Đã qua 5 năm kể từ khi cô gái trẻ tên Tanza Loudenback thuê căn hộ đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố New York. Cô có một số tiền là quà tặng khi tốt nghiệp và quyết định dùng một phần trong số đó đặt cọc thuê nhà, phần còn lại sẽ dành làm quỹ khẩn cấp. Điều đó có nghĩa là tiền thuê nhà hàng tháng cùng các tiện ích sẽ được chi trả từ tiền lương của cô như tất cả mọi người.
Sau khi tìm hiểu trên Google, cô tìm ra quy tắc chung được các chuyên gia tài chính khuyến nghị và được chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ, đó là chi tiêu không quá 30% tổng thu nhập của bạn cho nhà ở. Sau khi tính toán sơ qua thu nhập và chi tiêu, cô nhận thấy 30% cho nhà ở phù hợp với ngân sách của mình. Và Tanza Loudenback quyết định cam kết thực hiện quy tắc 30% ấy trong suốt 5 năm qua.
Cách cô gái trẻ tuân thủ quy tắc 30% này ở các thành phố đắt đỏ
Với một ngân sách eo hẹp thì 30% thu nhập cho nhà ở là con số khiêm tốn, nhất là khi bạn sinh sống ở một thành phố đắt đỏ.
Và để tuân thủ đúng quy tắc 30%, cô đã phải nhượng bộ một số điều. Cô sống với ít nhất 2 người bạn cùng phòng khác và luôn chọn lựa căn phòng có giá thuê rẻ. Cô phải chọn những chỗ đậu xe bất tiện và phòng ngủ thì không có phòng tắm riêng. Nó có nghĩa là bạn sẽ không được sống trong những căn phòng đẹp đẽ hay tận hưởng những tiện ích tuyệt vời.
Tuy nhiên tiền thuê nhà chưa phải là chi phí nhà ở duy nhất. Chi phí internet thường tốn thêm của Tanza Loudenback khoảng 30 USD mỗi tháng, ngoài ra còn có tiền điện và nước thì không cố định. Thậm chí cô còn từng gặp phải cuộc khủng hoảng khi thanh toán hóa đơn tiền điện lên đến hơn 500 USD.
Những trường hợp như thế, cô đành phải nhờ cậy đến quỹ khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt tiền mặt. Sau đó thì cô lập tức áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để giữ cho chi phí nhà ở duy trì trong mức cho phép.
Giữ cho chi phí thuê nhà ở mức thấp đã mở ra khả năng tiết kiệm
Mỗi lần cô gái trẻ này chuyển nhà, đó là khi cô đã có thu nhập cao hơn. Trước mỗi lần ký hợp đồng thuê nhà, cô luôn làm một phép tính để xem 30% thu nhập sau thuế của mình là bao nhiêu. Và cô sẽ không thuê căn hộ đó nếu số tiền phải trả lớn hơn kết quả phép tính.
Nhà ở là một khoản chi phí không linh hoạt cho lắm vì hợp đồng thuê nhà kéo dài ít nhất là 6 tháng mà thường là 1 năm. Do đó muốn cắt giảm chi phí này thì bạn phải chờ rất lâu, chứ không như khoản chi tiêu cho mua sắm hoặc ăn trưa, bạn có thể cắt giảm ngay lập tức. Bởi vậy mỗi lần thuê nhà chính là một lần cam kết khá lâu dài mà bạn phải suy tính thật kỹ.
Bằng cách kiểm soát chi phí nhà ở của mình, Tanza Loudenback có thể linh hoạt hơn với phần ngân sách còn lại. Khi thu nhập tăng lên, cô dồn tiền vào các nội dung khác trong ngân sách, ví dụ như nâng cấp hạng thành viên phòng tập thể dục, đi du lịch thoải mái. Và một ưu điểm vượt trội khác là nó giúp cô tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Nếu chuyển đến một căn hộ đẹp hơn ở khu phố sầm uất mỗi lần được tăng lương, cô sẽ ngay lập tức tiêu hết số tiền mới kiếm được vào chi phí nhà ở. Thay vào đó, cô đặc biệt lưu tâm đến việc xây dựng quỹ hưu trí. Và cô cũng xây dựng quỹ khẩn cấp dồi dào để chuẩn bị tốt cho những chi phí phát sinh ngoài dự kiến.
Quy tắc 30% có thể linh hoạt tùy theo mỗi cá nhân
Bất kỳ quy tắc nào cũng vậy, nó sẽ không dành cho tất cả mọi người. Bởi vì mỗi cá nhân có hoàn cảnh riêng, sở thích cũng như cách lập ngân sách khác nhau. Nếu bạn chi tiêu ít cho thực phẩm và cũng chẳng ưa thích du lịch mà ở nhà nhiều hơn, bạn hoàn toàn có thể dành hơn 30% thu nhập cho nhà ở. Tuy vậy thì sự chênh lệch chắc chắn là không nên quá nhiều. Cho dù thế nào bạn cũng hãy lấy con số 30% ấy làm điểm cân bằng nhé.
Đối với cô gái trẻ trong câu chuyện thì quy tắc 30% cung cấp cho cô ấy một nền tảng tốt để từ đó xây dựng kế hoạch chi tiêu. Chi phí nhà ở là một khoản chi phí cố định và dài hạn. Khi giữ nó ở mức thấp thì nghĩa là bạn sẽ linh hoạt trong các chi phí khác và tiết kiệm được nhiều hơn về lâu về dài.
Theo: businessinsider