Cuộc điện thoại ‘ngang trái’

Thời gian gần đây, mạng xã hội Trung Quốc nổi lên đoạn video do một cô gái có tài khoản Trần Mỹ đăng tải, nội dung ‘tố’ chính mẹ ruột của mình khiến cư dân mạng thảo luận sôi nổi. Trong video này, Trần Mỹ cho biết mình đang làm việc ở Nhật Bản, mẹ cô ở quê rất ít khi liên lạc và quan tâm nhưng mới đây lại gọi điện. Mẹ nói rằng quán thịt nướng của gia đình bị cháy, cần gấp 150.000 NDT (gần 500 triệu đồng).

Nghe xong cô gái đã khóc trong lo lắng và gom góp hết tiền tiết kiệm, vay mượn 100.000 NDT (hơn 330 triệu đồng) chuyển khoản gửi về cho mẹ. Để có được số tiền này Trần Mỹ đã phải vừa đi học vừa đi làm nhiều công việc như phục vụ bàn, gia sư,... nơi đất khách quê người. 

3-e42b01aa.jpg

Ảnh minh họa

“Không ngờ mẹ lại đem số tiền đó để làm tiền đặt cọc mua nhà cho anh trai tôi. Hoàn toàn không có chuyện cháy nhà”, Trần Mỹ rơm rớm nước mắt nói trong video. Sau đó cô gái tìm cách liên lạc với mẹ và anh trai nhưng không ai trả lời.

Trần Mỹ cho biết số tiền trên vô cùng lớn với bản thân nhưng nếu gia đình cần, cô sẽ chuyển ngay không chút do dự. Nhưng việc mẹ lấy sự cố khiến cô đang ở nơi xa phải lo lắng rồi mất liên lạc khiến Trần Mỹ vô cùng bất lực. 

Trả lời bình luận của cư dân mạng, cô gái này cho biết từ nhỏ cha mẹ đã luôn ưu tiên anh trai hơn, quần áo của cô cũng ít khi được mua mới, đa phần mặc lại từ quần áo của anh. Tốt nghiệp cấp 3, Trần Mỹ chọn vừa học vừa làm để bớt gánh nặng cho gia đình, không nghĩ đến ngày lại xảy ra sự việc này.

Cha mẹ thiên vị không thể nuôi dạy trẻ hạnh phúc

Trên thực tế, sự thiếu công bằng trong cách đối xử với con cái không chỉ khiến những đứa trẻ tổn thương mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình.

“Cha mẹ thiên vị đứa trẻ này hơn đứa trẻ khác vì nhiều lý do. Có thể chúng hợp với cha mẹ hơn về mặt tính cách, hoạt bát hơn hoặc chỉ đơn giản là trông giống cha mẹ hơn”, nhà tâm lý học xã hội Susan Newman cho biết.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý Gia đình cho thấy 74% bà mẹ và 70% ông bố cho biết họ có sự thiên vị giữa những người con trong gia đình. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ bị cha mẹ ít ưu ái sẽ không thể tự đánh giá đúng giá trị bản thân và có xu hướng tự ti hơn.

“Khi trẻ nhận thức rằng cha mẹ chúng thích anh chị em của mình hơn, chúng có xu hướng phát triển tính cách hướng nội và ít bộc lộ. Chúng sẽ đồng cảm và chấp nhận mọi đánh giá tiêu cực về bản thân, đó là một lối suy nghĩ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng”, GS Helen Dent của Đại học Stanford (Mỹ) giải thích.

tam-ly-tre-khi-bi-cha-me-thien-vi-e-1.jpg

Ảnh minh họa

Người con không nhận được đủ sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ sẽ dành cả đời để tìm kiếm “cảm giác được công nhận”, chứng tỏ mình xứng đáng được chú ý. Tiến sĩ Yelena Gidenko chia sẻ rằng những đứa trẻ này có thể bị trầm cảm, dễ tức giận và ghen tỵ hơn hoặc cũng có thể sẽ luôn cảm thấy thất bại, không có động lực. 

Đứa trẻ bị bỏ rơi buồn bã khi bị cha mẹ ít quan tâm thì trẻ được ưu ái cũng chưa chắc hạnh phúc hơn. Chúng dễ dàng được đáp ứng mọi yêu cầu nên cũng dễ hình thành tính cách thích ỷ lại. Khi trưởng thành phải đối mặt với xã hội bên ngoài sẽ rất khó để thích nghi, tự lập.

J. Jill Suitor, giáo sư xã hội học tại Đại học Purdue (Mỹ) cùng đồng nghiệp dành 2 thập kỷ để xem xét các mối quan hệ gia đình trong một nghiên cứu. Họ đánh giá sự thiên vị ảnh hưởng thế nào đến những người con trưởng thành sau khi cha mẹ qua đời. Mặc dù mới chỉ bắt đầu ở giai đoạn nghiên cứu này, họ phát hiện ra một số tác động lâu dài của một gia đình thiếu công bằng. “Sau khi cha mẹ mất, nhiều người mất luôn liên lạc hoặc có xích mích lớn với anh chị em của mình”, Suitor nói

Vậy nên trong các gia đình đông con, các bậc phụ huynh nên tránh nói những lời thể hiện sự so sánh giữa các đứa trẻ hay quá ưu ái một đứa hơn những đứa còn lại. Thay vào đó hãy giao tiếp với con nhiều hơn để hiểu suy nghĩ thực sự của con cái, đưa ra những quyết định công tâm nhất có thể để nuôi dạy con đúng cách, gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Theo Toutiao