Với đam mê làm bánh và cá tính thích khác biệt, Nguyễn Thị Phương Nguyên (31 tuổi, sống ở Thủ Dầu Một, Bình Dương) luôn khiến những người xung quanh ngỡ ngàng khi cho ra lò những chiếc bánh kem kỳ dị, thậm chí nhìn đáng sợ.
Tự nhận mình là người đặc biệt, lập dị nên cái đẹp trong mắt Phương Nguyên khác nhiều với quan niệm của số đông. Làm bánh kem, người ta thường tạo hình hoa lá, bướm và các nhân vật hoạt hình dễ thương, búp bê, công chúa..., còn cô thì toàn làm những chiếc bánh xấu xí và tạo cảm giác ghê rợn.
Cô chia sẻ: " Mình mang cá tính và phong cách riêng vào những chiếc bánh và luôn bị thu hút bởi những cái gì ma mị, huyền bí và có tính chất nghệ thuật. Mình thích làm những cái người khác không bao giờ làm, thậm chí chưa bao giờ nghĩ tớ i".
Phương Nguyên nói, cô làm bánh là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật không phải để người khác khen ngợi hay để tìm kiếm thành tích, mà vì muốn thử thách bản thân, nâng cao kỹ năng và đặc biệt là được làm điều mình thích.
Bất kỳ chất liệu nào có thể làm bánh nghệ thuật đều được cô say đắm, tìm hiểu, nghiên cứu để tự tạo ra phương pháp mới, hoặc học hỏi áp dụng kinh nghiệm của những người đi trước.
"Khi được làm điều mình thích thì không gian và thời gian trở nên vô nghĩa. Sáng sớm bắt tay vào việc, đến khi ngước mắt lên thì thấy đồng hồ đã 19h, thế mà chẳng thấy đói, cũng không thấy mệt, chỉ thấy mỏi lưng ", cô tâm sự.
"Bánh phù thủy điêu khắc chocolate" là một trong những tác phẩm gây ấn tượng nhất của Nguyên, được làm ra trong nhiều ngày. Hộp sọ là bánh gato, các phần bao quanh là chocolate trắng được pha màu da người và khăn choàng đầu là fondant - làm từ bột đường trắng mịn
Mỗi ngày, cô dành khoảng 1 - 2 giờ cho nó, mất tổng cộng 27 giờ mới hoàn thành. Đó là quá trình công phu, tỉ mỉ từ việc pha chế nguyên liệu, cân chỉnh tỷ lệ, cắt gọt, đắp đến tô màu.
Vì có thành phần chính là chocolate nên Phương Nguyên chỉ cần cho chiếc bánh vào hộp kính mica để tránh bụi bẩn và côn trùng là bảo quản được rất lâu.
Khi xem lạt ảnh này, nhiều người thốt lên: “Ai mà dám ăn?”; “Trời, sao lại làm cái đầu người thế kia, kinh quá!”; “Ai dám bổ ra mà ăn một thứ xấu xí đáng sợ như vậy?”... Theo Phương Nguyên, đó là cách nghĩ và phản ứng của người bình thường, nhưng người làm nghệ thuật thì khác.
Phần lớn những chiếc bánh mang hơi hướng nghệ thuật như thế dù ăn được nhưng thường để trưng bày, triển lãm nâng cao tay nghề. Sau mỗi tác phẩm như vậy, cô thợ bánh lập dị lại có thêm nhiều kỹ năng, hay kinh nghiệm để áp dụng kỹ năng đó cho các mục đích khác, vì thế khi tạo ra nó, cô chẳng bao giờ nghĩ làm để ăn.
Phương Nguyên khởi nghiệp với chi phí 30 triệu đồng, với một số đồ nghề làm bánh, đạo cụ chụp hình cùng niềm đam mê mãnh liệt. " Ban đầu mình chỉ bán cho người quen, dần dần được nhiều người biết đến và bắt đầu có khách lạ, từ khách lạ trở thành khách mối, sau đó nhận đặt hàng online và bán bánh chủ yếu qua mạng xã hội ".
Với lượng khách ổn định, đến tháng 6/2020, cô bắt đầu mở một tiệm bánh nhỏ. Cô luôn thay đổi và tạo ra những chiếc bánh theo chủ đề hay câu chuyện khác nhau để mỗi ngày trôi qua đều mới mẻ và không bị nhàm chán.
Người khác chỉ mất 15 phút cho một cái bánh, nhưng cô có khi mất cả 3 - 4 tiếng, thậm chí cả 2 đêm. Lời lãi đâu chưa thấy, chỉ thấy mắt thâm dần đi. " Mình vẫn đang nuôi đam mê chứ đam mê chưa nuôi được mình, nhưng được sống mỗi ngày như vậy, mình cảm thấy rất hạnh phúc ", cô bộc bạch.