Thức tỉnh về quản lý tài chính từ trải nghiệm kinh doanh thất bại
Hồng Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) đang làm việc trong lĩnh vực Tài chính Kế toán. Từ những năm đầu của thời sinh viên, cô nàng đã bắt đầu làm thêm và tập tành kinh doanh.
Cũng vì thế, cô có nền tảng tài chính tốt hơn so với nhiều bạn bè đồng trang lứa. Bấy giờ, do nguồn tiền kiếm được ổn định và còn trẻ nên Hồng Ngọc chưa có ý thức cao về quản lý tài chính.
“Trước đấy, mình không biết lý do vì sao mình phải bắt đầu kiểm soát tiền bạc hay theo dõi thu chi mỗi ngày. Thậm chí đến hiện tại, thi thoảng mình vẫn đặt câu hỏi này cho bản thân. Bởi mình từng luôn cho rằng hành động đó là ‘gò ép', làm vơi bớt niềm vui trong cuộc sống và bắt bản thân phải sống trong khuôn khổ do chính mình tạo ra", Ngọc chia sẻ.
Cũng vì thế, cô nàng đã từng có nhiều pha tiêu tiền không cần suy nghĩ. “Hồi đó, mình kiếm nhiều tiêu nhiều, kiếm ít thì tiêu vẫn nhiều. Mình cũng mua sắm online nhiều đến mức mẹ phải bảo tủ quần áo không còn chỗ để đồ nữa.
Một trong những khoản chi mà cá nhân thấy lãng phí nhất là trả góp mua xe máy, tốn hơn 100 triệu đồng vào thời điểm kinh doanh khởi sắc. Tuy nhiên sau đó một thời gian, mình nhận được nhiều bài học kinh nghiệm và có thêm kiến thức trong cuộc sống.
Bây giờ, khi ngẫm lại mình đánh giá đây là khoản chi tiêu lãng phí, bởi nó chỉ đang thỏa mãn nhu cầu được thể hiện bản thân. Bài học này nhắc nhở mình phải chi tiêu thông minh và hợp lý hơn, phân biệt rõ cái CẦN và MUỐN để bảo vệ tài sản do bản thân nỗ lực tạo ra”.
Từ người trẻ chưa quan tâm kiểm soát tài chính thì một sự kiện diễn ra đã khiến Ngọc phải thay đổi hoàn toàn tư duy quản lý dòng tiền ra vào, để bớt đi gánh nặng tiền bạc.
“Sau một thời gian, tình hình kinh doanh của mình không tốt, dẫn đến nợ nần. Từ đó, mình phải thắt chặt chi tiêu để gom tiền trả nợ. Thực ra thời gian đầu khi vướng vào nợ nần, mình cũng coi nhẹ việc tiết kiệm. Vì mình nghĩ ‘thu nhập cũng ổn, bản thân vẫn đủ khả năng trả nợ’. Tuy nhiên, Covid-19 ập đến đã khiến mọi thứ xoay vòng. Do đó, mình bắt buộc phải kiểm soát chi tiêu để tích cóp tiền tối đa, đồng thời giảm thiểu các khoản vay”, cô nàng nhớ lại.
Bí quyết tiết kiệm 5-7 triệu đồng/tháng
Với mức thu nhập hiện tại, Ngọc đang phân chia chúng thành 6 khoản chính gồm: Chi phí sinh hoạt (35%), chi phí học tập và phát triển của con (10%), tiết kiệm dài hạn (20%), đầu tư (20%), học tập và phát triển (10%), biếu tặng (5%).
“Ở mỗi giai đoạn của cuộc sống, mình có thể điều chỉnh tỷ lệ này sao cho phù hợp với mục tiêu và mong muốn của cá nhân, cũng như của gia đình. Hiện tại, do em bé nhà mình còn nhỏ nên chi phí nuôi con không quá lớn. Nhờ đó, gia đình tập trung nhiều hơn vào khoản tích lũy và đầu tư để gia tăng tài sản trong tương lai”, Ngọc nói thêm.
Trong quá khứ, Ngọc không biết lý do vì sao bản thân phải bắt đầu kiểm soát tiền bạc hay theo dõi thu chi mỗi ngày
Theo quan điểm của Ngọc, tiết kiệm tiền là một trong những bước quan trọng để cô nàng đạt được các mục tiêu tài chính đề ra. So với thời chưa biết kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, giờ đây cô có thể tiết kiệm 5-7 triệu đồng/tháng nhờ tuân theo một số nguyên tắc sau:
- Muốn mua đồ nào đắt tiền, cứ viết vào file kế hoạch đã
Ngọc cho hay, khi nhìn thấy hoặc bất chợt muốn mua món đồ nào, bản thân sẽ liệt kê vào file kế hoạch mua sắm. Điều này giúp cô cân nhắc kỹ hơn về quyết định “xuống tiền" và nếu thực sự cần mua, cô sẽ chờ đến dịp sale. Từ đó, Ngọc hạn chế được mua sắm đồ đạc linh tinh mà luôn làm theo kế hoạch đã đề ra. Cũng nhờ phương pháp này, có tháng Ngọc tiết kiệm được 1-2 triệu đồng tiền mua đồ gia dụng linh tinh.
- Tiền không thấy thì không tiêu
Điều đầu tiên Ngọc làm sau khi nhận lương là chuyển thẳng một phần vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư, thay vì nghĩ bản thân cần mua gì. Điều này giúp cô tránh chi tiêu quá lố vì luôn có sẵn tiền. Đồng thời, cô cũng hạn chế dùng tiền mặt và liên kết tài khoản hay thẻ ngân hàng với các ứng dụng mua sắm để giảm bớt sắm đồ thiếu kiểm soát.
- Giảm bớt khoản chi “love yourself":
Nếu như trước đây, mỗi tháng cô dành khoảng 400 ngàn đồng để làm nail 2 lần/tháng, 1,5 triệu đồng đi spa và làm tóc, chưa kể tiền mua nước hoa và túi xách… thì sau khi cắt giảm chi tiêu, Ngọc có thể tiết kiệm đến 2-3 triệu đồng/tháng. Những khoản tiền nghĩ là “yêu bản thân" nhưng thực chất lại đang bào mòn sức lao động của mình.
- Quy đổi giá thành món đồ muốn mua ra giờ làm việc
Để giảm “nghiện" mua sắm và săn sale, cô thường quy đổi giá trị món đồ muốn mua ra số giờ làm việc. Ví dụ, nếu tính mua đôi giày trị giá 2 triệu đồng, cô sẽ quy chúng thành 6 giờ làm việc và tự hỏi bản thân: “Đôi giày có đáng để mình đổi lấy như vậy không?”. Ngọc nhận định đây là cách giúp cô nàng tiết kiệm được nhiều nhất trong các hoạt động chi tiêu mua sắm.
- Lập tài khoản tiết kiệm
Trước đây, Ngọc từng nuôi heo đất và bỏ tiền tiết kiệm mỗi ngày. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra phương pháp chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn. Bởi tiền đem đi nuôi heo đất không thể sinh lời. Sau đó, cô quyết định gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm tích lũy. Điều này giúp tiền của Ngọc không bị mất giá theo thời gian.
- Hạn chế lướt MXH
Theo Ngọc, nguyên nhân khiến tiền của nhiều người “bay màu" nhanh là vì dành phần lớn thời gian cho việc mua sắm online. Nếu bạn giảm bớt thời gian lướt MXH, cá nhân sẽ không bị “móc túi” bởi nội dung hút mắt.
Ngọc cho biết thêm, trong chi tiêu hàng tháng, có những món đồ cô chấp nhận mua đắt, nhưng thực chất lại sinh lời và tiết kiệm nhiều hơn cho chủ nhân. Một vài món đồ mà cô nghĩ mọi người nên mua hàng đắt tiền, nhưng đem lại giá trị cao, kể đến như:
- Trang phục
Hiện, Ngọc không còn sắm quá nhiều trang phục. Song nếu đã mua thì cô ưu tiên chọn quần áo đến từ nhãn hàng uy tín, chấp nhận giá thành cao thì chất lượng cũng cao. Bên cạnh đó, cô nàng còn chọn sản phẩm có tính linh hoạt, sử dụng được trong nhiều trường hợp. “Lúc mua có thể đau ví, nhưng mình dùng vài năm mà vẫn thấy chúng đẹp thì vô cùng đáng tiền”, Ngọc tỏ,
- Điện thoại mới
Ngọc chỉ thay mới điện thoại khi máy cũ không thể đáp ứng được yêu cầu của công việc hiện tại, đồng thời không bao giờ bán lại máy cũ.
Thêm vào đó, cô còn “nói không" với mua điện thoại cũ vì cô nghĩ sản phẩm mới có chế độ bảo hành và hậu mãi tốt hơn. Ngoài ra, cô quan niệm, điện thoại là nơi cất giữ nhiều thông tin cá nhân, do đó nếu mua lại máy cũ thì có thể đem lại ưu thế về tiền nhưng không đảm bảo được an toàn.
- Kindle
Ngọc nhận định đây là một trong những khoản đầu tư đáng tiền nhất của bản thân. Lúc mới mua, cô nàng còn cân đo đong đêm nhiều lần, vì sợ rằng mua xong sẽ không cần xài đến. Nhưng thực tế, sau khi mua kindle, thời gian cô sử dụng nó còn nhiều hơn dành cho điện thoại. Với Ngọc, kindle không chỉ có giá trị về mặt phát triển bản thân mà còn giúp cải thiện các vấn đề của mắt.
Ảnh: NVCC