Theo The Sun đưa tin, vào tối Chủ Nhật vừa rồi tại thủ đô Vilnius, Litva, một cô sinh viên 19 tuổi có tên là Viktoria Grinkevich, là công dân Belarus đã rơi từ ban công ký túc xá tầng 10 xuống đất dẫn đến tử vong. Theo lời bạn bè của Viktoria, trước đó cô đã bước lên một chiếc ghế đẩu và trèo lên tay vịn của ban công phòng cô ở để cố gắng chụp một bức ảnh selfie trên nền trời đêm của thành phố.
Sau đó, Viktoria đã bị mất thăng bằng và ngã xuống đất. Một chiếc xe cứu thương đã nhanh chóng được gọi đến hiện trường và các nhân viên y tế đã cố gắng trong hơn một giờ đồng hồ để cứu cô thoát khỏi cái chết thảm khốc. Thế nhưng, mọi nỗ lực đều đã không thành công.
Được biết, Viktoria là sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành truyền thông của Đại học Nhân đạo Châu Âu ở Vilnius. Khi nhận được tin, tất cả sinh viên và giáo viên tại trường đều cảm thấy vô cùng sốc trước thảm kịch này.
Hiện nay, cảnh sát thành phố Vilnius đang điều tra và làm rõ tình huống xảy ra vụ tai nạn bất ngờ này. Bộ Ngoại giao Belarus đã xác nhận về trường hợp tử vong của Viktoria.
Đã có rất nhiều trường hợp tử vong vì cố gắng chụp ảnh selfie
Đây không phải là trường hợp đầu tiên nạn nhân tử vong vì cố gắng chụp một bức ảnh tự sướng. Năm ngoái, một blogger du lịch đã lao xuống vực cùng chồng vì cố gắng chụp ảnh tự sướng. Thi thể của cả hai sau đó đã được kiểm lâm của Công viên Quốc gia Yosemite, Califonia tìm thấy.
Tháng 5/2018, 3 thành viên trong một gia đình đã bị chết đuối khi đang chụp ảnh tự sướng trong một ao sâu. Vào tháng 6/2018, Sarita Rammahesh Chouhan đã bị trượt chân và ngã khi đang chụp ảnh selfie tại Matheran, một nhà ga trên đồi ở quận Raigad, Maharrashtra, Ấn Độ. Đầu năm nay, một du khách người Anh và bạn trai người Úc đã rơi xuống vực tử vong khi đang chụp ảnh tự sướng tại một mỏm đá nhìn ra bãi biển ở Bồ Đào Nha.
Xu hướng selfie nguy hiểm chứng kiến hàng trăm cặp đôi liều mạng vì bức ảnh hoàn hảo
Theo nghiên cứu từ các học giả đến từ 3 trường Đại học ở Mỹ, họ phát hiện ra rằng từ năm 2011 đến năm 2017, có 259 trường hợp đã vô tình thiệt mạng bằng nhiều cách khác nhau khi cố gắng chụp ảnh selfie ở khắp nơi trên thế giới. Nguyên nhân khiến những nạn nhân này phải bỏ mạng là vì bị thúc đẩy bởi sự công nhận trên các phương tiện truyền thông xã hội qua số lượt thích, chia sẻ và bình luận với mỗi bức ảnh họ đăng tải.
Đa số các trường hợp tử vong đều là do chết đuối, bị tai nạn giao thông hoặc ngã. Quốc gia xảy ra nhiều trường hợp tử vong nhất là Ấn Độ, chiếm khoảng một nửa số ca tử vong liên quan đến selfie, sau đó là các nước Nga, Mỹ, Pakistan.
(Theo The Sun)