Chẳng riêng gì quần áo trên mạng, đồ ăn online đã từng khiến nhiều người khóc ròng vì sự khác nhau giữa quảng cáo và thực tế. Hình ảnh người bán đăng lên quảng cáo, đồ ăn lúc nào cũng đầy đặn, hấp dẫn với đủ các loại nguyên liệu vô cùng kích thích vị giác. Thế nhưng khi nhận về lại là một sự thật khiến bao người ngã ngửa.
Điển hình như nói đến chuyện mua hoa quả hàng ngày, nhiều chị em đều đã từng gặp cảnh ra chợ sờ tận tay day tận quả, mang về nhà bổ ra còn bị hỏng, thối, sâu phải vứt đi hết. Ấy thế mà vì tiện lợi, lại do bản thân chẳng có thời gian đi chọn lựa nên một số chị em chọn hình thức mua hoa quả online được giới thiệu là "hoa quả sạch" dù chẳng có gì để đảm bảo nên đã có biết bao câu chuyện "dở khóc, dở cười".
Mới đây, một người phụ nữ có nickname H.C đã đặt mua 3 kg roi của cửa hàng hoa quả G.F với lời giới thiệu: "Bán Roi đỏ An Phước, ghi rõ đóng thùng 5kg theo tiêu chuẩn xuất khẩu, bao ngon từng quả". Tuy nhiên khi hàng về tay chưa kịp ăn miếng nào, mở ra thấy thùng đâu chẳng thấy, toàn từng túi bóng gói roi chồng lên nhau chẳng khác gì ngoài chợ, một số quả bị dập, 1 số quả thì bổ ra thối cả trong ruột khiến người khách vô cùng bức xúc.
Theo đó, vị khách này mua hoa quả tại cửa hàng G.F theo lời giới thiệu của bạn bè, theo đó, roi được chủ shop online này giới thiệu roi theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đóng theo thùng, mỗi thùng 5kg. Tuy nhiên, khi nhận được hàng, vị khách ngạc nhiên khi thấy "roi đã gỡ ra khỏi thùng, xếp chồng quả vào nhau buộc lại mỗi túi nilon 5kg, bạn giao hàng lại xếp rất nhiều túi chồng lên nhau giao cho nhiều khách. Nhận hàng tối qua mang về nhà, kiểm tra thấy roi dập nhiều nên đã nhắn tin và chụp ảnh gửi shop".
Tuy vậy, bên cửa hàng có trả lời tin nhắn khách và 2 bên nhắn qua nhắn lại theo như lời vị khách kể: "Lúc đầu giải thích vì sao không giao nguyên thùng, rồi nhắn em kiểm tra và chụp ảnh (em đã chụp trước đó rồi), rồi kết thúc bằng tin nhắn chị phải giữ lại hàng dập để bên em qua lấy lại, chứ chụp ảnh thế này khó xử lý, nhạy cảm...".
Điều này khiến vị khách vô cùng bức xúc, bởi theo quan điểm của người khách này, roi bán nguyên thùng nhưng chỉ giao túi bóng là đã sai rồi. Tiếp đó, khi vị khách gọi đến cửa hàng, đã tính 38 giây nhưng không ai nhấc máy, trong khi chủ shop khăng khăng là có nhân viên trực và không nhận được cuộc gọi của khách (?).
Chủ shop cho rằng không có cuộc gọi nào của khách trong khi khách nói mình đã điện thoại đến nhưng không ai trả lời.
Khách đã chụp ảnh số roi dập, hỏng ruột để phản hồi "sự cố" khi mua roi xuất khẩu của shop online này.
Đính kèm với bài viết là tin nhắn chụp màn hình điện thoại cuộc nói chuyện giữa khách hàng và chủ shop hoa quả nói trên. Theo đó, khi khách phản ánh, chủ shop hoa quả cho rằng, việc dùng túi nilong thay vì thùng là để dễ vận chuyển, tránh cồng kềnh. Còn chuyện đền bù cho khách chỉ với điều kiện khách phải giữ nguyên hàng để đổi, trong khi vị khách này đã vứt bỏ vào thùng rác và ăn 1 số quả dập nên vấn đề giải quyết... rất khó để xử lý.
Dòng tin nhắn giữa chủ shop bán hoa quả online và vị khách khiến nhiều người tranh cãi.
Đáng nói, sau đó chủ shop hoa quả này còn đăng 1 bài than vãn về khách hàng trên Facebook cá nhân của mình.
Ngay sau khi đăng tải, bài viết này đã nhận được rất nhiều ý kiến tranh cãi từ phía cộng đồng mạng. 1 phía thì cho rằng, chủ shop online bán hoa quả này rõ ràng là sai và xử lý khiếu nại từ khách hàng không khéo léo nên mới dẫn đến sự việc trên:
- "Đọc đoạn shop chat mà mình chán luôn, cãi tay đôi với khách thế kia thì nói làm gì. Chưa kể mình đọc xong bài bạn chủ shop thanh minh than vãn trên Facebook cá nhân, mình né ngay những shop thế này ra. Biết đâu 1 ngày mình mua hàng không ưng, vào phàn nàn bạn lại cho mình lên Facebook, sợ lắm!".
- "Đọc cái cách chủ shop trả lời khách mà ứa máu. Thời buổi khó khăn thì càng phải làm ăn đàng hoàng chứ không phải kiểu nhập nhẹm như vậy. Thề luôn! Mình cũng làm kinh doanh, hậu chăm sóc khách hàng cực kì quan trọng, chị khách mua hàng nói chuyện rất đàng hoàng và văn hoá. Bỏ tiền mua hàng xuất khẩu mà nhận được hàng dập hỏi có bực không trời. Bây giờ thối hỏng bỏ đi giờ cũng bắt lôi trong sọt rác mang quăng lại à?".
- "Nếu 1 người chủ có tâm, khi bán hàng ăn uống quảng cáo tung hô lên tận mây xanh mà khách mua về bị sự cố và phản ánh là bản thân đã thấy rất ái ngại với khách, lật đật xin lỗi, đổi cái mới và tặng thêm để chuộc lỗi hy vọng giữ chân được khách đó. Vì đồ ăn nó nhạy cảm hơn, không giống cái quần cái áo, cái quần áo lỗi đổi trả bình thường còn đồ ăn ví dụ mua về bị ôi thiu, mốc meo, dập thối, có đổi cái khác cho người ta thì người ta cũng cảm giác nghi ngờ về chất lượng. Mình nghĩ shop này làm ăn không tốt, muốn giữ khách thì bên ngoài xin lỗi đổi trả còn tặng quà để xoa dịu khách là điều nên làm, chứ như chủ shop này lần sau ai dám mua".
Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, chủ shop hoa quả trên xử lý tình huống như vậy là đúng, chỉ có điều ăn nói còn không được khéo léo mà thôi:
- "Mình không bán hoa quả nhưng mình cũng bán hàng online. Nguyên tắc mua hàng là nếu hỏng thì đổi hoặc trả. Hoặc nếu không thì cũng chụp đủ số hỏng giữ làm bằng chứng. Chứ chỉ dựa trên lời nói thì rất khó cho shop trong việc đền bù. Nếu như em mua đồ ăn bị hỏng, em muốn shop đền bù em sẽ giữ lại 100% số hỏng. Còn khi em đã bỏ đi thì em cũng chỉ góp ý và không hi vọng đến chuyện đền bù. Nói chung đây là hiểu lầm thôi chứ em thấy shop xử lí đúng".
- "Thật ra mình thấy vấn đề ở đây là do nhân viên trả lời chưa khéo léo, khách chỉ muốn góp ý về giao hàng thì shop xin lỗi và cảm ơn có lẽ cũng đã xong chuyện, nhưng cả chủ shop và nhân viên lại muốn đào sâu vào chi tiết giao dịch mới thành câu chuyện".
- "Em thấy hiểu lầm thôi ah. Shop nghĩ bác đòi tiền trong khi vứt đồ đi. Bác thì nghĩ không cần tiền chỉ cần rút kinh nghiệm. Có gì đâu bác, còn nếu muốn đổi hàng hay đền bù thì giữ hàng là đúng rồi. Thôi lần sau cứ ra chợ hay siêu thị tự tay chọn cho chắc".
Khoan kết luận rằng ai đúng ai sai nhưng câu chuyện này cũng là bài học dành cho những ai làm trong ngành dịch vụ và cả những khách hàng của họ nữa. Cả hai bên hãy luôn cư xử đúng mực và niềm nở thì thiết nghĩ sẽ không còn những trường hợp bức xúc như thế nữa.