Câu chuyện về Denise Sandquist - cô gái Thụy Điển tha thiết tìm lại gia đình đã mất liên lạc ở Việt Nam vẫn đang được cộng đồng mạng quan tâm đặc biệt. Denise Sandquist chào đời vào năm 1991 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sau đó cô được cặp vợ chồng người Thụy Điển nhận nuôi. Có một cuộc sống đầy đủ suốt 25 năm, song cô gái gốc Việt vẫn đau đáu hướng về cội nguồn. Cô mong ước một ngày được gặp lại bố mẹ đẻ tại chính mảnh đất mình đã cất tiếng khóc chào đời.


Denise chia sẻ về hành trình tìm bố mẹ ruột của mình ở Việt Nam - Thực hiện: Quỳnh Trân.

 - Ảnh 2.
Denise Sandquist đã trở về Việt Nam để tìm bố mẹ ruột chỉ với một chút thông tin và giấy tờ ít ỏi mà cô có được.

Người phụ nữ có ngoại hình và sở thích giống Denise đến kỳ lạ

Gần đây, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, Denise đã tìm và liên lạc với một cô gái có khuôn mặt giống mình đến 80%. "Trong vòng chưa đầy 1 tuần sau khi tôi bắt đầu tìm kiếm bố mẹ đẻ của tôi, với sự giúp đỡ của nhiều người bạn, tôi thấy chị Uyên Betty Trần rất giống với tôi. Chị Betty cũng nói nhiều ngôn ngữ và luyện kickboxin, karate và chúng tôi cũng cùng mang họ Trần như nhau", Denise chia sẻ sau cuộc gặp với cô gái tên Uyên.

 - Ảnh 3.
Denise (trái) và cô gái tên Uyên có ngoại hình và sở thích rất giống nhau.

 - Ảnh 4.
Denise cho biết cô muốn làm một bài kiểm tra DNA theo lời khuyên của mọi người nhưng vẫn đang gặp nhiều trở ngại vì chi phí đắt đỏ.

Denise Sandquist không có nhiều thông tin về mẹ đẻ. Cô cũng không biết tên, tuổi và quê quán của cha. Những giấy tờ còn lưu giữ được cho biết mẹ ruột của Denise tên Nguyễn Thị Diệp, quê Hà Sơn Bình (một tỉnh từng tồn tại ở Bắc Bộ, Việt Nam từ 1975 đến năm 1991 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình).

Theo lời kể của bố mẹ nuôi, bố đẻ của Denise từng làm ở một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Khi đó (khoảng năm 1990 hoặc 1991), công ty của ông bị phá sản. Vì nhiều vấn đề, bà Diệp trở thành mẹ đơn thân. Mối liên hệ duy nhất của con người Denise ở hiện tại và đất nước Việt Nam là qua cái tên Trần Thanh Hương trong giấy khai sinh. Cô suy đoán, bố mình có thể mang họ Trần.

Trao đổi với chúng tôi, chị Uyên cho biết: "Mấy hôm nay có nhiều người gọi điện thoại, tôi cũng bất ngờ vì không xem facebook nên không biết trường hợp của Denise. Sau khi online facebook, tôi mới thấy tin nhắn của em Denise và em mong muốn được gặp gia đình tôi".

 - Ảnh 5.
Hình ảnh lúc nhỏ của Denise và chị Uyên.

 - Ảnh 6.

Chị Uyên cho biết, chị khá bất ngờ vì không những có ngoại hình giống nhau mà Denise và chị còn có rất nhiều điểm chung. Cả 2 đều có năng khiếu ngoại ngữ nên đều nói được 5 thứ tiếng, mê boxing, bố của chị Uyên còn là một Huấn luyện viên võ Vovinam.

Tuy nhiên, sau khi đã hỏi thăm thì Denise biết rằng bố mẹ của chị Uyên đều không khớp với những thông tin mà cô có được, nên cô nghĩ rằng rất có thể hai người là chị em họ. "Tôi cũng không có những thông tin về bố, nên chưa xác định được mối quan hệ ra sao, không ngoại trừ trường hợp người giống người, nhưng dù sao chúng tôi vẫn sẽ có cuộc thử nghiệm DNA sớm", Denise chia sẻ.

Cô gái Thụy Điển sẽ phải làm những thủ tục gì để được nhận lại bố mẹ ruột?

Pháp luật Việt Nam không ngăn cấm việc con quay trở lại tìm kiếm và chung sống với cha mẹ ruột, vì đây là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần nguồn cội của con người gốc Việt, dù sống ở bất cứ đâu trên thế giới.

Chuyên gia Pháp Luật Nguyễn Trung Tín cho biết, căn cứ vào khoản 1 Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con có quyền nhận lại cha, mẹ ruột ngay cả trong trường hợp cha, mẹ ruột đó đã chết. Nhận lại cha, mẹ ruột là quyền cơ bản của công dân Việt Nam được quy định tại Điều 43 Bộ Luật Dân sự 2005.

 - Ảnh 7.
Giấy khai sinh và biên bản giao nhận con mà cô gái này còn lưu giữ được.

Theo đó, để nhận lại cha, mẹ ruột tại Việt Nam, cô gái người Thụy Điển cần phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 43, Điều 44 Luật Hộ tịch năm 2014 và Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP, cụ thể:

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ ruột là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận làm cha, mẹ ruột. Ví dụ: cha, mẹ ruột của cô Denies hiện đang cư trú ở Quận Ba Đình, Hà Nội thì thủ tục nhận cha, mẹ ruột phải được đăng ký tại Quận Ba Đình, Hà Nội.

Người xin nhận cha, mẹ ruột phải nộp mẫu tờ khai kèm theo giấy tờ, đồ vật, tài liệu, bản sao hộ chiếu cá nhân… để chứng minh cho mối quan hệ cha, mẹ ruột (như giấy khai sinh, bản xét nghiệm AND, đồ vật kỷ niệm gắn liền với cha, mẹ ruột, thư từ, phim ảnh,…).

Kể từ thời điểm nhận con nuôi, cha mẹ nuôi hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giám hộ cho con nuôi. Theo quy định tại khoản 4, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

Tuy nhiên, con thành niên từ 18 tuổi trở lên hoàn toàn có quyền nhận cha, mẹ ruột mà không ai có quyền ngăn cản, cấm đoán. Trong trường hợp cha mẹ nuôi của cô Denise không đồng ý với việc nhận lại cha mẹ ruột của cô thì có thể yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo khoản 1 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

Từ những phân tích pháp lý nêu trên, có thể nhận thấy pháp luật Việt Nam đã tạo điều kiện cho việc nhận cha, mẹ ruột và đây là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người, không một cá nhân, tổ chức nào (kể cả trong và ngoài nước) được phép cản trở, hay ngăn cấm việc nhận lại cha, mẹ, con.