qua app trên điện thoại. Thẻ của Hồng Trương đang dùng có mục Đặt Mục Tiêu. Hồng Trương áp dụng nó trong việc chia nhỏ những khoản tiêu dùng không thường xuyên (có thể là tháng 2 tháng mới dùng tới). Cô tích lũy tiền vào đó. Ví dụ Hồng Trương tạo một mục tiêu "Hiểu biết hơn". Khi nào cần mua sách hay đi học sẽ rút ra từ đây để dùng. Sẽ có trường hợp chi lố thì cô sẽ mượn từ khoản Phí phát sinh và trả nợ ngay khi có thể.
Hồng Trương áp dụng phương pháp này một cách từ từ để tạo thành thói quen chi tiêu hợp lý. Và thế là từ đó đến nay cô không phải ghi chú lại chi tiêu nữa nhưng vẫn kiểm soát được chúng.
Bài viết ghi lại từ chia sẻ của nhân vật.