Cô gái Lào đi xe máy từ Quảng Ninh lên Hà Nội
Hòa vào dòng người tại đoạn giao giữa đường Trần Hưng Đạo và Lê Thánh Tông, Maysa (22 tuổi) cô gái đến từ Lào liên tục đưa tay lau mồ hôi, ánh mắt luôn dõi vào lối nhà tang lễ.
Maysa cho biết, 10h30 ngày 25/7, cô đi xe máy từ Quảng Ninh lên Hà Nội để dự lễ viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Bản thân thấy rất vinh dự và hồi hộp khi đứng xếp hàng cùng người dân Việt Nam tại đây.
Nhắc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô gái Lào nhấn mạnh, ông là người rất quan trọng đối với người dân Việt Nam và người dân Lào.
"Khi còn sống, bác đã hỗ trợ nhân dân Lào rất nhiều. Khi bác mất, tôi cũng như những người dân ở Lào rất buồn và thương bác", cô nói và cho biết Lào cũng Quốc tang 2 ngày để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại cổng Nhà tang lễ Quốc gia, cô gái 22 tuổi chia sẻ, bản thân nhớ nhất hai câu nói của Tổng Bí thư: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản.
Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
Là một du học sinh sống và học tập ở Việt Nam 5 năm, Maysa mong muốn truyền tải những thông điệp tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Lào ngày càng một tốt đẹp.
Lặn lội từ miền Nam ra viếng Tổng Bí thư
Ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Sông Thao (78 tuổi) thường xuyên theo dõi tin tức Lễ tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua truyền hình, báo chí. Khi có lịch cụ thể, ông Thao đã vượt hàng nghìn km ra tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ông Thao chia sẻ: “Tôi rất thương Tổng Bí thư. Lúc biết tin Tổng Bí thư mất, tôi không cầm được nước mắt vì buồn và thương tiếc. Tôi không nghĩ mình ra được đến Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội đúng ngày tổ chức lễ viếng”.
Trước đây, ông Thao tham gia bộ đội tại Hưng Yên. Trong mắt của ông Thao, Tổng Bí thư là con người rất giản dị và gần gũi.
Đứng cạnh ông Thao là chị Nguyễn Thị Bình – con gái của ông, chị Bình cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người góp sức rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước. “Bố tôi cũng có thời gian tham gia chiến trường nên rất ngưỡng mộ, quy mến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Chị Bình cho biết, lúc nghe tin Tổng Bí thư qua đời, mặc dù đã 78 tuổi, không còn nhanh nhẹn, minh mẫn nhưng ông Thao cứ nằng nặc đòi các con cho ra Hà Nội. Ông khóc và gọi con trai út về bảo: “Bác Trọng mất rồi, giờ chỉ cần đưa bố ra bến xe, bến tàu là bố tự về, bố phải về, không về không được”.
“Thế nên con trai út phải đưa bố ra sân bay. Tối Chủ nhật vừa rồi, bố tôi bay chuyến 8h ra Thủ đô. Còn tôi là con gái có trách nhiệm ở ngoài này đưa đón”, chị Bình chia sẻ.
Những cô cậu học sinh xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư
Hòa lẫn trong đoàn người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những cô cậu học sinh. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng các em không thấy mệt mỏi khi xếp hàng dưới thời tiết oi nóng ở Hà Nội.
Từ 10h sáng, hai cậu cháu Đỗ Tùng Lân 12 tuổi và Lê Hữu Phú 10 tuổi đã cùng với bà và mẹ mua vé tầu hoả đi từ thành phố Hải Dương về Hà Nội để mong viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
“Ban đầu 4 bà cháu định đi viếng từ 5h sáng, nhưng khi biết 18h Ban Tổ chức lễ tang cho người dân vào viếng thì cả nhà quyết định đổi sang 10h đi tầu hoả từ Hải Dương về Hà Nội”, bạn Tùng Lân cho biết.
Xếp hàng dưới thời tiết nắng nóng, nhưng bạn nhỏ Đỗ Tùng Lân cho rằng “việc xếp hàng dưới trời nắng nóng thế này em cảm thấy không có gì là mệt mỏi so với những gì Tổng Bí thư đã cống hiến cho đất nước”.
Bạn Tùng Lân chia sẻ thêm: “Nghe tin bác Trọng mất chúng em rất buồn, chúng em chỉ mong bác Trọng sống thêm thật nhiều năm nữa. Mặc dù em còn nhỏ tuổi, nhưng qua việc đọc tin tức, xem thời sự trên tivi, em cũng phần nào hiểu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người mẫu mực, hết lòng với nhân dân”.