Khi nghĩ về quy trình thông thường của cấy que tránh thai, có lẽ không ai nghĩ có liên quan đến việc gây hở van tim và phải can thiệp phẫu thuật. Thế nhưng đó lại là trải nghiệm của một phụ nữ trẻ đến từ Victoria (Úc).

Cụ thể, theo NYPost, cô gái tên là Cloe Westerway, 22 tuổi. Hai năm trước, cô cấy que tránh thai tại một phòng khám tư. Những ngày sau đó, cuộc sống của cô bắt đầu thay đổi. Cloe bắt đầu cảm thấy tim đập nhanh, đổ mồ hôi quá nhiều và có triệu chứng ợ nóng. Ngay lập tức, cô cảm thấy có điều gì đó không ổn.

Cô gái trẻ bị hở van tim do dùng biện pháp tránh thai nhiều chị em thời nay rất chuộng - Ảnh 1.

Cloe Westerway, 22 tuổi, chuẩn bị phẫu thuật tim sau khi biết que tránh thai "đi lạc".

Cô tìm đến các bác sĩ với mong muốn tháo bỏ que tránh thai. Tuy nhiên, các bác sĩ không tìm thấy que tránh thai ở vị trí được cấy vào trước đó. Khi thăm khám mới biết, que tránh thai đã "đi lạc" vào động mạch phổi, gây nên tình trạng hở van tim. 

Chia sẻ với kênh truyền hình Australia 7news, Cloe cho biết: "Que tránh thai đi qua tĩnh mạch, qua tâm thất phải và nằm ở tâm thất trái của tôi". Cô gái trẻ này sau đó phải trải qua ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng, nằm phòng ICU 3 ngày và sau nhiều tháng mới phục hồi cơ thể.

Mặc dù sự cố hở van tim do cấy que tránh thai rất hiếm gặp nhưng đây cũng là bài học cho chị em phụ nữ trong phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Tốt nhất, chị em nên thảo luận mọi rủi ro với bác sĩ để tìm ra lựa chọn phù hợp nhất với mình.

Cô gái trẻ bị hở van tim do dùng biện pháp tránh thai nhiều chị em thời nay rất chuộng - Ảnh 2.

Các bác sĩ đã phát hiện ra điều này sau khi Cloe Westerway bắt đầu thấy tim đập nhanh hơn bình thường.

Cấy que tránh thai là gì?

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai mà bác sĩ sẽ dùng một que nhựa nhỏ đưa vào dưới da ở cánh tay.

Que tránh thai này sẽ giải phóng đều đặn progestogen. Đây là một loại hormone ức chế sự rụng trứng, làm đặc chất nhầy cổ tử cung và giúp niêm mạc tử cung ít tiếp nhận trứng đã thụ tinh.

Phương pháp này có thể phòng tránh mang thai ngoài ý muốn với hạn sử dụng 3 năm cho mỗi lần cấy.

Cô gái trẻ bị hở van tim do dùng biện pháp tránh thai nhiều chị em thời nay rất chuộng - Ảnh 3.

Que tránh thai sẽ giải phóng đều đặn progestogen.

Cấy que tránh thai có những ưu điểm - nhược điểm ra sao?

Theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp), cấy que tránh thai hay bất cứ phương pháp tránh thai nào cũng có những ưu - nhược điểm nhất định. 

Cấy que tránh thai có ưu điểm không gây các phản ứng phụ như rong kinh, viêm nhiễm nhưng giá thành thường cao hơn các biện pháp khác. 

Ngoài ra, nó có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và chống chỉ định với các trường hợp bị viêm gan, viêm thận.

"Nguyên nhân của việc bị nhiễm trùng do cấy que tránh thai không phải do phương pháp này mà là do lỗi kỹ thuật. Những thủ thuật khi cấy que tránh thai không đảm bảo khâu vệ sinh, tay nghề bác sĩ… đều có thể dẫn đến những rủi ro không mong muốn như nhiễm trùng", BS Dung khẳng định.

Cô gái trẻ bị hở van tim do dùng biện pháp tránh thai nhiều chị em thời nay rất chuộng - Ảnh 4.

Cấy que tránh thai hay bất cứ phương pháp tránh thai nào cũng có những ưu - nhược điểm nhất định.

Làm sao để tránh trường hợp que tránh thai "đi lạc" trong cơ thể?

BS Dung chia sẻ, bản thân cũng từng cấp cứu cho một phụ nữ gặp tai nạn khi lấy que tránh thai ra khỏi cánh tay theo thời hạn. Bác sĩ không tìm thấy que tại vị trí cấy do người phụ nữ này bồng bế con, thường xuyên tác động vào khu vực cấy que. 

"Tuy nhiên, đây là trường hợp hi hữu, cực hiếm gặp chứ không phải đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ", BS Dung khẳng định.

Chuyên gia khuyên, chị em muốn sử dụng các phương pháp tránh thai như cấy que tránh thai, đều cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên sản phụ khoa để được tư vấn đúng đắn nhất. Nếu muốn sử dụng cách cấy que tránh thai cần tìm đến địa chỉ uy tín để thực hiện, tránh những hậu quả đáng tiếc. 

Sau khi cấy, chị em nên kiểm tra que tránh thai thường xuyên nhằm đảm bảo rằng chúng không "đi lạc" tới bất cứ vị trí nguy hiểm nào trong cơ thể. Nếu có "đi lạc" cũng sẽ có biện pháp can thiệp sớm, tránh những rủi ro đáng tiếc về lâu dài.