Tiểu Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) năm nay 22 tuổi, sống tại Chiết Giang, Trung Quốc. Tuổi còn trẻ lại có tính tình vô tư, phóng khoáng nên cô quan niệm việc ăn uống, lối sống nên thoải mái thì mới không phí hoài thanh xuân. Vì vậy, hễ cứ thích món gì là cô sẽ ăn, uống nó liên tục tới khi chán thì thôi. Tăng cân hay mọc mụn với cô cũng không quá nghiêm trọng. Ngay cả khi một số người xung quanh góp ý về hàm răng xỉn màu của mình cô cũng chỉ cảm thấy xấu hổ chốc lát, không muốn thay đổi cũng không tìm nha sĩ thăm khám.

Cô gái mới 22 tuổi cả hàm răng đã đen kịt, ăn đồ mềm cũng rụng răng vì loại đồ uống người trẻ yêu thích - Ảnh 1.

Uống nước ngọt có ga thay nước lọc hơn 1 năm khiến răng của Tiểu Mai xỉn màu, sâu và rụng nhiều (Ảnh minh họa)

Cho đến gần đây, cô bắt đầu nhận ra răng của mình yếu đi nhanh như xuống dốc không phanh. Đỉnh điểm là khi cắn một loại trái cây không quá cứng răng của Tiểu Mai cũng bị rụng ra. Một lần khác, sau khi ăn lẩu nóng cô uống nước đá lạnh và lại bị rụng thêm một chiếc răng. Những ngày sau đó, thậm chí cô không thể ăn uống theo ý mình vì hàm răng đau nhức, lại sợ cắn bất cứ thứ gì cũng bị rụng răng. Cuối cùng, Tiểu Mai không còn cách nào khác là tìm đến một phòng khám nha khoa có tiếng gần nhà.

Tiểu Mai kể lại, vị bác sĩ kiểm tra răng miệng và điều trị cho cô họ Lý, đã hơn 40 tuổi và có nhiều năm kinh nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, bác sĩ Lý cũng không giấu nổi sự hoảng hốt khi thấy tình trạng răng của Tiểu Mai. Bởi cô còn quá trẻ nhưng lại có hàm răng của một người già trên 60 tuổi, thậm chí còn tệ hơn.

“Không chỉ răng bị xỉn màu nặng, cao răng tích tụ quá nhiều mà mão răng đã bị ăn mòn nghiêm trọng, gần như toàn bộ hàm răng có dấu hiệu lung lay, số lượng răng sâu nhiều. Chưa kể, bệnh nhân có tình trạng đã mất nhiều răng nên rất khó phục hình. Đồng thời, bệnh nhân còn rất trẻ nên ảnh hưởng lớn tới ngoại hình và chức năng nhai nuốt. Mặc dù việc bảo tồn răng thật được ưu tiên nhưng với trường hợp này, ngay cả với trồng implant hay cầu răng cũng không tối ưu và chi phí rất cao” - bác sĩ Lý nói.

Bác sĩ nhắc nhở những tác hại của nước ngọt có ga tới sức khỏe răng miệng

Khi nghe bác sĩ nói, Tiểu Mai không cầm được nước mắt mà bật khóc nức nở. Cô khóc không chỉ bởi đau răng mà còn vì hối hận và xấu hổ. Hóa ra, lý do khiến cô gái trẻ có hàm răng kinh khủng như vậy là vì rất mê loại đồ uống phổ biến với người trẻ tuổi: nước ngọt có ga.

Cô gái mới 22 tuổi cả hàm răng đã đen kịt, ăn đồ mềm cũng rụng răng vì loại đồ uống người trẻ yêu thích - Ảnh 2.

Uống nhiều nước ngọt có ga không chỉ hại răng miệng mà còn gây tăng cân, tiểu đường… và nhiều vấn đề sức khỏe khác (Ảnh minh họa)

Theo lời cô kể, cô uống nước ngọt có ga thay cho nước lọc đã hơn một năm nay. Lượng uống của cô rất nhiều, uống vào mọi thời điểm trong ngày, ngay cả sau khi đã đánh răng. Chưa kể, sau khi thấy răng ngày càng xấu thì Tiểu Mai cho rằng đó là do “cơ địa” nên chán nản, lười chăm sóc răng hơn.

Bác sĩ Lý nhấn mạnh, nước ngọt có ga là một trong những “kẻ thù” hàng đầu của sức khỏe răng miệng. Nó ảnh hưởng xấu tới răng miệng theo nhiều cách, ví dụ như:

- Làm mòn men răng: Do nước ngọt, nhất là nước ngọt có ga chứa đường và acid photphoric lớn làm mòn men răng. Men răng là lớp áo bảo vệ cho răng, giúp giữ chân răng. Khi sử dụng nước ngọt thường xuyên hay uống quá nhiều, các acid có trong nước ngọt sẽ làm mòn lớp áo này, răng mất dần đi sự bảo vệ nên dễ bị thương tổn bởi các yếu tố bên ngoài.

- Gây sâu răng: Răng dễ bị sâu khi tiếp xúc với lượng đường lớn trong nước ngọt. Đồng thời, các acid trong nước ngọt làm men răng mòn đi, tạo cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn tấn công răng bạn, tạo nên những lỗ sâu răng.

- Tăng nguy cơ lung lay, rụng răng: Khi men răng trở nên quá yếu hoặc sâu răng lâu ngày, răng dễ bị rụng và nướu răng cũng bị ảnh hưởng.

- Giảm thẩm mỹ của răng: Răng bị xỉn màu, vàng ố, tích tụ mảng bám… là những điều khó tránh khỏi nếu bạn uống nhiều nước ngọt có ga trong thời gian dài.

- Tăng nguy cơ viêm nhiễm, hôi miệng, chứng răng nhạy cảm cũng là tác hại của thói quen uống quá nhiều nước ngọt có ga, uống loại đồ uống này thay cho nước.

Ngoài ra, bác sĩ Lý cũng nhắc nhở rằng uống nhiều nước ngọt có ga không chỉ gây hại cho răng miệng mà còn “tàn phá” sức khỏe tổng thể. Nổi bật như gây tăng cân/béo phì, tiểu đường, mỡ máu, hại xương khớp, hại gan, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư…

Cô gái mới 22 tuổi cả hàm răng đã đen kịt, ăn đồ mềm cũng rụng răng vì loại đồ uống người trẻ yêu thích - Ảnh 3.

Vệ sinh răng miệng đúng cách và thăm khám nha khoa định kỳ là chìa khóa giúp răng miệng khỏe đẹp (Ảnh minh họa)

Vì vậy, ông khuyên: "Nên hạn chế hết mức có thể lượng nước ngọt có ga tiêu thụ hàng ngày. Để bảo vệ răng miệng, sau khi uống nước ngọt có ga nên súc miệng thật sạch. Có thể đánh răng nhưng không nên đánh ngay lập tức để tránh hại men răng, chờ sau đó khoảng 5 - 10 phút. Tuyệt đối không nên đi ngủ khi chưa đánh răng kỹ và nên thăm khám nha khoa định kỳ".

Nguồn và ảnh: Aboluowang, Family Doctor, QQ