Đó là trường hợp của một cô gái tên Tiên (23 tuổi, quê Đồng Nai, tên nhân vật đã thay đổi). Mong muốn da hết mụn và trắng mịn nhanh chóng, nạn nhân đã đi lột da mặt Đông y theo lời giới thiệu của bạn bè. Chưa kịp đẹp, nạn nhân đã trả cái giá khá đắt.
Cô gái bị bỏng nặng vì đi "lột da Đông y".
Bỏng nặng vì "lột da Đông y"
Theo lời kể của Tiên, làn da cô vốn bình thường, chỉ bị mụn ẩn li ti, da hơi sậm và lỗ chân lông to. Nghe lời giới thiệu của bạn, bệnh nhân đến một cơ sở thẩm mỹ trôi nổi tại TP.HCM. Tại đây, các nhân viên quảng cáo với Tiên thủ thuật lột da Đông Y sẽ giải quyết tất cả và làm trắng mịn da nhanh chóng, với chi phí chỉ 2 triệu đồng. Thấy hấp dẫn, bệnh nhân liền đồng ý.
"Mình còn nhớ rất rõ cái đêm kinh hoàng ấy, mặt mình nóng rát đến phát khóc, dù đã cố gắng rửa mặt và bôi thuốc làm dịu da nhưng tất cả cũng không thể khiến mình thôi run rẩy vì cảm giác như bị dội nước sôi vào mặt" - Tiên bần thần nhớ lại.
Trước khi xảy ra tai nạn, Tiên là một cô gái dễ nhìn, hoạt bát.
Sau khi thuốc bôi lên mặt lần đầu tiên, cô gái cảm giác rát, da bị bong lên nhưng nghe cơ sở thẩm mỹ bảo đây là dấu hiệu bình thường nên tiếp tục đến thoa lần thứ hai. Kết cục lúc này còn kinh hoàng hơn khi da cô phồng rộp nặng và xuất hiện nhiều vết lở. Sợ hãi, bệnh nhân tìm đến cầu cứu BS tại một phòng khám da liễu.
Sau khi bôi thuốc lần 1, da nạn nhân phồng rộp và bong tróc.
Đến lần thứ hai thì bỏng nặng.
Ths.BS Da liễu Phạm Thị Bích Na, người trực tiếp điều trị cho Tiên chia sẻ, khi bệnh nhân đến thì da mặt đã lột 2 ngày, phù nề lên rất nặng, bỏng sâu độ 2.
Vì tổn thương đã vượt qua lớp thượng bì của da nên giai đoạn đầu, BS sẽ tiêm lên da Tiên những yếu tố tăng trưởng (chất tái tạo da). Khi vết thương bắt đầu liền, không còn rát và rỉ dịch, bệnh nhân tiếp tục điều trị kết hợp giữa dùng thuốc uống và bôi chế phẩm dưỡng ẩm, tiêm chất li giải sắc tố da kết hợp nhẹ với chiếu tia laser.
Giai đoạn đầu, bệnh nhân được tiêm chất tái tạo da.
Thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục 80-90%.
Sau khoảng 3 tháng, bệnh nhân kết thúc liệu trình điều trị khi nền da đã hồi phục khoảng 80-90%. Thời gian sắp tới, cô gái phải tiếp tục sử dụng chế phẩm bôi da. Dự kiến để da có thể trở lại bình thường mất thêm thời gian 3-6 tháng.
Kem trộn biến tướng – Cuộc chiến chưa hồi kết
Theo BS Na, trường hợp của cô gái tên Tiên khá nặng. Có thể loại thuốc mà cơ sở thẩm mỹ thoa lên mặt bệnh nhân mang nồng độ axit quá cao nên ngay khi bôi lần đầu tiên đã bị bỏng.
Hàng tháng, tại phòng khám của BS Na vẫn tiếp nhận đều đặn những trường hợp bị tai biến da sau khi lột, với những dạng thức khác nhau. Các ca tai biến chậm sẽ không biểu hiện ngay. Lúc đầu da sẽ trắng hồng, như chỉ 2-3 tháng sau da sẽ bị những biến chứng như bong, kích ứng, nổi mẩn, mụn nhọt. Hoặc da sẽ bị lộ gân máu, hay bị sạm do ánh nắng mặt trời ăn vào.
Ths.BS Phạm Thị Bích Na.
"Đa phần bệnh nhân tìm đến phòng khám vì biến chứng sau lột da thường là phụ nữ ở miền Tây và Tây Nguyên. Có trường hợp bôi cả rễ cây lên mặt. Có những ca khi điều trị tình trạng rất nguy hiểm, như trường hợp của một nữ giáo viên ở Đắk Lắk. Chị này đi tẩy trắng da bằng cách bôi thuốc bắc lên, dẫn đến bỏng nặng, mài da dày và phồng rộp, da bốc lên mùi hôi thối khó chịu" – BS Na dẫn chứng.
BS Na cho biết, trước đây các loại kem trộn được bán với giá rất rẻ. Theo thời gian, nhiều cơ sở thẩm mỹ tìm cách biến tướng kem trộn bằng nhiều tên gọi khác nhau như thuốc Đông y, mỹ phẩm gia truyền, kem sâm hay kem ốc sên nhưng chung quy lại, tất cả đều là hóa chất lột tẩy.
Một nữ bệnh nhân nổi nốt sần, đỏ thẫm trên mặt vì thoa kem trộn biến tướng thuốc Đông y.
Cùng với những chiêu quảng cáo hấp dẫn như làm đẹp siêu tốc, cam kết hoàn lại tiền nếu không đẹp, theo cho tới khi nào đẹp mới thôi đã chiếm được lòng tin của chị em phụ nữ. Điều này khiến các BS rất đau đầu trong cuộc chiến chống lại kem trộn.
"Các thành phần trong kem trộn, chất lột da chủ yếu là axit. Dù nồng độ axit loãng hay nhiều, biểu hiện nhanh hay chậm thì con đường cuối cùng vẫn là bào mòn, nhiễm trùng và suy yếu da. Trong trường hợp đã bị tổn thương da vì kem trộn, bệnh nhân cần điều trị càng sớm càng tốt, bởi nếu để axit ngấm sâu vào trong thì hậu quả sẽ lớn và càng khó chữa hơn" – BS Na phân tích.
BS khuyến cáo chị em nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng các loại kem, chế phẩm bôi lên da.
BS cũng chỉ ra sai lầm trong cách điều trị "ai chỉ gì làm đó" của bệnh nhân. Cụ thể, có người sau khi bị rộp da vì kem trộn còn bôi nghệ tươi, đắp nha đam hay thậm chí lăn kim lên vùng da tổn thương khiến tình trạng tệ hơn rất nhiều.
BS Na khuyến cáo chị em nên cân nhắc kỹ càng, tỉnh táo khi sử dụng các sản phẩm bôi trên da, tìm cho mình những cơ sở làm đẹp uy tín, được cấp phép. Khi da có những dấu hiệu như châm chích, rát bỏng, đau nhức hoặc có cảm giác nóng bừng, phải lập tức dừng bôi loại mỹ phẩm đang sử dụng và đến gặp BS ngay.
Khi da bị tổn thương vì kem trộn, cần ngưng sử dụng và lập tức đến gặp bác sĩ.
"Nền da luôn tuân theo một chu trình tái tạo. Một người muốn thay đổi nền da của mình phải mất rất nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Các quảng cáo làm đẹp da, bôi kem trộn trắng da siêu tốc, trị nám siêu tốc mà vẫn bảo đảm an toàn là không đúng" – BS Na khẳng định.