Hơn một năm sau ngày Nguyễn Thị Giang (SN 1991, trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị bà chủ là Nguyễn Thị Trâm Anh cho các nhân viên ép đi xăm hình con rết lên mặt và ngực, mỗi lần nhắc đến cô vẫn bàng hoàng. Từ ngày được ra viện về với gia đình (cuối năm 2011), sức khỏe của Giang có dấu hiệu giảm sút.
Gặp cô gái tại nhà riêng, chúng tôi thấy Giang gầy đi nhiều so với trước. Cô cho biết mình bị sụt đi nhiều, mỗi giờ cũng chỉ ăn được ít cơm, hàng ngày Giang cũng chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không làm được việc gì để phụ giúp gia đình.
Ngôi nhà của gia đình Nguyễn Thị Giang nằm khuất trong con ngõ nhỏ của xóm. Người dẫn khách vào nhà là Trưởng công an xã Nghi Diên, ông Phạm Đình Chương. Bà Trần Thị Hoa (mẹ của Giang) ngoài khu chợ cóc của xã, bà cho biết từ ngày ra viện đến nay Giang chỉ ở nhà chứ không làm được gì do sức khỏe yếu và vẫn chưa lấy lại được tinh thần sau ngày xảy ra sự việc.
Đó là căn nhà nhỏ đơn sơ, chật hẹp nằm lọt thỏm bên cạnh ngôi nhà cao tầng, nơi trú ngụ của 6 mẹ con bà.
Kể về quãng thời gian từ sau ngày bị bà chủ Trâm Anh hành hạ, cho xăm rết lên người, Giang vẫn còn run. Sau khi được bệnh viện Thu Cúc ở Hà Nội nhận chữa miễn phí cho mình, mẹ con Giang khăn gói ra thủ đô điều trị. Sau 20 ngày, vết thương của em cơ bản được chữa lành và bệnh viện đã cho về nhà tự chăm sóc nhưng thỉnh thoảng vẫn phải ra thăm khám.
“Từ đợt về tới giờ em không làm được gì giúp mẹ mà chỉ quanh quẩn trong nhà. Một phần vì tự ti, mặc cảm, sợ bị người ta dòm ngó nhưng điều quan trọng hơn là sức khỏe của em vẫn chưa hồi phục lại hoàn toàn, có lẽ do thời gian điều trị hóa chất, uống kháng sinh quá nhiều nên giờ bị ảnh hưởng”, Giang tâm sự.
Cô cho biết sau hơn một năm về nhà tự chăm sóc, người gầy hơn và ăn uống cũng kém. “Giờ em chỉ còn 44kg thôi. Cách đây hơn 2 tuần em cũng mới ra ngoài Hà Nội để khám lại. Các bác sĩ hẹn 3 tháng sau ra để phẫu thuật lại lần nữa để làm mờ hẳn vết sẹo chứ giờ nó vẫn còn in sâu lên mặt”, vừa nói Giang vừa chỉ cho chúng tôi xem hình con rết bị xăm vẫn hằn sâu bên má.
Ngồi bên cạnh con, khuôn mặt bà Hoa đen sạm, hằn in nét khắc khổ vì một mình lam lũ nuôi 6 đứa con. Theo bà thì từ ngày rời bệnh viện trở về nhà, mỗi đêm nằm ngủ thỉnh thoảng Giang vẫn bị giật mình sợ hãi choàng tỉnh dậy, người mồ hôi nhễ nhại. “Có lẽ vụ việc ám ảnh sâu trong tâm trí nó nên chưa thể quên được. Tội nghiệp con bé nhưng tôi cũng chẳng làm được gì hơn. Thương con tôi chỉ biết lo chạy vạy kiếm ăn. Vừa rồi họ đền bù được số tiền 350 triệu đồng nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Hơn một nửa trong số tiền đó tôi phải trả nợ trước đây vay anh em, họ hàng cũng như chuộc lại sổ đỏ cắm ngân hàng đợt đó cắm để lo cho nó”, bà Hoa phân trần.
Bà cũng cho hay, những ngày đầu mới từ bệnh viện về, Giang suốt ngày nằm ở trong nhà, không chịu gặp bạn bè, người ngoài. Có lẽ em cảm thấy tự ti vì khuôn mặt của mình. Dần dần Giang có đi dạo xung quanh, chịu tiếp xúc nhưng chỉ với người quen và bạn bè thân thiết. “Là người mẹ, sau ngày xảy ra sự việc tôi thấy xót xa cho đứa con của mình. Sức khỏe nó cũng yếu đi nhiều lắm, mỗi giờ chỉ ăn được bát cơm, không làm được việc nặng. Tôi cũng không bắt nó làm gì mà chỉ ở nhà lo cơm nước, quét dọn”.
Nói về mong muốn của mình, Giang thổ lộ: “Em chỉ mong giờ kiếm được một việc làm phù hợp với sức khỏe của mình để phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. Cũng tại trước đây em không được học hành đến nơi, đến chốn nên giờ mới khổ thể này, vì vậy em không muốn các em mình phải thất học”.
Cách đây không lâu, Giang có nộp hồ sơ xin vào làm công nhân cho một công ty đang tuyển lao động trên địa bàn huyện nhưng không được chấp nhận vì em không có bằng cấp 2 (Giang chỉ mới học hết hớp 5). Chính vì vậy Giang đang phải ở nhà chờ đợi.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Chương, trưởng công an xã Nghi Diên cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra với Nguyễn Thị Giang, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện hết sức cho nạn nhân từ các thủ tục giấy tờ, động viên tinh thần cũng như phối hợp với cơ quan chức năng sớm trả lại công bằng cho Giang. Từ lúc ra viện đến nay, cháu Giang chỉ ở nhà chứ không đi làm được do sức khỏe yếu. Tôi là người gần nhà với gia đình cháu nên cũng biết được điều đó".
Ông cũng cho biết thêm: "Để giúp cháu nhanh chóng lấy lại tinh thần, quên đi quá khứ, chúng tôi vẫn thường xuyên đến động viên, an ủi cháu cũng như gia đình. Còn về việc nếu có nơi nào phù hợp nhận cháu vào làm thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức để cháu có được công ăn việc làm ổn định, phụ giúp gia đình và sớm quên đi chuyện đã xảy ra”.