Thẻ tín dụng không còn là khái niệm xa lạ với mọi người, nhất là khi các hình thức thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Trong quan điểm của số đông, thẻ tín dụng tuy tiện lợi nhưng có thể hình thành thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát. Điều này đến từ tính chất “vay nợ trước trả tiền sau" của hình thức thanh toán này.
Dẫu vậy, có những người trẻ cho hay đã học được cách thắt chặt chi tiêu hơn sau khi dùng thẻ tín dụng. Điều này đến từ tâm lý: Khi đã vay tiền, chúng ta tự nhiên sẽ biết kiếm tiền và chi tiêu thông minh để nhanh chóng thoát cảnh nợ nần.
Thay đổi cái nhìn về thẻ tín dụng
Ngân Quỳnh (23 tuổi, ở Hà Nội, nhân viên văn phòng) mới bắt đầu dùng thẻ tín dụng vào đầu năm nay. Trước đó, cô bạn có cái nhìn khá tiêu cực về loại thẻ này bởi cho rằng chúng có thể khiến bản thân chi tiêu thiếu kiểm soát. Cũng vì thế, mỗi lần đến ngân hàng và nhận được đề nghị tư vấn mở thẻ tín dụng từ nhân viên, Ngân Quỳnh đều từ chối trao đổi thêm.
“Khi còn nhỏ, mình thấy bố mẹ phải vất vả trả nhiều khoản vay để xây nhà, đóng học phí cho con… nên từ lâu đã hình thành tâm lý ám ảnh sợ nợ nần. Mình biết thẻ tín dụng đầu tiên qua những thông tin trên mạng, nói nó là ‘thẻ vay nợ'. Chỉ riêng cái từ ‘vay nợ' đã khiến bản thân không muốn tiếp tục tìm hiểu về thẻ này rồi", Quỳnh nói.
Cái nhìn tiêu cực của Ngân Quỳnh về thẻ tín dụng đã thay đổi khi cô nói chuyện với một người bạn là du học sinh ở Hàn Quốc mới về nước. Theo đó, bạn của Ngân Quỳnh sử dụng thẻ tín dụng trong rất nhiều khoản chi tiêu, đặc biệt xem nó như giải pháp tốt khi thiếu tiền nhưng không thể vay tiền từ ai.
“Bạn mình kể xài thẻ tín dụng rất nhiều, từ mua đồ uống cho tới đi mua sắm, đóng tiền nhà. Vì là du học sinh nên khó tìm người vay mượn nên bạn mình thường dùng thẻ tín dụng đóng học phí mỗi khi bị chậm lương, hoặc cần tiền gấp.
Khi nói chuyện với bạn, mình bớt cái nhìn tiêu cực về thẻ tín dụng là chúng chỉ khiến bản thân có nợ nần. Mà thẻ tín dụng là cái giúp mình mua được thứ bản thân muốn trước, sau đó nỗ lực kiếm tiền để trả lại khoản đó. Đằng nào mình cũng sở hữu món đồ đó, tại sao mình không mua sớm hơn, đổi lại là bỏ ra ít khoản tiền lãi", Quỳnh chia sẻ.
Lần đầu tiên Quỳnh sử dụng thẻ tín dụng là vào đầu năm nay, khi cô nàng phải đóng tiền thi lại chứng chỉ tiếng Anh khoảng 6 triệu đồng. Chỉ một tháng sau, cô có thể dùng tiền lương bù vào tiền vay, không cần trả tiền lãi nên không thấy bản thân nặng nề trong khía cạnh tài chính.
“Đợt đó, mình đóng tiền thi lại chứng chỉ tiếng Anh ngay sau khi biết tin thi trượt lần một, vì không muốn kiến thức bị mất đi theo thời gian. Lần quẹt thẻ đó khiến mình khá vui vì không cần tìm ai vay tiền hoặc nói lý do mình thi trượt.
Vả lại, mình biết khoản tiền đó nhất định phải trả trong tương lai, nên không cảm thấy lo lắng vì đã vay tiền. Sau đó, mình đã lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm nên đến hạn thanh toán là trả được”, Quỳnh nhớ lại.
Từ trải nghiệm vay nợ bằng thẻ tín dụng đầu tiên, Quỳnh bắt đầu xài loại thẻ này nhiều hơn trong cuộc sống, bên cạnh thanh toán tiền mặt và dùng tài khoản ngân hàng.
“Mình dùng thẻ tín dụng vì thấy 2 lợi ích của nó. Thứ nhất khi trả tiền bằng thẻ tín dụng sẽ nhận được một số ưu đãi giảm phí mua hàng. Ngoài ra, mình còn dùng thẻ trong trường hợp cần tiền chi tiêu gấp nhưng không muốn mở lời vay nợ ai".
Dùng thẻ tín dụng khiến bản thân “ảo tưởng" về tài chính cá nhân?
Theo cá nhân Quỳnh, mỗi người dùng thẻ tín dụng với mục đích khác nhau. Cũng vì thế, nhiều người cho rằng “thẻ tín dụng" có thể gây ảo tưởng về tài chính, khiến họ chi tiêu bốc đồng nhưng Quỳnh lại suy nghĩ ngược lại.
“Thời gian mới dùng thẻ, mình cũng có chút lo lắng. Vì sợ bản thân lỡ tiêu quá tay thì không thể trả nợ được. Vả lại, mình từng là người tiêu tiền theo cảm hứng, rất khó để dành được một khoản tiết kiệm.
Vậy nên mỗi lần cần dùng thẻ tín dụng, mình luôn cố gắng tiết kiệm tiền để trả lại trong thời gian sớm nhất. Trộm vía đến giờ mình chưa phải trả tiền thanh toán chậm. Mình thấy chi tiêu bằng thẻ tín dụng còn khiến bản thân học cách xài tiền có kế hoạch. Vì đang có khoản vay cần trả nên mình sẽ cố gắng tìm cách gia tăng thu nhập hoặc chi tiêu tiết kiệm", Quỳnh bày tỏ.
Quỳnh cho rằng, bất kể bạn dùng tiền mặt, thẻ tín dụng hay chỉ chuyển khoản ngân hàng, điều quan trọng nhất để không rơi vào cảnh vỡ nợ là chỉ tiêu tiền và vay tiền trong ngân sách cá nhân. Với kinh nghiệm dùng thẻ tín dụng nhưng luôn thanh toán đúng hạn, Quỳnh chia sẻ vài tips để quản lý chi tiêu như sau:
- Nhớ ngày thanh toán đúng hạn: Điều này rất quan trọng để tránh bị phạt vì trả tiền chậm. Số tiền này còn nhân theo cấp số nhân nên khi bạn quên trả tiền quá lâu thì số tiền thanh toán cũng không phải con số nhỏ.
- Giới hạn khoản tiền xài thẻ tín dụng: Khi dùng thẻ tín dụng, Quỳnh chỉ chi tiêu số tiền nhiều nhất là 50% thu nhập hàng tháng. Bởi cô biết khoản tiền này bản thân có thể cố gắng trả ngay, không cần phải vay thêm hay kéo dài thời gian trả tiền trên thẻ tín dụng.
Cũng vì sợ bản thân lỡ tay tiêu xài quá nhiều bằng thẻ tín dụng, Quỳnh dùng cả 3 hình thức thanh toán là tiền mặt, tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng. Quỳnh dùng thẻ tín dụng hàng tháng nhưng cô chỉ quẹt thẻ khi muốn sắm một món đồ mà chưa có đủ tiền ngay tại thời điểm muốn mua. Còn trong sinh hoạt hàng ngày, cô bạn dùng 2 hình thức thanh toán còn lại.