Ngày nay, rất nhiều người trẻ tuổi gặp vấn đề đau mỏi, tổn thương ở cổ tay và bàn tay. Ngoài vận động thể lực quá sức hoặc sai cách thì làm việc quá lâu với bàn phím máy tính, lạm dụng điện thoại di động cũng là những nguyên nhân phổ biến. Tiểu Triệu (Trung Quốc) cũng là một trong số đó. Cô đã phải nhập viện điều trị viêm bao gân cổ tay sau 5 tiếng liên tục không rời chiếc smartphone của mình.
Tiểu Triệu năm nay 23 tuổi, đang là sinh viên một trường đại học tại Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc. Giống như rất nhiều bạn trẻ khác, điện thoại là vật bất ly thân với cô gái trẻ này. Ngay cả khi đang ăn, đi vệ sinh cô cũng khó để điện thoại xa khỏi tầm tay.
Ảnh minh họa
Gần đây, vì dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại nên việc học tập và làm thêm của cô bị ảnh hưởng. Có nhiều thời gian rảnh hơn khiến Tiểu Triệu càng dùng điện thoại nhiều hơn. Cô có sở thích cầm điện thoại liên tục 4 - 5 giờ mỗi ngày để lướt mạng xã hội và xem các video ngắn trên Douyin (nền tảng tương tự Tiktok ở Việt Nam).
Kết quả là ngón tay cái bên phải của Tiểu Triệu đột nhiên xuất hiện cảm giác khó chịu. Lúc đầu chỉ bị đau ở gốc ngón cái, mấy ngày sau thì cả ngón tay đều đau, cơn đau lan lên cả cổ tay kèm sốt nhẹ. Cô thậm chí không thể tự cầm đũa thìa để ăn cơm nên đành phải đến bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ Ngô Xuân Phong tại bệnh viện đa khoa Giang Tô (Trung Quốc) là người tiếp nhận và thăm khám cho Tiểu Triệu. Ông kết luận cô sinh viên trẻ bị viêm bao gân cổ tay và viêm bao gân gấp ngón tay cái. Nguyên nhân là do thường xuyên cầm và lướt điện thoại di động liên tục nhiều giờ.
Cảnh báo liệt ngón tay, nguy hiểm tính mạng từ viêm bao gân tay
Tiểu Triệu vô cùng hoảng hốt sau khi nhận được kết quả chẩn đoán. Cô không hề biết hành động dùng điện thoại nhiều giờ và liên tục dùng ngón tay lướt màn hình mang lại hậu quả nghiêm trọng như vậy. Nhất là khi bác sĩ Ngô cho biết bệnh này có thể gây liệt ngón tay hoặc thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.
Theo giải thích của bác sĩ Ngô, bao gân là một ống hoạt dịch khép kín giống như ống tay áo kép được bao bọc bên ngoài gân. Nó là một lớp vỏ hoạt dịch bảo vệ gân, khi gân và vỏ gân cọ xát với nhau nhiều lần, viêm bao gân sẽ phát triển từ từ.
Ông chỉ ra rằng những người liên tục thực hiện cùng một hoạt động với các ngón tay, cổ tay và thường xuyên tiếp xúc với nước lạnh dễ bị viêm bao gân hơn. Trước đây, điều này thường xảy ra nhất ở phụ nữ trung niên và cao tuổi, những người thường xuyên làm việc nhà, phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi thường sử dụng điện thoại di động và bàn phím lại là nguyên nhân khiến bệnh này tăng nhanh về số lượng và ngày càng trẻ hóa.
Bác sĩ Ngô cảnh báo rằng, bệnh viêm bao gân tay cần được phát hiện và điều trị sớm. Ở giai đoạn 1, 2 có thể dễ dàng kiểm soát, nhưng nếu bệnh phát triển đến giai đoạn 3, 4 sẽ bị rách, đứt gân gây đau đớn hoặc hoàn toàn không thể cử động được. Lúc này phải lập tức phẫu thuật, có khi không thể phục hồi được nữa.
Đặc biệt, nếu viêm bao gân xảy ra ở cổ tay mà không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm lan ra các khớp xung quanh. Từ đó gây cứng khớp, thậm chí là nhiễm trùng lan rộng có thể nguy hiểm tính mạng.
Rất may là Tiểu Triệu kịp đến bệnh viện ở cuối giai đoạn 2 nên có thể điều trị nội khoa. Cô được chỉ định chiếu tia hồng ngoại kết hợp với chườm và dùng thuốc, bổ sung vitamin cần thiết.
Đồng thời, cô cũng cần nghỉ ngơi tạm thời, không dùng đến tay phải trong khoảng 1 - 2 tuần tùy theo tình trạng bệnh tiến triển. Đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại cũng như gây sức ép lên các ngón tay, nhất là ngón cái trong 1 vài tháng sau đó.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Ngô nhắc nhở, ngoài các nguyên nhân liên quan đến bệnh lý tự miễn, tiểu đường, chấn thương… thì viêm bao gân tay hoàn toàn có thể phòng tránh được. Hãy tránh những vận động mạnh, quá sức hoặc lặp lại một động tác quá lâu. Nếu chơi thể thao, vận động mạnh hãy dùng đồ bảo hộ. Cầm điện thoại, gõ bàn phím máy tính đúng cách và cho tay nghỉ ngơi ít nhất 30 phút một lần.
Ngoài ra, nên giữ ấm tay và thường xuyên thực hiện các bài tập tay và kéo giãn cơ tay. Khi thấy cổ tay, ngón tay đau hay sưng, khó cử động bất thường hãy đến bệnh viện để thăm khám để không bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất.