Trong giới săn học bổng, cái tên Hoa Dinh hay Hannah Dinh không còn xa lạ. Cô gái sinh năm 1989 chính là người sáng lập ra Scholarship for Vietnamese - Fanpage hữu ích về học bổng du học. Hiện tại fanpage này có hơn nửa triệu thành viên, mỗi bài đăng đều nhận được sự quan tâm lớn.
Từ cô sinh viên miền núi đến nữ Thạc sĩ Đại học Waikato, NewZealand
Được biết, Hoa Dinh (hay Hanna Dinh) tên thật là Đinh Thị Thanh Hoa. Cô gái 8x sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình. Ngay từ những năm phổ thông, Hoa đã có thành tích học tập tốt và sau đó thi đỗ Đại học Ngoại thương - ngôi trường top đầu cả nước về khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, mục tiêu của Hoa không chỉ dừng ở việc học tập trong nước, mà là đi du học, được trải nghiệm ở những chân trời xa lạ.
Vì kinh tế gia đình không cho phép nên sau khi tốt nghiệp loại giỏi Đại học Ngoại thương, Hoa Dinh bắt đầu hành trình tìm kiếm học bổng. 8x từng thất bại bầm dập, trượt hơn 10 học bổng. Nhìn bạn bè dần ổn định, còn mình vẫn chơi vơi khiến Hoa không ít lần nhụt chí. Thế rồi, 8x tình cờ đọc được những bài chia sẻ kinh nghiệm tìm học bổng của các anh chị đi trước.
Cô gái Ninh Bình nhận ra con đường chinh phục học bổng không hề dễ dàng và rất nhiều người cũng từng thất bại ê chề. Càng tìm hiểu kinh nghiệm của người đi trước, Hoa càng nhận ra mình cần làm gì, sửa đổi ở đâu và nên chuẩn bị ra sao.
Trái ngọt đến vào năm 2013: Hoa trúng tuyển suất học bổng toàn phần tại trường Đại học Waikato, NewZealand trị giá gần 2 tỷ đồng. Trong suốt những năm tháng học tập ở xứ người, Đinh Thị Thanh Hoa đã đạt được loạt thành tích khiến ai cũng phải ngả mũ thán phục:
> Bằng giỏi thạc sĩ đại học Waikato NewZealand, ngành Quản trị chuyên ngành Tài chính.
> Từng làm việc cho PwC Việt Nam, Microsoft Singapore, Facebook Ireland và hiện tại là Google trụ sở chính châu Âu.
> Là sáng lập và điều hành của cộng đồng HannahEd và fanpage Scholarship for Vietnamese Student với hơn nửa triệu thành viên.
> Từng sinh sống ở 5 quốc gia: ̣Việt Nam, New Zealand, Singapore, Saudi Arabia, Ireland, đi hơn 20 nước như: Mỹ, Úc, Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Estonia, Thái Lan,...
> Có bằng Quản trị rủi ro tài chính ̣(Financial risk management - FRM) và phân tích tài chính CFA level 1
Thành công chinh phục cả 3 "ông lớn công nghệ" Microsoft, Facebook và Google
Được 1 trong 3 "ông lớn" Microsoft, Facebook hoặc Google mời làm việc đã khó. Đằng này, Hoa Dinh còn từng "chinh phục" cả 3. Theo đó, 8x từng làm việc cho Microsoft Singapore, Facebook Ireland và tháng 4 năm nay, cô nhận được lời mời của Google, trụ sở chính tại châu Âu.
Nói về việc được Google mời làm việc, Hoa Dinh cho biết: "Cuối năm ngoái, mình có nhận được tin nhắn của HR Google qua LinkedIn cho vị trí Quản lý vận hành. Thực ra khoảng vài năm trước, mình cũng có lời mời phỏng vấn cho Youtube tại Singapore. Tuy nhiên thời điểm đó, mình chưa chuẩn bị kỹ và vì kế hoạch cá nhân thay đổi nên chưa đầu tư vào phỏng vấn. Kết quả là trượt sau hai vòng đầu.
Sau khi trao đổi với HR Google, thấy vị trí phù hợp với kinh nghiệm của bản thân nên mình đã tiếp tục vào bốn vòng phỏng vấn còn lại. Tham gia phỏng vấn có sếp trực tiếp, các bạn cùng team và các bạn ở các phòng ban liên quan. Trong quá trình phỏng vấn, mình được HR hỗ trợ chuẩn bị, cũng như lên mạng tìm thêm thông tin và từ bạn bè.
Các vòng phỏng vấn của Google kiểm tra rất nhiều kiến thức thực tiễn về vị trí, khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,... Sau bốn vòng phỏng vấn, mình vào vòng đàm phán lương, thưởng, kí hợp đồng, xác minh hồ sơ và sẵn sàng làm việc. Cả quá trình kéo dài tới vài tháng".
Nói về việc được Google chọn, Hoa Dinh cho rằng, sự chuẩn bị tốt, tập luyện phỏng vấn rất quan trọng để ứng viên tự tin hơn. Ngoài ra bạn phải hiểu bản thân, những dự án, thành tựu mình đã làm được trong suốt khoảng thời gian đi làm. Quan trọng nhất, bạn cần tham khảo kinh nghiệm của người đi trước. "Những điều này được chia sẻ cũng khá nhiều trên mạng nên ứng viên nên chủ động tìm kiếm cho bản thân, không nên thụ động", 8x đưa ra lời khuyên.
Từ Microsoft, Facebook đến Google, Hoa Dinh nhận thấy một hồ sơ hoàn chỉnh và đa dạng sẽ là điểm thu hút khiến các ứng cử viên lọt vào mắt xanh của các “ông lớn công nghệ”. Cụ thể, 8x cho hay: "Về hồ sơ bản thân, phần học thuật ngoài bằng truyền thống như Đại học và Thạc sỹ, mình cũng có thêm các chứng chỉ quốc tế như FRM, CFA. Phần kinh nghiệm làm việc, mình cũng đã từng làm ở các công ty đa quốc gia như PwC Việt Nam, dự án tháng ở New Zealand. Ngoài ra mình có tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng, networking và các buổi hội thảo.
Về mặt đa dạng, mình có kinh nghiệm làm việc sinh sống ở nhiều nơi. Như vậy cũng khẳng định được khả năng hòa nhập, làm việc tốt trong môi trường cực kỳ đa dạng văn hóa như các công ty công nghệ".
Cuối cùng, Hoa Dinh chỉ ra một mấu chốt giúp các ứng cử viên có thể lọt vào mắt xanh của các "ông lớn công nghệ". Đó chính là công cụ LinkedIn! "Khi còn ở Singapore, mình tham gia một chương trình Mentorship của Giám đốc Ngân hàng DBS, ông đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng LinkedIn như một cách để quảng bá hình ảnh bản thân. Mình thấy nó thực sự hiểu quả khi công việc tại Microsoft, Facebook, Google mình đều không tự xin mà là nhà tuyển dụng tự tìm đến mình", 8x cho hay.
Hoa Dinh
Cơ hội có thể đến sớm, đến muộn nhưng các bạn cần phải kiên trì và không ngừng hoàn thiện bản thân hơn.
Thực tế, có rất nhiều bạn trẻ có thành tích xuất sắc nhưng lại e ngại, không dám nộp đơn vào các tập đoàn lớn. Bởi tâm lý “nhỡ đâu không trúng tuyển”, “trượt thì xấu hổ lắm”,...Từ kinh nghiệm của mình, Hoa Dinh cho rằng các bạn trẻ cần có tâm lý thử thách bản thân. Nếu thành công thì rất tuyệt vời. Nếu chưa thành công thì đây cũng là cơ hội để bản thân rèn luyện miễn phí kĩ năng xin việc, phỏng vấn.
"Một điều nữa là cơ hội có thể đến sớm, đến muộn nhưng các bạn cần phải kiên trì và không ngừng hoàn thiện bản thân hơn. Như mình có nói, thực ra trước đây mình từng có cơ hội phỏng vấn cho Youtube nhưng trượt. Mãi vài năm về sau, mình mới quay trở lại và nhận được lời mời làm việc cho Google", 8x đưa ra lời khuyên.
Muốn xin được học bổng, du học sinh phải đạt đủ 3 tiêu chí
Như đã chia sẻ ở trên, ngoài công việc ỏ Google, chị Hoa Dinh còn là người sáng lập ra Scholarship for Vietnamese - Fanpage chuyên chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng. Từ kinh nghiệm đồng hành cùng du học sinh nhiều năm nay, Hoa Dinh đã rút ra 3 điều giúp con đường xin học bổng của các bạn trẻ bớt gập ghềnh
"Mình xin học bổng từ năm 2011, chuẩn bị từ những năm đầu vào Đại học, còn ước mơ đi học ấp ủ từ những năm cấp ba. Trong gần 10 năm qua, mình đã đồng hành, hỗ trợ hàng nghìn bạn học sinh vươn tới ước mơ học bổng qua các chương trình Mentor và lớp học bổng của Scholarship for Vietnamese students. Mình thấy có một số điểm chung của các bạn được học bổng là:
- Có mục tiêu rõ ràng: Các bạn muốn đi du học để làm gì, cần mức học bổng bao nhiêu để lên chiến lược phù hợp.
- Có sự chuẩn bị tốt từ những yếu tố của bản thân như học tập, kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu, ngoại khóa tới hồ sơ như bài luận, thư giới thiệu,...
- Có sự kiên trì, không bỏ cuộc từ sớm. Rất nhiều bạn nộp vài học bổng, thậm chí vài năm mới đạt được ước mơ du học của mình".
Đừng ngại khi giọng tiếng Anh của mình không hay như người bản xứ
Làm việc ở môi trường quốc tế, tất nhiên ngoài năng lực công việc thật giỏi thì tiếng Anh trơn tru phải là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên có một điều đáng buồn là khá nhiều bạn du học sinh dù sang nước ngoài học tập khá lâu nhưng vẫn bị ngại, vấp khi nói tiếng Anh. Ngoại ngữ chỉ ở mức khiến người nghe hiểu, chứ không hoàn toàn thành thạo.
Về điều này, Hoa Dinh đã có những chia sẻ thiết thực: "Hồi mới lên học Đại học, mình cũng có tâm lý ngại và tự ti về khả năng tiếng Anh, đặc biệt là khả năng nói. Mình học Ngoại thương, các bạn hầu như giỏi, năng động, nói giọng hay. Khi ấy bí quyết đầu tiên của mình là tích cực tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, đặc biệt là luyện nói. Bí quyết thứ hai là chị khó nghe, bắt chước, và trau dồi vốn từ vựng, cấu trúc câu để có nguồn sẵn khi muốn trình bày ý tưởng.
Cuối cùng là chấp nhận rằng giọng tiếng Anh của mình không thể hoàn hảo như người bản xứ. Nếu làm việc ở nước ngoài, các bạn sẽ thấy người Ấn hay Pháp, Ý nói tiếng Anh vẫn có chất giọng nước họ. Quan trọng là mình vẫn có thể diễn đạt ý tưởng của mình một cách tự tin".