Tiểu Hạnh (tên nhân vật đã thay đổi) sống tại Hồng Kông, Trung Quốc. Cô không thể ngờ mình phải cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng ở tuổi 25, khi còn chưa kết hôn.
Tiểu Hạnh kể lại, từ khi dậy thì kinh nguyệt của cô đã không được đều đặn. Năm 20 tuổi, cô liên tục bị chậm kinh, thậm chí mất kinh trong 2 tháng nên quyết định đi khám. Bác sĩ nghi ngờ cô có u xơ tử cung, dù vị trí và kích thước không nguy hiểm nhưng cần theo dõi thêm và tái khám định kỳ.
Tuy nhiên, 5 năm sau đó vì chủ quan và bận rộn với học tập, công việc mà Tiểu Hạnh không thực hiện điều này. Ở tuổi 25, cô chỉ tìm đến bệnh viện khi kinh nguyệt liên tục biến mất trong 5 tháng trời kèm đau bụng, sụt cân bất thường. Tiểu Hạnh cho rằng u xơ tử cung trước đó đã tiến triển nên muốn chủ động cắt bỏ, nhưng bác sĩ cho biết cô có khối u buồng trứng 15cm. Sau khi sinh thiết kết luận là khối u ác tính và phải cắt bỏ buồng trứng bên trái cùng một phần ống dẫn trứng.
Bác sĩ điều trị của Tiểu Hạnh là Huang Lishan (Hồng Kông, Trung Quốc). Bà chia sẻ rằng thân hình của cô rất gầy nhưng phần bụng dưới lại to và cứng. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, Tiểu Hạnh đã lập tức giảm được 3kg cân nặng.
“Ung thư buồng trứng phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư tử cung. Nó cũng được xem là kẻ giết người thầm lặng đối với phụ nữ vì các triệu chứng thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn.
Với bệnh nhân này, khi phát hiện đã ở cuối giai đoạn 3. Đây là một trong những trường hợp bệnh nhân trẻ nhất phải cắt bỏ cả buồng trứng cùng ống dẫn trứng để điều trị ung thư tại bệnh viện chúng tôi. Điều đáng tiếc là cô ấy đã bỏ lỡ quá nhiều tín hiệu bệnh, quá chủ quan mà không chịu tái khám định kỳ” - bà nói.
Bà cũng đưa ra 6 triệu chứng thường gặp nhất của ung thư buồng trứng để chị em chú ý như:
- Đau bụng bất thường, bụng to lên và có thể cứng, nhất là bụng dưới.
- Rối loạn kinh nguyệt kéo dài, có thể mất kinh.
- Đau vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục.
- Ăn kém, nhanh no và dễ đầy hơi.
- Tăng cân hoặc giảm cân bất thường.
- U buồng trứng phát triển và chèn ép/di căn tới các cơ quan tiêu hóa, tiết niệu dẫn tới tiểu nhiều lần, rối loạn tiêu hóa dai dẳng.
Ngoài ra, Huang Lishan nhắc nhở rằng rối loạn kinh nguyệt còn có thể là triệu chứng của rất nhiều vấn đề sức khỏe khác, nhất là bệnh phụ khoa nghiêm trọng. Vì vậy không được chủ quan với tình trạng này. Chị em cũng nên hình thành thói quen khám sức khỏe phụ khoa định kỳ.
Nguồn và ảnh: Skypost, HK01