Người mẹ cứ thế đi theo con đường lớn đi và đi. Có một số gia đình tốt bụng đã cho họ cơm ăn và ngủ lại qua đêm đến sáng sớm người mẹ lại tiếp tục đi cứ như vậy vài ngày trôi qua. Một ngày người mẹ dừng lại ở xóm nhỏ xã Vĩnh Yên, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang…
Thấy người mẹ có ý muốn tìm một gia đình hảo tâm để gửi gắm và nuôi dưỡng đứa con gái lớn, rồi chợt nhớ đến người em gái của mình không được may mắn lấy chồng nhiều năm mà không thể sinh con, một người phụ nữ vội vàng đi tìm em gái của mình và đưa 3 mẹ con về nhà riêng nói chuyện. Người mẹ quyết định để lại đứa con gái, hy vọng con mình có thể có được một cuộc sống tốt, đầy đủ khi được che chở bởi một gia đình mới, vợ là giáo viên giỏi và người chồng làm trong bộ đội. Người mẹ ấy là mẹ của tôi và cô bé đó chính là tôi. Định mệnh nghiệt ngã đã chia lìa tôi và gia đình từ ngày hôm đó”.
Chị Kim (ở giữa) chụp ảnh cùng bà ngoại nuôi và mẹ nuôi.
Chị chỉ biết, tên thật của mình do bố mẹ ruột đặt là Trịnh Thị Hoa, chị sinh năm 1989 và có một người em trai nhỏ hơn mình 1 tuổi. Khi được nhận về nuôi, trên cánh tay trái của chị có một vết bỏng rất nặng, bị nhiễm trùng. Năm 2014, người bác nuôi có đưa cho chị một mẩu giấy, trong đó có ghi thông tin về bố mẹ ruột chị: bố đẻ tên Trịnh Văn Ngan (đã mất), mẹ tên Trần Thị Mai (sinh năm 1967), trú tại Cường Đạt (hoặc Cường Trực), huyện Hải Hậu, Nam Định. Đó là những thông tin ít ỏi về gia đình mà chị Kim có được khi đi tìm mẹ. Chị đã về tận nơi để tìm hiểu tin tức về gia đình mình, nhưng tất cả thông tin chỉ đưa về bế tắc.
Chị đã thất lạc mẹ và em 24 năm, và vẫn trong hành trình tìm kiếm để đoàn tụ cùng gia đình ruột của mình.
Chị Kim tâm sự: “Mình không có một chút ký ức nào về mẹ hay em trai mình. Tất cả câu chuyện và thông tin mình có được là do bác nuôi kể lại, khi mẹ nuôi mình mất. Mình tự biết sự thật mình là con nuôi từ rất lâu rồi, khi mình khoảng 4 - 5 tuổi. Lúc biết sự thật, mình đã mặc cảm lắm vì người mình gọi là mẹ không phải mẹ ruột, mình cũng chẳng phải là con mẹ. Thậm chí, mình còn nói láo với mẹ nữa. Nhưng hồi đó còn bé quá, cảm giác ấy cũng không kéo dài. Mẹ nuôi vẫn chăm sóc, lo lắng cho mình, mình cũng dần nguôi ngoai, dần quên đi việc mình không phải do mẹ sinh ra. Rồi đến khi mẹ mất, mình lại một lần nữa bơ vơ. Lúc đó mình lớn rồi, cảm giác cô đơn, hụt hẫng càng lớn, và ý định tìm mẹ ruột lại càng thôi thúc trong mình”.
Chia sẻ cảm xúc khi nghĩ về mẹ ruột, chị Kim bồi hồi: “Trước đây, khi còn bé, mình cũng có khoảng thời gian hận người mẹ đã sinh ra mình. Nhưng từ ngày mẹ nuôi mất, mình cũng đã hiểu được thế nào là tình mẫu tử. Rồi năm 16 tuổi, tự bươn chải nuôi thân, cuộc sống khó khăn vất vả, càng va chạm xã hội, càng biết nhiều hơn về những mảnh đời bất hạnh, mình không còn hận mẹ nữa mà càng thương mẹ hơn, càng thấu hiểu nỗi lòng của mẹ. Có lẽ, mẹ gửi nhờ người nuôi mình vì mẹ không thể lo cho mình, vì mẹ quá khó khăn, muốn tìm cho mình một gia đình tốt và đủ khả năng nuôi dạy mình.
Hiện tại, chị đã làm mẹ của một em bé 14 tháng, và trải nghiệm tình mẫu tử này càng khiến chị khao khát tìm mẹ hơn.
Kim nói thêm, chị đã tìm nhiều cách, dò nhiều nguồn, nhờ nhiều người giúp đỡ, tìm hiểu thông tin về gia đình thật, nhưng chưa có tin tức nào khả quan. Chồng chị cũng hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của vợ, ủng hộ vợ hết mình trong việc tìm lại tung tích gia đình. Chị hy vọng, với việc chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội, có thể có ai đó biết thông tin về gia đình thật của chị, hy vọng phép màu sẽ xảy ra và chị có thể đoàn tụ với mẹ và em trai.
Bạn đọc có thông tin, vui lòng liên hệ với chị Bàn Thị Kim, số điện thoại: +60173736011 và wechat: kimtrang8895 |