Chị Hoàng Bích (SN 1992, Hà Nội) cho biết, ban đầu chị thấy họng rát, ho, không sổ mũi, vẫn có thể đi làm bình thường. Đến tối, chị bắt đầu sốt khoảng 38-38,5 độc C.
"Như thường lệ, mình tìm đến thuốc giảm đau hạ sốt nhưng đến nửa đêm thì đầu đau như búa bổ nên đã thức đến sáng luôn.
Đến hôm sau người vẫn sốt 38 độ, mình uống nhiều nước, ăn hoa quả, uống oresol, hạ sốt, giảm đau. Lúc này cơ thể vẫn còn cố gắng được nhưng cũng thức trắng đêm vì đầu đau không thể ngủ nổi.
Nhưng đến ngày thứ 3 thì mọi thứ vô cùng khủng khiếp khiến mình không chịu được nữa. Mình nghĩ rằng cúm thông thường không thể nào mà lại đau đầu đến như vậy, đau không từ nào diễn tả nổi. Thậm chí, uống hạ sốt, giảm đau không hề đỡ, phải nằm im một chỗ, chỉ cần cử động nhẹ là cái đầu như kiểu ai đánh trăm phát.
Ngay lập tức, chồng mình đã đưa ra phòng khám gần nhà kiểm tra, mình nghĩ là bị cúm A – vì đang dịch nhiều nhưng không, kết quả là cúm B.
Kết quả xét nghiệm dương tính với cúm B của chị Hoàng Bích. Ảnh: NVCC
Sau đó, bác sỹ có kê đơn thuốc cho mình nhưng hơn một ngày đổi các loại đồ ăn từ hoa quả, nước, bún, phở, cháo...cũng không thể làm cho cái bụng yên ổn, ăn vào là nôn", chị Bích cho hay.
Đến nay, sức khỏe chị Bích đã ổn định hơn nhưng vẫn còn sợ hãi khi nhắc đến những ngày bị những con virus cúm "hành hạ".
Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội), Virus gây bệnh cúm ở người được chia làm 3 chủng cúm A, B, C. Trong đó, cúm A là loại cúm rất phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người. Các đại dịch cúm trong lịch sử phần lớn do chủng cúm A gây ra, như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1… Cúm C có hiểu hiện bệnh rất nhẹ, ít lây nhiễm ở người. Cúm B cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và có thể lây truyền quanh năm.
"Việc cúm A hiện đang gia tăng có thể kéo theo các loại dịch bệnh khác cũng ngấp nghé xuất hiện trở lại. Trong đó, cúm B cũng đang là một trong những loại dịch có thể sẽ trở lại trong thời gian tới. Khi miễn dịch cộng đồng bị yếu đi, việc cúm B xuất hiện trở lại là điều tất yếu", BS Thiệu cho biết.
Cúm B nguy hiểm thế nào?
Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền từ động vật sang người như cúm A. Cúm B chỉ có thể gây bệnh cúm thông thường, không gây ra đại dịch. Tuy không phổ biến như cúm A nhưng cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với các nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, có bệnh lý nền mạn tính như:
- Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào nếu mắc cúm cũng có thể sinh non hoặc sảy thai.
- Trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính về chuyển hoá, tim, phổi, thận…
- Người bị suy giảm miễn dịch: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp..
Cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus sau đó chạm tay vào mũi, miệng.
Cúm B có thể khiến phụ nữ mang thai đối diện với nguy cơ sinh non hoặc sảy thai
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khẳng định cả hai loại cúm A và B đều có thể phát triển thành bệnh nghiêm trọng như nhau. Quan niệm trước đây cho rằng cúm B nhẹ hơn là sai lầm. Do đó, chúng ta không vì thế mà chủ quan với bệnh cúm B.
Các biến chứng của cúm B
- Viêm phổi tiên phát: Sốt liên tục, sốt cao trên 39 độ C kéo dài 3-5 ngày không hạ; Hô hấp khó khăn, thở nhanh, thở gấp, nặng hơn có thể gây ra suy hô hấp, suy tuần hoàn; Có thể kèm theo ho khạc đờm, run chân tay, da xanh tái.
- Viêm phổi thứ phát: Thường gặp ở người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, người có đề kháng yếu với tình trạng sốt cao trở lại sau khi đã hạ sốt được 2-3 ngày; hô hấp khó thở, đau tức ngực, ho khạc đờm, da xanh tái, suy kiệt, mệt mỏi…
"Sau thời gian ủ bệnh và khởi phát bệnh, người mắc cúm B sẽ cần 5-7 ngày để đẩy lui các triệu chứng bệnh. Đa phần các triệu chứng cúm sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có những người nguy cơ cao (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền mạn tính…) dễ gặp các biến chứng khi bị cúm: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn, viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, viêm rễ thần kinh… Những đối tượng có nguy cơ cao thì không nên chủ quan điều trị tại nhà, nên đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời", BS Thiệu cho biết.
Triệu chứng của cúm B
Cúm B thường có một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh thuộc đường hô hấp trên khác. Một số triệu chứng có thể kể tới như:
- Ho, đau hoặc ngứa rát cổ họng
- Viêm họng
- Chảy nước mũi
Cúm B ngoài gây sốt, ho,...còn gây đau đầu, nhức mỏi cơ thể
- Hắt hơi liên tục
- Các triệu chứng toàn thân khi nhiễm cúm B là mệt mỏi, đau nhức cơ thể, sốt cao có thể lên tới 41 độ C mà không hạ sốt được thì cần đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị.
Một số triệu chứng khác có thể gặp khi nhiễm cúm B là:
- Sốt vừa đến sốt cao (trên 39 độ C)
- Ớn lạnh toàn thân
- Hoa mắt, đau đầu
- Đau nhức cơ, đau khi vận động
- Tiêu chảy, đau dạ dày
- Buồn nôn và nôn
- Chán ăn, khô miệng
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, khi trẻ bị nhiễm cúm B rất dễ sốt cao, có thể gây co giật rất nguy hiểm hoặc tiêu chảy, nôn mửa nhiều gây mất nước, mệt lả. Với những người bị hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… thì các biểu hiện cúm B sẽ có khả năng nặng hơn, thậm chí gây ra một đợt cấp nghiêm trọng.
"Nhìn chung, người mắc cúm B có thể sốt nóng hoặc rét run, nhiệt độ cơ thể khoảng 39-41 độ C trong những ngày đầu phát bệnh. Kèm theo đó là ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Virus cúm B có biểu hiện bệnh giống với cảm lạnh thông thường nên người bệnh cần làm một số xét nghiệm để đánh giá chính xác và có hướng điều trị tích cực", BS Thiệu khuyến cáo.
Khi nào người mắc cúm B cần đến viện?
Theo BS Thiệu, khi người bệnh gặp các dấu hiệu sau thì cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng:
- Người lớn: Khó thở hoặc thở gấp, sốt cao trên 39 độ C kéo dài, đau tức ngực, chóng mặt, tiêu chảy kéo dài, nôn ói nhiều…
- Trẻ em (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ): Khó thở hoặc thở gấp, bỏ ăn, mê man, da xanh tái, sốt kèm phát ban hoặc sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài, nôn ói nhiều…
- Người già, người mắc bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch có thể xảy ra biến chứng nặng nếu không may mắc cúm mà không được điều trị kịp thời.
Hãy đến bệnh viện nếu như sốt cao kéo dài
Với bệnh do virus cúm B hay do virus khác gây ra, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị riêng mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể kết hợp với việc bác sĩ xác định tình trạng bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
Ngoài ra, bác sĩ Thiệu khuyến cáo người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều hơn; giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát; uống nhiều nước, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày; bổ sung các loại khoáng chất, vitamin giúp tăng đề kháng, tăng miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng do virus.
"Có thể điều trị cúm B với các thuốc hạ sốt giảm đau không cần kê đơn hoặc trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus để rút ngắn quá trình điều trị, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn và ngăn ngừa biến chứng bệnh.
Cúm B là bệnh có thể phòng ngừa và chặn đứng hiệu quả bằng cách tiêm vắc xin. Tiêm vắc xin giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm đạt tới 97%. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm giúp giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh", BS Thiệu cho hay.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, số ca mắc cúm đang tăng mạnh trên địa bàn thành phố. Theo thống kê từ đầu năm đến 17/7/2022, TP Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, trong tháng 6 đã ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với số mắc ghi nhận trong tháng 5.
Số bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với cúm chiếm 35,1% so với số khám sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm cúm, trong đó bệnh nhân dương tính với cúm A chiếm 97,6%; cúm B chiếm 2,4%. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca, chiếm 18,9% so với số trường hợp dương tính với cúm, trong đó có 02 trường hợp viêm phổi suy hô hấp tiến triển (ARDS) nhập viện.